TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG – KHÁI NIỆM VÀ BẢN CHẤT

Trong cuộc sống, dân tộc nào cũng va chạm với những cặp đối lập “đực–cái”, “nóng–lạnh”, “cao–thấp”… Người nông nghiệp thì, không những thế, còn luôn mong sao cho mùa màng bội thu và gia đình đông đúc, tức là quan tâm đến sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và con người với hai cặp đối lập Mẹ–Cha và Đất–Trời. Đối với nông nghiệp lúa nước, điều này lại càng bội phần hệ trọng: Nghề lúa nước mang tính thời vụ rất cao, do vậy cần rất nhiều sức người (Động tay hơn hay làm). Thời xưa, đất rộng thêm người thì thêm việc, tăng thu nhập, chưa phải lo thiếu ăn nên mới có triết lí Trời sinh voi, sinh cỏ; mặt khác, với cuộc sống định cư, việc sinh đẻ hầu như không ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng.

Người ta cũng dần dần nhân ra rằng hai hình thái sinh sản này có cùng một bản chất: Đất được đồng nhất với mẹ, còn trời được đồng nhất với cha. Việc hợp nhất của hai cặp “mẹ–cha” và “đất– trời” chính là sự khái quát hóa đầu tiên trên con đường dẫn tới triết lí âm dương.

Chính từ quan niệm âm dương với hai cặp đối lập gốc “mẹ– cha” và “đất–trời” này, người xưa đã dần dần suy ra vô số những đối lập mà, đến lượt mình, lại trở thành cơ sở để suy ra những đối lập mới. Chẳng hạn, từ cặp “lạnh–nóng”, có thể suy ra:

(a) Về thời tiết thì mùa đông lạnh thuộc âm, mùa hè nóng thuộc dương;

(b) Về phương hướng thì phương bắc lạnh thuộc âm, phương nam nóng thuộc dương;

(c) Về thời gian thì ban đêm lạnh thuộc âm, ban ngày nóng thuộc dương. Tiếp tục, đêm thì tối nên màu đen thuộc âm, ngày thì nắng đỏ nên màu đỏ thuộc dương.

Từ cặp “mẹ–cha” (nữ–nam), có thể suy ra:

(a) Vì giống cái có tiềm năng mang thai và sau khi sinh thì con gắn bó với mẹ cho nên về loại số, tuy một mà hai, âm ứng với số chẵn; giống đực thì không có khả năng ấy, cho nên dương ứng với số lẻ (bởi vậy mà thời xưa, người ta đã dùng hai vạch ngắn — — để kí hiệu cho âm và một vạch dài — để kí hiệu cho dương; cách ký hiệu này sau dược dùng trong Bát quái);

(b) Về hình khối thì vì khối vuông ổn định, vững chãi, tĩnh nên hình vuông thuộc về âm; còn khối cầu dự chuyển động nên hình tròn thuộc dương. Thêm vào đó, tỉ lệ giữa cạnh và chu vi hình vuông là 1:4 – số 4 chẵn thuộc âm; còn tỉ lệ giữa đường kính và chu vi hình tròn là 1:3 – số 3 (số л) lẻ thuộc dương (người Việt Nam ưa dùng biểu tượng vuông–tròn này).

Về loại hình văn hóa thì văn hóa gốc nông nghiệp chứa những đặc trưng âm tính là chủ yếu: ở thì muốn yên ổn ở một chỗ, với thiên nhiên thì muốn hòa hợp, với mọi người thì nặng về tình cảm, với môi trường xã hội thì bao dung…

Còn văn hóa gốc du mục thì lại chứa những đặc trưng dương tính là chủ yếu: ở thì nay đây mai đó, với thiên nhiên thì muốn chinh phục, với mọi người thì thiên về bạo lực, với môi trường xã hội thì ưa độc tôn… Xét dưới góc đô triết lí âm dương có thể gọi văn hóa gốc nông nghiệp là loại văn hóa trọng âm; còn văn hóa gốc du mục là loại văn hóa trọng dương

Tuy nhiên, việc xác định bản chất âm/dương của các sự vật, hiện tượng xung quanh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chẳng hạn, cây lúa là âm hay dương? Cái cày là âm hay dương? Đối với mỗi trường hợp trên đều có hai cách trả lời. Chính từ thực tế này, người xưa đã dần dần tìm ra những đặc điểm mang tính quy luật của triết lí âm dương.

Hits: 39497