Chùa Nền tên chữ Đản Cơ Tự và Cổ Sơn Tự, tương truyền vốn là một ngôi đền có từ đời vua Lý Thần Tông (1116 – 1138), địa chỉ ở số 17, ngõ Chùa Nền, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 – 1116) ra đời tại làng Láng. Sau này có một ngôi đền đặt tên chữ “Đản Thánh Cơ Từ” được xây trên nền nhà cũ để thờ cha mẹ thiền sư là vị Tăng quan Đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan. Tương truyền khi hậu thân của Từ Đạo Hạnh lên làm vua Lý Thần Tông thì đền trở thành chùa “Đản Cơ Tự”, tên khác là Cổ Sơn Tự. Dân gian gọi nôm na là “chùa Nền” vì “Đản Thánh Cơ” có nghĩa là “Nền sinh ra Thánh”.
Chùa Nền cùng với chùa Thưa, chùa Láng nằm gần nhau và cùng có sự gắn bó mật thiết với chùa Thầy và Từ Đạo Hạnh. Hàng năm dân làng Láng lại mở lễ hội kỷ niệm ngày vua Lý Thần Tông đăng quang. Chính hội là ngày 7 tháng 3 âm lịch, từ ngày mùng 5 đã bắt đầu tế ở chùa Nền. Theo cổ lệ, năm nào được mùa thì có nghi thức rước tượng Thánh tăng từ chùa Láng về chùa Nền thăm tượng cha mẹ.
Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa theo quyết định do bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin ký ngày 22-04-1992. Đầu năm 2005, ngôi Tổ đường, điện Mẫu, nhà khách, vườn tháp và một số các hạng mục khác đã được đại trùng tu dưới sự chỉ đạo của hai cố sư Tổ Đàm Mơ và Đàm Thiêm. Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội ngôi Đại Hùng Bảo Điện đã khánh thành vào năm 2011 với sự nỗ lực của Tỳ kheo ni trụ trì Đàm Phương.
Từ đường vành đai Láng ô tô có thể rẽ vào con ngõ mang tên “Ngõ Chùa Nền” và chạy thẳng đến trước một cổng tam quan khá nhỏ ở dưới bóng một cây muỗm cổ thụ cao lớn. Bước qua cổng vào một sân vuông có tường bao quanh, thoạt tiên du khách sẽ thấy bên trái là tòa tiền đường 3 gian, hai bên có nhà tả hữu vu cũng 3 gian và các cổng ngách của chùa trong. Ngay cạnh con ngõ bên trái dẫn vào chùa trong là toà điện Thánh, nơi thờ Từ Đạo Hạnh cùng song thân. Toà nhà này bao gồm bái đường rộng 5 gian cùng với chính điện và hậu cung tạo thành hình chữ “Công”.
Toà tam bảo toạ lạc trên thềm cao bao gồm tiền đường kết nối với điện thờ Phật theo hình chuôi vồ. Trên nóc toà tam bảo có đắp bảng đề tên “Đản Cơ Tự”. Trước sân sau là một pho tượng Quán thế âm Bồ tát trắng toát đứng nhìn về hướng tây-nam, nơi có bức cuốn thư đề chữ “Thanh Phong Minh Nguyệt” (gió mát trăng trong) xây ở sau giả sơn. Bức cuốn thư này và vườn cảnh nhỏ xung quanh chính là bình phong áp vào hậu cung của chùa trước.
Đối diện với nhà Tổ, ở bên kia sân giữa là khu nhà thờ Mẫu, Tịnh xá và nhà Vọng. Nhà thờ Mẫu rộng 3 gian 2 dĩ, bên trong còn có các Ban thờ Sơn Trang và Đức Thánh Trần Triều bày cạnh Tam Tòa Thánh Mẫu. Giáp mặt khu này là một sân gạch hẹp dài song song với ngõ vào nhà Tổ và nối tiếp lối ra khu vườn rộng rãi ở phía bên phải và sau lưng hậu cung Tam bảo. Trong vườn có ba ngôi tháp mộ của các vị sư Tổ đã khuất. Dọc theo sân hẹp có ba cái tháp nhỏ đề chữ “Lầu Mẫu Cửu Trùng Thiên”, “Lầu Cô”, “Lầu Cậu”.
Chùa Nền có nhiều bức hoành phi và câu đối có giá trị lịch sử và nghệ thuật, hầu hết được viết theo thể chữ Khải. Hoành phi treo ở gian giữa điện Thánh đề ba chữ “Đản Thánh Tự”, bức treo ở gian bên phải đề “Chiêu Thánh Cảnh”, bức treo ở gian bên trái đề “Hiển Thần Uy”. Trong hậu cung có đôi câu đối liên quan đến thần Long Đỗ là vị thành hoàng chung của Thăng Long. Thể chữ Lệ được dùng trong bức hoành phi “Công Đức Vạn Viên” ở trên Ban thờ Trần Triều và trong đôi câu đối treo hai bên điện Mẫu. Lạc khoản của hoành phi ghi xuất xứ từ Bạch Vân Động và thời điểm vào mùa đông năm Giáp Tý (1924).
Chùa Nền lưu giữ được một quả chuông đồng đúc năm 1740, trên ghi rõ tên chữ “Đản Thánh Cơ Chung” và một khám thờ bằng gỗ được chạm thủng với các đề tài tứ linh là một tác phẩm từ thế kỷ 17. Trong hậu cung điện Thánh có cất những sắc phong tặng ngài Từ Vinh của các vua triều Nguyễn vào năm Thành Thái thứ ba (1891), Duy Tân thứ ba (1909), Khải Định thứ 9 (1924).
Ngoài hệ thống tượng Phật của tam bảo, ở điện Thánh còn có các pho tượng thờ Từ Đạo Hạnh và cha mẹ ngài, các ngai thờ Thánh Tổ, Thánh Mẫu và nhiều hiện vật quý khác, trong số đó một bức chạm rồng trông rất giống bức tương tự ở nhà bát giác của chùa Láng. Phong cách nói chung mang dấu ấn của nghệ thuật trang trí hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Trong số những hiện vật mới hơn của chùa Nền, ta thấy có bộ tượng Tam Tòa Thánh Mẫu được đặt trong tủ kính to, bên dưới có các tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngũ Vị Tôn Ông, Hoàng Mười, Hoàng Bẩy. Dưới bệ là Hạ ban thờ Ngũ Hổ, hai bên có tượng Cô, tượng Cậu đứng trong hòm kính kiêm chức năng hòm công đức.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Chùa-Nền.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua nen.docx”]
Hits: 2689