PHỐ HÀNG NGANG

Phố Hàng Ngang dài 152m, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 300m về hướng bắc. Đầu phố giáp ngã tư Hàng Buồm – Lãn Ông và nối với phố Hàng Đường; phía nam giáp ngã tư Hàng Bạc – Hàng Bồ và nối với phố Hàng Đào.

Từ thời Lê, tên phố là Việt Đông do có nhiều Hoa kiều gốc Mân Việt, Quảng Đông đến lập hội làm ăn. Khi quân Thanh chiếm Trung Hoa vào thế kỷ 17 thì người Minh Hương chạy loạn sang đây đã đem việc cúng lễ của Tàu pha vào phong tục của người Việt, thí dụ như dựng đền Tam Thánh, thờ cả Quan Công cùng với Trần Hưng Đạo trong đó.

Thời Hậu Lê và thời Nguyễn, triều đình Việt Nam định ra luật cư trú cho người ngoại quốc rất nghiêm. Theo lệ cũ, người Hoa được tổ chức thành “bang”, tập trung vào mấy nơi ở Hà Nội là Việt Đông (Hàng Ngang) và Hà Khẩu (Hàng Buồm), hết thời hạn phải về Trung Quốc, nếu tình nguyện ở lại phải thay đổi y phục, phong tục theo người Việt Nam.

Người Trung Quốc sang ta định cư trước kia thường cùng quê với nhau thì tụ hội gần nhau. Ngay cạnh phố Hàng Ngang, về phía đông ở phố Hàng Buồm có Hội quán Quảng Đông, về phía tây có Hội quán Phúc Kiến ở phố Lãn Ông.

Có thuyết cho rằng “Thế kỷ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, bán đồ tơ lụa màu xanh lam”, nhưng “đoạn đầu” đi từ đâu đến đâu thì không sách nào nói rõ. Thời Nguyễn, sách “Đại Nam nhất thống chí” vẫn ghi tên “phố Việt Đông”.

Trong sách “Người và cảnh Hà Nội” tác giả Hoàng Đạo Thúy viết: “…những người khách trú gốc Quảng Đông đến rất đông ở phố này, bán tạp hóa, chè và thuốc. Họ làm giàu to nên trước đây hai đầu phố làm cổng ngăn rất chắc. Sau nhà có tường cao như thành, chỉ có một số cửa sau kín đáo để thì thọt với Tây, với quan…”.

Thời Pháp thuộc, phố mang tên “Rue des Cantonnais” (phố của người Quảng Đông). Nhưng không chỉ người Hoa mà cả người Việt, người Ấn Độ (thương nhân từ TP Bombay sang VN bán vải) cũng có cửa hàng tại đây.

Đầu thế kỷ 20, có thêm đường tàu điện giữa phố nên hai làn đường còn lại bị thu hẹp, nhưng vỉa hè vẫn khá đủ cho người đi bộ. Người ta kể là trong một lần tiếp đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch thì hoàng thân Hăng-ri Đờ Mông-pơ-za, phu quân của Nữ hoàng Đan Mạch, người đã sống suốt thời thơ ấu ở Hà Nội và nói tiếng Việt rất sõi, có hỏi ông đại sứ rằng “Thế bây giờ phố Hàng Ngang có còn tàu điện chạy leng keng nữa không ?”

Nhà cửa những năm 1930 – 1940 thường là kiểu hình ống, trung bình mặt tiền rộng 4-6m, nhưng cũng có nhà hẹp chỉ hơn 2m như nhà số 9, hay 21 (hiệu Tam Hoà). Một số căn nhà ống rất sâu, thông sang tận phố Hàng Buồm, hay Hàng Cân. Hầu hết là nhà 1 tầng hay 2 tầng sàn gỗ lợp ngói, có bao lơn nhỏ và mái che trước cửa bằng tôn hay gỗ mỏng. Nhà bê-tông đúc rất hiếm. Dân trong phố lúc đó khổ sở nhất về hai khoản nhà vệ sinh và hệ thống thoát nước.

Theo Doãn Kế Thiện trong sách “Hà Nội cũ” do NXB Đời Mới in năm 1943 thì trước đó ở cuối phố Hàng Ngang, cạnh cổng phường có một cái điếm canh gác ban đêm bỗng trở thành trạm thông tin vỉa hè. Hễ trong phường phố xảy ra chuyện trái đạo đức thì có ai đó bí mật đem dán ngay ở đây một bài vè tường thuật châm biếm, thường được nhanh chóng lan truyền và các ông bà hát xẩm đem trình diễn luôn ở nơi chợ búa, bến tàu, bến xe. Vì vậy dân đương thời gọi là “điếm vè Hàng Ngang” và nhiều tay nhà giầu cùng quan lại rất sợ cái điếm này.

Phố Hàng Ngang có nhà số 48 được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hoá theo Quyết định số 54/VH/QĐ ngày 29-4-1979. Ngôi nhà đặc biệt này còn có lối ra vào nữa ở số 35 phố Hàng Cân và trước kia thuộc gia đình ông Trịnh Văn Bô, một vị tư sản giàu lòng yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cư ngụ trên căn gác nhỏ tại đây vào mùa thu năm 1945 và viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những cửa hàng thời trang, mỹ phẩm xuất hiện chủ yếu từ thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội. Mãi đến tận thời bao cấp trên phố vẫn còn có một vài cửa hiệu vẽ truyền thần.

Trong chiến tranh chống Mỹ, mấy nhà cuối dãy lẻ bị phá để xây hầm tránh bom, nên số 59 trở thành lớn nhất; sau ngày hoà bình hầm trú ẩn được dỡ đi, thay vào đó người ta xây một Quỹ Tiết kiệm. Dãy chẵn cũng chỉ có khoảng 30 số nhà, cửa hiệu Bảo Thành ở cuối cùng.

Phố tuy ngắn và lòng đường lại chỉ rộng khoảng 6-8m nhưng Hàng Ngang là một trong những con phố cũ sầm uất nhất thủ đô. Cùng tuyến với Hàng Đào, Hàng Đường, ngày nay đây vẫn là dãy phố chuyên doanh đặc trưng của nội thành Hà Nội, bán từ quần bò cho đến complet, veston, blouse, y phục các loại đủ mùa. Đây cũng thuộc tuyến phố “chợ đêm Đồng Xuân” nơi giao thông cơ giới chỉ có một chiều và lòng đường được dành cho người đi bộ vào buổi tối các ngày Thứ sáu, Thứ bảy, Chủ nhật.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Ngang.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang ngang.docx”]

Hits: 758

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *