ĐỀN THANH NHÀN

Trong số các địa danh của xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thôn Thanh Nhàn luôn được nhắc đến với những kí ức cổ xưa nhất, khi người dân đất này cùng Thánh Gióng đánh giặc, cứu nước. Đền thờ Phù Đổng Thiên vương, được xây dựng trên khu đất cao ở ngay đầu làng Thanh Nhàn, kế bên sông Cà Lồ. Hội đền Thanh Nhàn cùng ngày hội làng. Đền Thanh Nhan như một minh chứng bất tử của vùng đất có lịch sử hàng ngàn năm từ thời Hùng Vương dựng nước.

Theo truyền thuyết Thánh Gióng, trên đường đánh giặc Ân qua vùng đất Thanh Khốn, thấy phong cảnh nơi đây hữu tình, không khí linh thiêng, Thánh Gióng liền dừng chân, cho quân sĩ nghỉ ngơi, đổi tên Thanh Khốn thành Thanh Nhàn, ra lệnh khao quân, chiêu mộ thêm binh sĩ. Sau khi dẹp xong giặc Ân, Thánh Gióng đã cùng ngựa bay về trời. Để nhớ công ơn người anh hùng Thánh Gióng, nhân dân trong vùng lập đền thờ Ngài tại nơi ngàu dừng chân. Đền Thanh Nhàn được nhân dân 3 tổng: Cổ Bái, Gia Thượng, Kim Anh thờ phụng.

Theo nhiều tài liệu chữ Hán còn lưu giữ được tại đền và truyền thuyết dân gian trong vùng, đền Thanh Nhàn chính thức được xây dựng quy mô từ thế kỷ XI và được trùng tu, nâng cấp vào năm Quang Hưng thứ nhất (1578). Khi đó trên mảnh đất rộng hơn chục nghìn mét vuông, ngoài ngôi chùa trăm gian, đền được xây dựng nguy nga về thế với nhà đại tế, cung nhất, cung nhị và hậu cung. Phía ngoài đền còn có nhà Mẫu, gác chuông, bán bình và một hành lang dành cho quan viên và dân chúng tam tổng về dự lễ hội. Trải qua thời gian dài với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, thiên nhiêu khắc nghiệt, nhiều công trình của đền đã bị phá hủy.

Năm 2005, đền được phục dựng lại như ngày nay. Đền dựng theo hướng Nam – Tây Nam, trên một quả đồi lớn thoáng rộng, phía trước là một hồ nước. Đền có 4 cung, bố cục theo kiểu chữ “Tam”. Từ ngoài vào là cung tiền tế, cung đệ tam, cung đệ nhị, cung đệ nhất, ở cả ba cung đều có tượng Đức Thánh Phù Đổng và một số đồ vật tế lễ. Tất cả các cung đều được làm trên nền dọc hướng cao lên của quả đồi. Bên phải cung đệ nhị là nhà Mẫu, bên trái nơi nghỉ của các cụ trông nom đền. Trong đền hiện còn một cuốn thần tích viết năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), 7 đạo sắc phong, cổ nhất là đạo sắc phong năm Chính Hòa thứ 4 (1683), Vĩnh Thịnh thứ 10 (1710), một quyển Mục dục, lệ làng hương ước.

Năm 1990, Bộ Văn hóa – Thông tin đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho đền Thanh Nhàn.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/12/Den-Thanh-Nhan.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: den thanh nhan.docx”]

Hits: 4338

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *