NGHÈ TƯ ĐÌNH

Thôn Tư Đình cuối năm 2003 khi thành lập quận Long Biên được chia thành 4 tổ dân phố thuộc phường Long Biên. Đền Tư Đình, thuộc tổ 4, ở vị trí nằm gần đường đê sông Hồng phía ngoài sông, kiến trúc nhỏ gọn và riêng biệt.

Di tích thường được nhân dân địa phương quen gọi là nghè Tư Đình, nhưng xét về việc thờ cúng ở đây còn có thể gọi tên của di tích là đền. Đền Tư Đình hiện có kiến trúc nhỏ, gọn với 2 phần: Tiền tế và Hậu cung theo bố cục chuôi duộc chữ đinh. Hậu cung đền được khôi phục lại năm 1992 có 1 gian 2 dĩ, có mái chải tạo thành hiên ở trước, kết cấu kiến trúc lối kèo kìm, quá giang, nền lát gạch, mái lợp ngói sông Cầu. Tiền tế khôi phục vào năm 1994, có 3 gian, kiến trúc tường hồi bít đốc, tay ngai có trụ biểu chừa hiên hẹp. Kiến trúc Tiền tế kết cấu kiểu kèo kìm, quá giang, mái lợp ngói, nền lát gạch. Ở trước Tiền tế có một sân nhỏ, lát gạch, xây tường hoa thấp bao quanh. Đền trông ra phía trước là một hồ nước lớn, hồ này thực chất là lạch nước hòa chung với dòng sông Hồng khi nước lớn tạo cho vị trí đền khá “đắc địa”: tụ thủy, phong quang. Đất đền xưa kia rộng cả một vùng bãi ven sông, nay đã được ngăn thành một khu vực riêng, xung quanh có tường bao, các bên là các khu đất khác.

Cụ thủ nghè cho biết: nghè Tư Đình duy trì đến sau năm 1954, những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, nơi đây đã được dùng làm trường học sơ tán của con em địa phương, những năm có chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, khu nghè là nơi để các vật dụng phục vụ chiến đấu cho sân bay Gia Lâm. Thời gian sau, kiến trúc nghè hư hỏng nặng, bị đổ nát chỉ giữ lại được một phần để thờ cúng. Sau ngày hòa bình, nơi đây được khôi phục giống một miếu thờ, đồ thờ đã chuyển về chùa.

Năm 1992 – 1994, di tích được nhân dân hưng công, khôi phục lại và giữ cho đến ngày nay. Trong Hậu cung bố trí ban thờ đặt ngai thờ, bài vị, 1 khay đài, 1 hòm đựng sắc phong cổ bằng gỗ, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX. Có 1 án nhang gỗ, nghệ thuật thế kỷ XX dạng chân quỳ, 1 cây nến gỗ cổ, 1 bức hoành phi ghi 4 chữ Hán đại tự “Vạn cổ chung linh”, nghệ thuật thế kỷ XIX. Tượng thờ đặt trên ngai là tượng nữ mới công đức có nhiều nét giống tượng thờ Mẫu, 2 tượng Nữ hầu nhỏ đặt ở hai bên. Bên ngoài Đại tế, xây ban thờ, đặt bát hương có ngôi thờ chính tại gian giữa, có một số đồ thờ khác như: hoành phi, 1 đôi câu đối, đều là các đố thờ mới được công đức. Có một số đồ thờ mang yếu tố thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Cụ thủ nghè cho biết, có 3 đạo sắc phong thời Nguyễn, nhưng sau đó bị mất.

Căn cứ bản khai Thần tích của hương lý thôn Tư Đình, làng Cổ Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh với Viện Viễn Đông Bác Cổ vào năm 1938 – 1940 hiện được giữ ở Viện Thông tin Khoa học xã hội cho biết: Thôn Tư Đình thờ 5 vị Thành, Thần hoàng là: Linh Lang Đại vương, Đô Hồ, Đại Lộ Hiển ứng Đại vương, Vũ Thị Ý – Trân Tư Công chúa Đại vương và Nguyễn Thành Tương Liệt Đại vương thờ Ở đình và đền, nghè Tư Đình. Theo hồ sơ công nhận xếp hạng ới tích năm 1991, đình Tư Đình thờ 4 vị thành hoàng: Linh Lang, Đô Hồ, Đại Lã, Tương Liệt, không có vị nữ Thần Trân Tư công chúa. Như vậy, vị Thần hoàng này được thờ tại nghè – đền sẽ là phù hợp. Lịch sử của vị nữ Thần theo bản khai với Viễn Đông Bác Cổ cho biết, bà là người ở thôn Tư Đình, họ Vũ tên là Như Ý Thời vua Lý Thái Tổ ngự giá bắc tuần có gặp bà hái dâu ven sông, thấy bà xinh đẹp, hiền thục đã vời bà vào cung làm nhũ Mẫu nuôi dạy Hoàng tử. Được 9 năm, khi Hoàng tử khôn lớn bà xin về quê, vua đã ban thưởng hậu. Đến ngoài 50 tuổi thì bà mất, được vua phong cho là Trinh Thục phu nhân, nhân dân lập đền thờ bà. Bà sinh ngày 21 tháng 8 và mất. ngày 22 tháng 4 âm lịch.

Đền – nghè Tư Đình có kiến trúc và cổ vật bị hỏng, mất nhiều trong chiến tranh, ngay lịch sử, công tích của vị Thần thờ ở di tích cũng ít người dân địa phương biết đến. Đây là 1 di tích thờ về 1 nhân vật có công tích gắn với thời vua Lý Thái Tổ và vương triều Lý rất đáng trân trọng, giữ gìn, nhất là khi Hà Nội đang tiến: gần đến lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong thôn Tư Đình trước đây có một nhà thờ của dòng họ Vũ, cũng có thể việc thôn xây dựng nơi thờ bà nhũ Mẫu ở ngoài đê mang tên gọi là Nghè (nghè hay đền đều có ý nghĩa giống nhau: nơi thờ Thần hoàng, đình thờ Thành hoàng). Việc đưa thêm các yếu tố thờ Mẫu vào đền – nghè Tư Đình như hiện nay góp phần làm cho di tích sầm uất, đông vui hơn, nhưng cần có sự phân biệt rõ giữa 2 ban thờ ở đền: trong Hậu cung thờ Thần hoàng, ngoài Tiền tế bố trí thờ Mẫu. Với việc đưa thêm yếu tố thờ Mẫu vào di tích nên gọi tên di tích là đền Tư Đình sẽ hợp lý hơn. Di tích đền – nghè Tư Đình cần được quan tâm tu bổ, nâng cấp cũng như nghiên cứu để ngày thêm một khang trang, xứng đáng là một di sản văn hóa quý, đẹp của quận Long Biên và Hà Nội.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Nghe-Tu-Dinh.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: nghe tu dinh.docx”]

Hits: 675

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *