ĐÌNH MAI DỊCH

Đình làng Mai Dịch có ít nhất từ thế kỷ 18, bên trong thờ Lý Phật Tử, địa chỉ ở số 16 phố Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

Làng Mai Dịch vốn thuộc về đất Dịch Vọng, sau mới tách thành làng riêng biệt. Suốt từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, nơi đây từng là một dịch trạm lớn trên con đường huyết mạch nối thành Thăng Long – Hà Nội với trấn Sơn Tây, do đó mà thành tên.

Cũng như không ít ngôi đình khác, đình Mai Dịch từng là mái trường tiểu học trong nửa cuối thế kỷ 20, suốt những năm ngành giáo dục còn thiếu cơ sở vật chất. Nhiều trẻ em từ lò đào tạo này về sau đã thành người tốt và có cống hiến cho đất nước. Năm 1995, đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Bước sang thế kỷ 21, đoạn đường quốc lộ QL32 chạy từ cầu vượt Phạm Hùng đến Cầu Diễn được mở rộng và nâng cấp, đặt tên là phố Hồ Tùng Mậu. Cổng đình nay là bến xe bus. Tuy nhiên toàn bộ nền đình đều bị thấp hơn mặt phố, khiến cho sau mỗi trận mưa thì sân đình lại ngập sâu trong nước.

Ngọc phả đình Mai Dịch có ghi lại: Xưa, Lý Bôn dấy nghiệp ở đất tổ Thái Bình, vốn trước làm quan cho nhà Lương, đính hôn cùng bà Nguyễn Thị Thuỳ. Vợ chồng cùng lòng tu nhân tích đức, ba năm hương hoả, đêm ngày phụng thờ Thượng Đế. Vào một ngày tháng 5 năm Quý Mão, bà mộng thấy hào quang rực rỡ đầy nhà , phút chốc thấy có con rắn đốm trắng cuộn khúc, tỉnh dậy lại là bông hoa sen. Từ đó, bà họ Nguyễn mang thai, đến ngày 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn sinh được cậu bé vẻ mặt tươi như hoa đào nở, da sáng như nước trong hồ, nên đặt tên huý là Diêm La Thiên Tư (còn gọi là Phật Tử). Cậu bé tướng mạo thuộc dòng thế phiệt, quý cách, hùng dũng kỳ tài, khi trưởng thành, thiên tư khác lạ, văn võ toàn tài.

Diêm La Phật Tử cùng với người anh họ là Quốc vương Thiên Tử Lý Thiên Bảo ngầm mưu khởi binh giao chiến với Triệu Quang Phục, Trần Bá Tiên. Hai người bị thua ở cửa sông Tô Lịch và Gia Ninh nên đã rút quân về Chương Mỹ dựng đồn luỹ phòng ngự. Sau khi nhận được lời giáo huấn của Thần nhân ở động Hương Tích, Lý Phật Tử và Lý Thiên Bảo liền chỉnh đốn binh mã tiến xuống phía Đông giao chiến với Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình. Quân của hai vị bị thua trận, xin cầu hoà. Triệu Việt Vương không nỡ, bèn cắt đất chia ranh giới cho Phật Tử ở bãi Quân Thần.

Phật Tử cho con trai là Nhã Lang xin cầu hôn với con gái Triệu Việt Vương là Cảo Nương, Việt Vương đồng ý. Nhã Lang dối Cảo Nương lấy cắp móng rồng rồi bày mưu đánh úp Triệu Vương. Triệu Vương thua trận chạy về cửa biển Đại Nha rồi tự vẫn. Phật Tử lên ngôi đổi niên hiệu là Thiên Đức. Sau đó nhà Tuỳ sai Lưu Phương dẫn binh sang xâm lược. Lý Vương hội họp văn võ kéo xuống chân thành. Hai Vương chia quân làm hai cánh theo thế trận Đông Chinh, Tây Thảo. Đại bại, Lý Phật Tử xin hàng, theo về Bắc quốc.

Ngày 2 tháng 3 năm Ất Dậu, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử nửa đêm cùng nằm mộng thấy một người mặc áo xanh, tay cầm cờ vàng tự xưng là Thiên sứ, quỳ trước sân nói với hai người rằng : “Hương đăng muôn thuở tại trang ấp, sống làm vương tướng, thác làm danh thần, anh em hai vương anh linh giúp nước, giúp dân ban bố phúc thần”. Tức thì hai vương lâm bệnh nóng lạnh, thân thể đau yếu bất an rồi hoá.

Đến đời vua Lý Thái Tông, các quan trong triều xét công ban thưởng cho trung thần tiết nghĩa giữ nối dòng dõi, bộ Lễ viết sắc phong cho Lý Phật Tử được thờ tại 147 đền thờ. Lại quy định rằng: hàng năm, ngày 8, 9, 10 tháng Giêng dâng cỗ chay, ngũ quả bánh đường 3 màu, ca xướng. Các triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn đều ban sắc phong tặng cho Lý Phật Tử là Thượng đẳng phúc thần.

Đình Mai Dịch tọa lạc trên khu đất góc tây-bắc cầu vượt Phạm Hùng, sát mặt phố Hồ Tùng Mậu hướng về đường quốc lộ 32 chạy tới thị xã Sơn Tây. Ngôi đình quay hướng nam và trải dài theo chiều dọc: nghi môn xây kiểu trụ biểu, sau bức bình phong là một sân gạch rộng rồi đến tòa đại đình 3 gian 2 dĩ, phương đình ở giữa 2 dãy giải vũ thấp và hậu cung, tạo thành mặt bằng hình “chữ Công”.

Mỗi nếp nhà giải vũ rộng 5 gian, gần đây mới được xây thêm theo kiểu vì kèo quá giang. Hai nhà tả hữu mạc xưa kia ở ngoài sân đình, sau không còn. Thay vào đó, ở phía đông hiện nay là một ao sen nhỏ hình con cá và có tường bao uốn quanh.

Đình Mai Dịch hiện vẫn lưu giữ được cuốn Thần phả và 9 đạo sắc phong của các triều Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Ngoài ra, trong đình còn có những di vật phong phú với giá trị nghệ thuật và lịch sử cao, thuộc phong cách nghệ thuật thế kỉ 18-19. Đáng kể là bộ hương án, long ngai, bài vị, hạc thờ, bát bửu, án văn, cuốn thư, hoành phi, câu đối…

Đặc biệt cần lưu ý tấm bia đá mang tên “Cung phụng bi kí”, ghi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 (năm Canh Thìn 1760). Nội dung bia cho biết những quy ước của làng về việc cúng tế, chuyển giao phần việc, định lệ bán vé và phân chia “lộc thánh” trong từng kỳ Lễ, Tiết hàng năm ở đây.

Đình làng Mai Dịch được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia năm 1995.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Dinh-Mai-Dich.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh mai dich.docx”]

Hits: 3225

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *