CHÙA THÔN CAM

Chùa Cam là tên gọi theo địa danh thôn, chùa còn có tên chữ là “Sùng Nghiêm tự”. Căn cứ vào những tư liệu thành văn còn lưu lại trong chùa như chuông đồng Cảnh Thịnh (1800) ghi tên người hưng công tiền của đúc chuông, các di vật và hệ thống tượng được tạo tác thế kỷ XVIII có thể đoán định được niên đại xây dựng chùa khoảng thời Lê Trung Hưng – thế kỷ XVIII, đồng thời căn cứ vào diện mạo kiến trúc hiện nay là kết quả của những lần tu sửa lớn vào thời Nguyễn.

Chùa chính có kết cấu kiểu chữ đinh gồm tiền đường và thượng điện, phía sau thượng điện là nhà thờ tổ, thờ mẫu, dọc hai bên là hai nhà giải vũ.

Toà tiền đường, gồm năm gian hai dĩ xây trên nền cao hơn mặt sân xung quanh nền bó vỉa gạch, nhà xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Mặt bằng gồm sáu hàng chân cột đỡ mái, các cột gỗ làm kiểu “thượng thu hạ thách” đặt trên các chân tảng đá xanh, đường kính chân tảng là 40cm. Các vì kèo làm kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy hiên”.

Hậu cung gồm ba gian một chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói di. Mặt bằng bốn hàng chân cột đỡ mái, các vì kèo làm kiểu “kèo cầu quá giang”.

Nhà tổ xây trên nền cao hơn sân 30cm, đây là nếp nhà gồm năm gian hai chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, nội thất mặt bằng sáu hàng chân cột đỡ mái, các vì kèo làm vỉa “thượng chồng rường – hạ kẻ bẩy hiên”.

Hai nhà giải vũ mỗi bên năm gian, xây kiểu tường hồi bít đốc mái lợp ngói ta, vì kèo kiểu kèo cầu quá giang cột trốn.

Đặc biệt là chùa còn có hai cây tháp cửu phẩm, cao 14m, ở vị trí chính giữa vườn, phía trước chùa chính, đỉnh gắn bông hoa sen, mỗi tầng tháp đều gắn các bức tượng phật. Tháp cửu phẩm được xây vươn cao vượt lên hẳn so với những kiến trúc khác xung quanh tạo cho ngôi chùa có một vẻ thâm nghiêm.

Trải qua những bước thăng trầm biến đổi cùng lịch sử dân tộc, di tích chùa thôn Cam còn chịu sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, các di vật có trong di tích chùa Cam cũng bị thất lạc và huỷ hoại nhiều. Hiện di tích còn lưu giữ được các di vật với các chất liệu khác nhau được tạo tác thế kỷ XIX hoành phi cuốn thư, hoành phi cửa võng, hoành phi tứ thủ trang trí hình tứ linh, tứ quý, một đôi cây đèn thân trúc chạm nổi hình nghê, phía trên nghê là bầy chim phượng. Đặc biệt tại chùa còn bảo lưu một tấm bia niên hiệu Chính Hoà (1783); chuông đồng Cảnh Thịnh (1800) và bộ sưu tập tượng tròn gồm 28 pho trong đó chia ba loại tượng mẫu gồm tám pho, tượng tổ gồm ba pho, và 17 pho tượng phật được tạo tác công phu tỉ mỉ, mỗi pho được nghệ nhân thể hiện bằng những nét khái quát sinh động, tiêu biểu cho tính cách của từng nhân vật. Có thể kể đến một số pho tượng tiêu biểu của chùa:

Tượng Tam Thế cao 47cm, ngồi thiền định trên toà sen ba lớp cánh, cánh sen to và mập, tượng mặc áo cà sa hai lớp thanh y và cát y, tượng tóc bụt ốc chín lớp, mặt bầu phúc hậu, tai to chảy dài. Toàn bộ tượng được sơn son thiếp vàng lộng lẫy mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX.

Tượng A Di Đà, ngồi thiền định trên toà sen ba lớp cánh, tượng mặc áo cà sa, tóc bụt ốc chín lớp trên đỉnh đầu nổi khối nhục kháo, trên lớp tóc có trang trí dây hoa cúc chùm qua đỉnh đầu toả sáng hai bên tai, rủ xuống cổ, chảy dài qua hai vai. Trán rộng, mày cong mắt khép hờ, mũi dọc dừa, cổ ba ngấn, ngực để hở lộ rõ hình hoa cúc mãn khai.

Toà Cửu Long được phủ thiếp vàng điểm xuyết chín hình rồng là 18 pho tượng nhỏ và tượng Thích Ca sơ sinh cao 40cm, tay phải chỉ xuống đất, tay trái chỉ lên trời, tượng mặc áo cà sa vắt qua vai, ngực để hở, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Cách bài trí tượng tại toà tam bảo của chùa Cam nói chung vẫn tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt của đạo Phật. Lớp thứ nhất là bộ tượng Tam Thế thường trụ diệu pháp tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà tam tôn. Lớp thứ ba gồm toà Cửu long và Thích Ca sơ sinh hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Từ ngoài vào bên trái phía trong là tượng Đức Thánh Hiền, phía ngoài là tượng Quan âm Thị Kính, bên phải phía ngoài là tượng Quan âm chuẩn đề, phía trong là tượng Đức ông.

Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa tinh thần to lớn của di tích chùa Cam trong cộng đồng dân cư, chính quyền và nhân dân địa phương thường xuyên tu bổ di tích kịp thời. Chùa có nhà sư trụ trì trông coi nên được bảo quản chu đáo, sạch sẽ.

Năm 1996, Chùa Cam đã được Bộ Văn hoá -Thông tin ra quyết định xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Thôn-Cam-Cổ-Bi.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua thon cam co bi.docx”]

Hits: 261

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *