Đình Đa Sỹ (Hà Đông)

Về Đa Sĩ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), du khách được tham quan ngôi làng cổ hơn 2.000 năm tuổi, nơi có nghề rèn chuyên nghiệp từ đời nhà Trần (1225-1400) và còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa quý giá… Đây còn là làng thuốc Nam nổi tiếng một thời gắn với công lao mở nghề, dựng nghiệp của thần y Hoàng Đôn Hòa, người được suy tôn là Thành hoàng làng.

Đình Đa Sĩ hiện nay.
Đình Đa Sĩ nằm ở đầu Bắc của làng, cách trung tâm quận Hà Đông hơn 1km về hướng Đông. Đình được xây dựng năm Bính Tuất (năm 1706 hoặc năm 1766, do chữ trên câu đầu ghi là “Tuế tại Bính Tuất niên, Tam nguyệt, cốc nhật, thụ trụ – năm Bính Tuất, tháng Ba, ngày lành, dựng cột). Căn cứ vào lần trùng tu thứ nhất trong năm Canh Ngọ (1810) – năm Gia Long thứ chín – thì khả năng đình được xây dựng vào năm 1766. Cho đến nay, ngôi đình đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Trong đó, có một sự kiện đáng chú ý, ngày 22-12-1972, máy bay B52 của đế quốc Mỹ đã trút bom xuống làng Đa Sĩ làm cho ngôi đình bị hư hại nặng nề. Sang năm 1973, dân làng đã góp của, góp công để phục hồi ngôi đình.

Trên mảnh đất rộng hơn 2.000m2, đình làng Đa Sĩ hiện nay mang kiểu dáng kiến trúc của thế kỷ XIX. Đình nhìn hướng Đông Nam, phía trước có một hồ nước hình chữ nhật, giữa hồ có gò nhỏ hình vuông được gọi là bàn cờ. Từ ngoài đường đi vào, đầu tiên là tam quan xây kiểu nghi môn với ba cửa, cửa giữa lớn nhất, được tạo bởi hai cột đồng trụ cao gần 6m, bốn phía cột đắp nổi các câu đối chữ Hán ca ngợi Đa Sĩ có “cảnh vật vui tươi, thời khí tốt đẹp; đất thiêng sinh nhân kiệt; giữ gìn thuần phong mỹ tục, vui sống thái bình…”.

Tiếp theo là sân đình rộng rãi, dọc hai bên sân là các nhà giải vũ (tả mạc, hữu mạc) đều gồm 5 gian. Đại bái gồm 5 gian lớn và 2 dĩ với tổng chiều dài trên 20m và rộng trên 8m, mang kiểu dáng kiến trúc nhà Việt, loại hình đại đình, kết nối với hậu cung thành hình chữ “đinh”. Bộ khung của đình được làm bằng gỗ lim; các vì kèo dựa trên 16 cây cột to, dưới chân cột có đế là các tảng đá liền khối, được đẽo gọt, tạo hình theo luật âm dương. Từ ngoài hiên đi vào, qua hệ thống cửa bức bàn truyền thống, qua đại bái vào hậu cung, nơi có hương án thờ Thành hoàng làng là danh y Hoàng Đôn Hòa. Phía trên hương án có hai bức hoành phi, một bức chạm 4 chữ Hán lớn “Thọ thế Đại vương” (Đại vương chăm lo tuổi thọ cho đời) theo sắc phong của triều vua Cảnh Thịnh (1793-1801), một bức chạm 4 chữ Hán “Dực bảo Trung Hưng” (vị thần có công vực dậy nền Trung Hưng, 1533-1788) theo sắc phong năm Đồng Khánh thứ hai (1887). Trong đình còn có nhiều câu đối và hoành phi chạm khắc tinh xảo, thếp vàng lộng lẫy, nội dung ca ngợi Thành hoàng làng – thần y Hoàng Đôn Hòa.

Hits: 1301

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *