Đình Hữu Bằng (Thạch Thất)

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía Tây, đình Hữu Bằng thuộc xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, xưa được gọi với tên nôm là đình kẻ Nủa, được công nhận di tích Lịch sử – Văn hóa năm 1989.

Di tích lịch sử – văn hóa đình Hữu Bằng

Được xây dựng thời Lê Trung Hưng niên hiệu Chính Hòa, Đình thờ tam vị Nam Hải Đại Vương thành hoàng làng, đình Hữu Bằng tọa lạc trên một gò đất cao ráo, thoáng mát, phía trước có hồ nước như là điểm “tụ thủy, tụ phúc”. Thế đất cao tượng trưng cho yếu tố dương kết hợp với hồ nước tượng trưng cho yếu tố âm tạo thế âm dương tương cân đối, điều hòa sinh khí. Hiện, trong đình còn lưu giữ 27 đạo sắc phong qua các triều vua phong kiến, vua phong thượng đẳng thần cho tam vị thành hoàng.
Cổng đình có bố cục đặc trưng gồm hai tháp môn sừng sững đứng chính giữa, hai bên cổng phụ mái chồng diêm. Trên đỉnh tháp môn đắp tứ phụng sinh động, bên đưới đắp tranh hoa bốn mùa, thân tháp hình trụ chữ nhật xung quanh có các cắp câu đối chữ nho. Hai cổng phụ thấp và nhỏ hơn cổng chính nhằm mục đích dành cho người dân ra vào tránh phạm thượng đi chính môn đối diện với gian chính điện. Mái đình cong hình đầu đao cong vút hướng lên trời xanh, toàn bộ mái được lợp bằng ngói vẩy truyền thống, một hình ảnh thân thuộc đã từng đi vào thơ ca, chỉ khiến người ta thấy thân thương khi nó gắn kết với kỷ niệm, với nhận thức của con người về thời yên ấm đã qua: “Qua đình ngả nón trông đình Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”. Nóc đình đắp tượng lưỡng long trầu mặt nguyệt chạm sành, cặp kìm chạm sành hai bên hướng mặt về phía đỉnh nóc của đình.
Nhìn tổng quan đình Hữu Bằng là một khu di tích có quy mô rộng, cổ kính, trang nghiêm và có chiều sâu. Qua cổng đình tiến vào bên trong là khoảng sân rộng rãi lát gạch đỏ, hai bên là hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu mỗi dãy nhà gồm 7 gian tổng cộng có 14 gian được dùng làm nơi sắp lễ, ngồi chờ của khách, ngày thường nơi đây là địa điểm vui chơi sinh hoạt cộng đồng của người làng. Bao quanh khuôn viên là tường gạch, hai dãy nhà Tả vu, Hữu vu thay vì có tường bao kín thì được che chắn bằng những tấm chắn song gỗ. Đây là một trong những điểm độc đáo, nhờ vậy khiến cho không gian trong ngoài đình vô cùng thoáng đãng, hơi nước từ hồ theo gió đưa vào đình.
Muốn vào trong chính điện phải bước qua các bậc cấp trước là cửa bức bàn. Ngôi đình gồm hai gian chủ đạo là Đại bái và Hậu cung, phía ngoài Đại bái xây theo kiểu 5 gian 2 dĩ tạo nên một không gian vô cùng rộng mà thoáng mát. Tại chính điện trưng bày nhiều đồ vật linh thiêng như hạc, lục bình, gươm, đao, bát xà mâu… Theo lời các cụ cao niên trong làng khi bước vào đây phải “Tĩnh túc, hồi tỵ” tức đi đến vào chính điện phải dừng lại từ từ chiêm bái không được tiến thẳng vào, và phải thể hiện lòng thành kính tôn nghiêm khi đứng trước ngai thờ các ngài. Bức hoành phi được treo trang trọng chính giữa gian đại bái đề dòng chữ: “Phổ Bác Uyên Tuyền” – Rộng rãi như trời, sâu thẳm như tuyền”. Bên dưới cửa cánh võng chạm hình long phụng, hoa lá, được sơn son thiếp vàng lộng lẫy.
Đình Hữu Bằng thuộc kiểu kiến trúc thượng diêm tám mái, gồm có hai tầng xếp chồng lên nhau mỗi tầng có bốn mái, loại kiến trúc vô cùng độc đáo. Toàn bộ khung xương của ngôi đình được chống đỡ bởi hệ thống cột cái, cột quân, cột hiên vững trãi, các vì kèo, câu đầu được kết nối với hệ thống cột bằng các lỗ mộng có độ chính xác cao, như những khớp nối vô cùng ăn nhập với nhau, không hề có sự can thiệp của một chất kết dính bên ngoài.
Một nét độc đáo nữa là trong đình không lát gạch mà làm sàn gỗ (gỗ xoan), sàn gỗ cách mặt đất khoảng 0.5m. Chính điều này góp phần làm cho ngôi đình trở nên thoáng mát, không khí êm dịu gần gũi thiên nhiên. Các cột trụ được kê bằng đá ong nối liền với nền đất bên dưới sàn. Sàn gỗ thiết kế theo các khu có chênh lệch về độ cao, nơi đây là chỗ trải chiếu ngồi của các vị cao niên trong làng khi đình có công có việc, sự chênh lệch độ cao giữa các mảng sàn gỗ còn thể hiện ngôi thứ chức sắc trong làng của các bô lão. Trong đình còn bảo lưu được nhiều bức cốn, bức vách chạm bong kênh tinh xảo, sống động hình long phụng chim muông hoa lá trên tấm cửa võng trong cùng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, thế kỷ XIX. Hình rồng chạm bong kênh nổi bật như ẩn như hiện trong từng thớ gỗ, vảy râu, bờm hiện lên sống động, thân rồng uốn lượn lúc ẩn lúc hiện vô cùng ảo diệu. Đưa mắt nhìn qua hai tấm cửa võng là tới ban thờ đặt 3 bộ ngai đầu rồng phủ sơn son thiếp vàng.
Hằng năm, có 3 ngày tiệc lớn của đình, ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch kỷ niệm ngày sinh tam vị thành hoàng hay còn được dân gian gọi với tên “ngày mộc dục”, Ngày 12 tháng năm âm lịch mở tiệc ăn mừng thắng trận của các ngài, ngày 17 tháng 7 âm lịch các ngài hóa về trời. Những ngày đình có công có việc trai đinh trong làng ra phụ giúp, các cụ cao niên chủ trì tế lễ hướng dẫn tổ chức các nghi thức cúng bái thể hiện sự cố kết cộng đồng rất cao, cho thấy đình làng là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi tụ họp của dân làng. Đám to được tổ chức 3 năm/lần, trong dịp long trọng này làng tổ chức tế trâu, trâu đem tế phải là trâu đực mộng, dáng đẹp, đen tuyền, sừng cánh ná…Bên cạnh đó, hội làng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian: hát ả đào, cờ người, chọi gà, đánh đu, bắt vịt, đấu vật… với mục đích chung tăng cường giao lưu và tinh thần đoàn kết.

Hits: 1303

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *