PHỐ HÒE NHAI

Phố Hòe Nhai dài gần 400m, nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 1,3km về hướng bắc. Phố kéo từ dốc đê Yên Phụ, cắt qua các phố Hồng Phúc, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Than, Quán Thánh, rồi đổ vào phố Phan Đình Phùng.

Phố Hòe Nhai có từ lâu đời tuy không ai rõ là bao giờ. Xưa kia nơi đây bao gồm địa phận các thôn Thạch Khối Thượng, Hòe Nhai (sau đổi là Giai Cảnh) và Yên Thành, tất cả đều thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Di tích cổ tại góc phố Quán Thánh – Phan Huy Ích ở gần cuối phố Hòe Nhai cũng có tên đền Yên Thành, nơi thờ Vua Bà Lý Chiêu Hoàng. Còn đầu dốc Yên Phụ chỗ số 6 phố Hòe Nhai thì có ngôi đền Tiên Linh Từ.

Tương truyền vào thời Lý (1010 – 1225) lệ cũ quy định rằng các triều thần mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường từ cửa Đông hoàng thành ra tới bến Đông Bộ Đầu, do đó mà thành tên (Hòe Nhai tức là “đường cây hòe”). Chuyện này nếu đúng thì cũng hoàn toàn hợp lý, bởi vì xưa kia quãng phố Đội Cấn của Hà Nội bây giờ từng gọi là Liễu Giai, nghĩa là “đường cây liễu”.

Quả thật tư liệu sử cũ cũng cho biết rằng vào thời Lý–Trần ở phía tây Thăng Long vốn tập trung nhiều dinh thự của các hoàng tử, công chúa. Họ đã trồng những rặng liễu rủ thướt tha ven con đường đi về phía tây và gọi là Liễu Giai, tương ứng với “Hòe Nhai” là con đường trồng hòe ở phía đông kinh thành.

Từ tên một con đường, Hòe Nhai được lấy làm tên thôn sở tại và ngôi chùa Hồng Phúc Tự ở đây cũng gọi là chùa Hòe Nhai. Cổng chùa nay ở số 19 phố Hàng Than, cổng phụ thì ở phố Hòe Nhai, đối diện đầu phố Hồng Phúc. Trong chùa còn lưu giữ một số bia và tượng cổ, đặc biệt trên tấm bia đá dựng năm Chính Hòa 24 (1703) có ghi rõ “Tại phường Hòe Nhai ở Đông Bộ đầu của thành Thăng Long nước Đại Việt ta có ngôi chùa tên gọi Hồng Phúc”.

Nhờ dòng chữ khắc trên tấm bia nói trên mà giới sử học đã xác định được vị trí của Đông Bộ Đầu (tức “Bến phía Đông”) là ở quãng bãi Phúc Xá gần bờ đê Hữu (sông) Hồng. Trong lịch sử của dân tộc ta, đây là một địa danh đầy ý nghĩa tự hào, nơi hai cánh quân thủy bộ nhà Trần đã tiến đánh giáp công và chiến thắng giặc Nguyên ngày 29-1-1258, giải phóng kinh đô Thăng Long.

Thời Pháp thuộc, đường này gồm hai đoạn phố nối thẳng mang tên khác nhau. Đoạn đầu khá ngắn, gọi là “Voie 34” (đường 34), đi từ đường Yên Phụ đến phố Hàng Than. Đoạn cuối dài hơn, kéo từ phố Hàng Than đến phố Phan Đình Phùng, gọi là “Rue de l’Hôpital chinois” tức “phố Bệnh viện Tàu”, dân ta quen gọi là “phố Nhà Thương Khách” vì ở số nhà 17 có một bệnh viện Đông y do các Hoa kiều gốc Quảng Đông lập nên vào khoảng năm 1921.

Từ năm 1945, thị trưởng Hà Nội đã trả lại tên cũ cho “Voie 34” thành ra phố Hòe Nhai, còn “Rue de l’Hôpital chinois” thì đổi theo cái tên dân dã quen dùng là phố Nhà Thương Khách. Tới năm 1964, chính quyền thành phố đã nhập hai phố lại làm một như thời cổ và gọi chung là phố Hòe Nhai cho hợp với ý nghĩa ‘đường cây hòe’ từ cửa Đông thành Thăng Long ra bến sông Hồng.

Có một khu nhà từng gây chú ý về mặt kiến trúc trên phố Nhà Thương Khách cũ, chiếm liền hai số 18 – 20, vốn của kiến trúc sư Lagisquet. Ông ta được bầu làm Phó Đốc lý của Hội đồng Thành phố nên có nhiều quyền thế và tiền bạc. Lagisquet lấy vợ Việt và xây nhà to để có thể sống “tứ đại đồng đường” nhưng giấc mơ này không kéo dài lâu. Con cháu ông ta sau cũng ra đi và dinh cơ đó về tay nhiều hộ dân khác nhau.

Bệnh viện Đông y Hòe Nhai từ năm 2007 cũng đã chuyển tên thành Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, trụ sở ở số nhà 34 đối diện.

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hoe-Nhai.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hoe nhai.docx”]

Hits: 2420

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *