Đình Thụy Ứng (Thường Tín)

Đình Thụy Ứng là một công trình kiến trúc cổ mang tên của làng. Khi Bảo Đại lên ngôi vua, để tránh tên húy Vĩnh Thụy, trong vài chục năm, làng phải đổi tên thành Tường Ứng. Sau cách mạng tháng 8/1945 lại gọi là Thụy Ứng. Hiện nay, làng thuộc xã Hòa Bình, huyện Thường Tín.

Theo các văn tự cổ và 24 đạo sắc phong hiện lưu tại di tích thì đình Thụy Ứng thờ 9 vị hoàng đế nhà Lý thế kỷ XI-XII. Trị vì đất nước trong thời gian 126 năm, thứ nhất là Vua Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn, sinh năm 974 mất năm 1028, hưởng thọ 55 tuổi. Lên ngôi tháng 10 âm lịch năm 1009 khi đó 35 tuổi, trị vì 19 năm (1009 – 1028). Hai là Vua Lý Thái Tông tên thật là Lý Phật Mã (tên khác là Lý Đức Chính) sinh năm 1000 mất năm 1054, hưởng thọ 55 tuổi. Lên ngôi năm 1028 khi đó 28 tuổi, trị vì 26 năm (1028-1054). Ba là Vua Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, sinh năm 1023 mất năm 1072, hưởng thọ 50 tuổi. Lên ngôi năm 1054, khi đó 31 tuổi, trị vì 18 năm (1054 – 1072). Bốn là Vua Lý Nhân Tông, tên thật là Lý Càn Đức, sinh năm 1066 mất năm 1127, hưởng thọ 62 tuổi. Lên ngôi năm 1072, khi đó mới có 6 tuổi, trị vì 55 năm (1072 – 1127). Năm là Vua Lý Thần Tông, tên thật là Lý Dương Hoán, sinh năm 1116 mất năm 1138, hưởng thọ 23 tuổi. Lên ngôi năm 1127, khi đó mới có 11 tuổi, trị vì 11 năm (1127 – 1138). Sáu là Vua Lý Anh Tông, tên thật là Lý Thiện Tộ, sinh năm 1136 mất năm 1175, hưởng thọ 40 tuổi. Lên ngôi năm 1138 khi đó mới có 3 tuổi, trị vì 37 năm (1138-1175). Bảy là Vua Lý Cao Tông, tên thật là Lý Long Cán, sinh năm 1173 mất năm 1210, hưởng thọ 38 tuổi. Lên ngôi năm 1176, khi đó mới có 3 tuổi, trị vì 34 năm (1176-1210). Tám là Vua Lý Huệ Tông tên thật là Lý Hạo Sảm, sinh năm 1194 mất năm 1226, hưởng thọ 33 tuổi. Lên ngôi năm 1211, khi đó mới có 17 tuổi, trị vì 14 năm (1211-1225). Chín là Vua Lý Chiêu Hoàng, tên thật là Lý Phật Kim (Lý Thiên Hinh), sinh năm 1218 mất năm 1278, hưởng thọ 61 tuổi. Lên ngôi năm 1224, khi đó mới có 6 tuổi, trị vì 01 năm (1224-1225). Lý Chiêu Hoàng là một trong những Nữ Hoàng của Việt Nam và là vị Vua cuối cùng của triều đại nhà Lý. Lý Chiêu Hoàng là vị vua thứ 9 chưa xưng hoàng đế nên bài vị ở Hậu cung chỉ ghi “Thành hoàng tôn phong hiệu có hưng viện Lý Bát Vị Hoàng đế linh vị”. Ngoài ra, đình còn thờ Đỗ Phục quân chi thần, đó là Đỗ Phụ Chính, tên húy là Đỗ An Di, làm phụ chính cho Lý Cao Tôn. Đỗ An Di là em ruột hoàng hậu Đỗ thị, cậu ruột của vua Lý Cao Tôn.

Đình Thụy Ứng là một công trình kiến trúc có quy mô to lớn và khá lộng lẫy so với quanh vùng. Đình có tòa Thiêu hương, Đại bái và Hậu cung quy mô đồ sộ, ít nhất vào năm Dương Hòa ngũ niên mà câu đầu còn dòng chữ Hán khắc năm tạo dựng còn giữ được ở Đại bái, đình này được xây dựng vào năm 1639, đến thời Nguyễn nhiều lần tu sửa tôn tạo để có quy mô như hiện nay.

Các hạng mục quen thuộc: giếng đình, cột trụ, tường bao, sân gạch lát gạch Bát Tràng… hiện còn đầy đủ. Tòa Thiêu hương với kiến trúc chồng diêm 2 tầng 8 mái, còn đủ các đầu đao cong vút. Phần cổ diêm đắp nổi các tích: Dương dương trường bản, Tam quốc chiến, Lã Bố… Nghệ nhân xưa đã mượn đề tài cổ tích để ca ngợi tinh thần thượng võ, gửi gắm ý đồ và tài năng nghệ thuật. Hạng mục công trình này được tạo dựng năm Bảo Đại tứ niên (1929).

Tòa Đại bái đình Thụy Ứng có kích thước khá lớn, dài 21,64m, rộng 11,22m và được chia làm 5 gian. Vào năm Tự Đức nhị thập bát niên được sửa chữa lại, dân làng đã làm liền trong hai năm 1865-1866 (có khắc vào câu đầu dòng chữ Hán sự việc này). Kết cấu kiến trúc theo bốn hàng chân gỗ và vì nóc kiểu chồng rường, 24 cột gỗ lim. Đại bái có bốn cửa võng sơn son thếp vàng, khảm trai rất công phu. Các bức cốn đều điêu khắc tích “Ngư long hý thủy”, mặt sau chạm nổi “Ngũ lão”, “Bát tiên” với bố cục hài hòa, tinh tế. Đáng lưu ý, có những họa tiết điêu khắc cua cắp mỏ chim, hai con vật lộn trên mặt nước. Yếu tố dân gian này rất độc đáo hàm chứa vấn đề xã hội khoảng giữa thế kỷ XIX khi mà chế độ chuyên chế của nhà Nguyễn suy yếu.

Hằng năm, vào ngày 9, 10, 11, tháng giêng, chính hội là ngày mồng 10 tháng giêng nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hội truyền thống để tỏ lòng thành kính với các vị Thành hoàng làng. Đây chính là dịp để bà con địa phương cũng như những người con đi làm ăn xa nô nức hội tụ tham gia tế lễ, rước kiệu để cầu mong cho một cuộc sống yên vui, tốt lành và hòa mình vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc.

Với những giá trị của mình, năm 1990, Đình Thụy Ứng được Bộ Văn hóa xếp hạng di dích lịch sử cấp Quốc gia.

Hits: 777

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *