PHỐ YÊN THÁI – NGÕ TẠM THƯƠNG

Phố Yên Thái dài 140m, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng tây. Theo hướng đông-tây phố đi từ Hàng Mành đến Đường Thành, chỗ quảng trường chợ Hàng Da. Giữa phố có lối rẽ vào ngõ Tạm Thương thông ra phố Hàng Bông.

Đây nguyên là đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Suốt già nửa thế kỷ thời thuộc Pháp, trong khi các phố chung quanh được mở mang khá rộng rãi thì ở phố này – lúc đó gọi là ngõ Yên Thái (Ruelle Yên Thái), mặt đường vẫn hẹp chỉ vừa đi lọt chiếc xe tay, phố không có vỉa hè, không cống thoát nước, nhà cửa hầu hết chật chội lụp xụp. Những nhà trong ngõ nhất là bên số lẻ thường thò ra thụt vào, không theo hàng lối gì hết.

Người dân cư trú tại đây đa số là dân nghèo, kiếm ăn bằng những nghề thủ công. Họ chủ yếu là thợ vẽ mành mành, thợ mộc, thợ nề, thợ quét vôi đi rong, kéo xe… Vợ con buôn thúng bán mẹt trong chợ Hàng Da. Dân nghèo Yên Thái còn có cả những người Tàu sống bằng nghề bán quà rong. Mãi đến những năm 1930-1940, do giá nhà ở nội thành tăng cao, một số người có tiền tậu đất làm nhà cho thuê, họ xây những nhà gác hai tầng nhưng số đó rất ít.

Ở số nhà 2A phố Yên Thái, có ngôi đình Thợ thêu, tên chữ Hán “Tú Đình Thị” tức “Chợ Đình thợ thêu”, bên trong thờ tổ nghề thêu. Ông là Lê Công Hành, tên thật Trần Quốc Khải, sinh ngày 18/1 năm Bính Ngọ (1606) và mất năm Tân Sửu (1661), dân gốc làng Quất Động nay thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội), một người có nhiều đóng góp trong việc cải tiến kỹ thuật thêu ở Việt Nam. Tương truyền thời xưa, những thợ thêu ở trong làng Yên Thái này, cứ ngày phiên chợ lại đem các hàng thêu ra bày bán và giao dịch với khách hàng tại ngôi đình kia, cho nên mới có tên là “Chợ Đình thợ thêu.”

Ngõ Tạm Thương

Khoảng đầu đời nhà Nguyễn, quan chức Hà Nội có cho dựng ven con đường đi qua thôn Yên Thái một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Tạm Thương. Vì vậy nên con đường này về sau đổi thành ngõ Tạm Thương, thời Pháp thuộc gọi là Ruelle Tam Thuong, dịch đúng nghĩa đen.

Tạm Thương là một con ngõ hẹp và ngắn chỉ chừng hơn 100m, mặt phía nam mở ra phố Hàng Bông. Ngõ này từ mấy năm nay được biết đến như phố của các món nhậu, nơi có món nem chua rán rất khoái khẩu cùng các thứ đồ nhắm bình dân khác và bạn có thể ngồi đến tận khuya. Khách đến đây chủ yếu là văn nghệ sỹ, sinh viên hoặc các đôi tình nhân… họ tìm thấy sự vui thú trong cái chật chội, xô bồ những thấm đẫm chất phố cổ Hà Thành một sự giao thoa của ập ã phố phường với cái hoài cổ, lắng đọng của những ngõ, ngách thẳm sâu …

“…Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương

Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm

Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm

Thương một đời đâu phải tạm thương…”

(Chế Lan Viên)

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Yen-Thai-ngo-Tam-Thuong.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho yen thai ngo tam thuong.docx”]

Hits: 2576

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *