Chùa Cổ Giang cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25 km về phía đông, thuộc địa phận thôn Cổ Giang, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Chùa có tên chữ là Hồng Ân tự (ơn huệ lớn), thế kỷ XVII, chùa có tên gọi là Cổ Biện.
Tấm bia “Bản xã ước ký” (Bia ghi giao ước của bản xã) dựng ngày mùng 07 tháng 4 năm Chính Hoà thứ 14 (1693) cho biết: chùa Cổ Giang được khởi dựng từ thời Lê. Và “Bà Nguyễn Thị Mai hiệu là Diệu Trí là người có lòng thiện, tôn sùng đạo phật đã tự bỏ ra 60 mảnh ruộng và 100 quan tiền giúp cho bản xã và mong được lập hậu Phật. Mọi người trong xã cùng đồng lòng bầu bà làm hậu phật. Các kỳ cúng giỗ theo như nghi lễ, để điều ước này mãi mãi không dứt, cùng lập bia đá ghi lại sự việc”.Một tấm bia khác “Hậu phật bi ký” (Bia ghi chép hậu phật) dựng ngày lành tháng 9 niên hiệu Chính Hoà năm thứ 23 (1702), cho biết thêm việc tu tạo tượng Phật và xây dựng hành lang tại chùa: “…Nay thấy người trong xã là Nguyễn Thị Hà, hiệu là Diệu Tĩnh, là người có tình nghĩa, một lòng theo đạo của các tín vãi bỏ tiền ra công đức, trước là để tu tạo tượng phật, sau là để xây hành lang. Bà đã cúng 4 thửa ruộng 6 sào rưỡi. Bản xã nhận ruộng đó và hứa lập bà là hậu phật, đến ngày giỗ và các kỳ tiết lễ được bản xã cúng tế…”. Từ đó về sau, chùa được trùng tu sửa chữa nhiều lần với nhiều hạng mục khác nhau.
Chùa nằm về phía Đông Nam của thôn, trên một khu đất rộng có diện tích là 3.859,4 m2. Phía trước là một sân lát gạch Bát Tràng, tiếp đến là một khu vườn rộng trồng nhiều loại cây cảnh và cây ăn quả, ngoài cùng là một hồ nước lớn trong xanh. Theo quan niệm phong thuỷ, khu đất của chùa được thế cát địa, đất thì được tươi nhuận (trông ra hồ nước), nước mát mẻ mang ý nghĩa tụ linh, tụ phúc, khai mở trí tuệ, thiện căn đến bến giác ngộ. Hai bên là vườn cây lưu niên. Ngôi đình thờ Thành hoàng làng toạ lạc bên kia hồ nước tạo thành một quần thể di tích, thắng cảnh sinh động hữu tình.
Đi từ ngoài vào là một cổng gạch nhỏ nằm về phía trái chùa chính, xây kiểu cửa vòm, trên nóc trang trí hình dơi cách điệu. Chính giữa đề ba chữ Hán “Giang môn tự” (Cửa Giang của chùa). Qua khoảng sân hẹp là một cây tháp hình lục giác cao năm tầng. Phía sau bên trái chùa là nhà thờ mẫu. Tựa lưng vào tường hồi bên trái chùa là nhà thờ tổ. Cấu trúc, qui hoạch mặt bằng này được giữ nguyên từ khi khởi dựng. Chùa có kết cấu kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tiền đường và thượng điện.
Tiền đường là một nếp nhà năm gian hai dĩ, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, chính giữa bờ nóc ghi ba chữ Hán“Hồng Ân tự”(chùa Hồng Ân). Phía trước là hệ thống cửa bức bàn mở đều ba gian giữa. Bộ khung nhà tiền đường được liên kết với nhau bằng sáu bộ vì kèo làm theo dạng thức kết cấu kiểu “ Thượng giá chiêng chồng rường con nhị, hạ bẩy hiên”, trên thượng lương đề dòng lạc khoản “Thượng tuế thứ Mậu Thân niên, thập nhất nguyệt, sơ tam nhật”(Ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân… ). Mặt bằng kiến trúc theo lối bốn hàng chân, gồm hai hàng cột cái, một hàng cột quân và một hàng cột hiên. Phía sau các bộ vì nách được gác trực tiếp lên tường hậu nhà tiền đường. Các trang trí trên kiến trúc của chùa mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn (thế kỷ XIX – XX), thể hiện qua kỹ thuật chạm nổi, chạm bong kênh, đường nét chau chuốt, mềm mại khoẻ khoắn. Đề tài được thể hiện trên các mảng trang trí chủ yếu là hoa lá hoá rồng, vân xoắn biểu tượng cho sấm chớp ít nhiều gắn với sự vận hành, chuyển đổi của vũ trụ và muôn vật. Điểm xuyết trên các bộ phận kiến trúc và không gian ngôi chùa là hệ thống tượng phật, hoành phi, câu đối, y môn…tất cả đều được sơn son thếp vàng. Nội dung các câu đối ca ngợi phật pháp và cảnh đẹp của chùa.
Cổ thụ bồ đề hựu âm viễn
Giang chu quảng đại tế nhân đa
Dịch nghĩa:
Cổ thụ bồ đề che bóng cả
Sông giang bát nhã tế muôn dân đông
Thượng điện là nếp nhà ba gian chạy dọc nối với gian giữa tiền đường tạo thành chữ “đinh”, bộ khung đỡ mái gồm bốn bộ vì kết cấu theo kiểu “giá chiêng”.
Hệ thống tượng trên phật điện gồm: trên cùng sát tường hồi thượng điện là bộ tượng Tam Thế Phật.
Lớp thứ hai là tượng Di Đà Tam tôn, ngồi trong tư thế thiền định, tượng trưng cho sự tồn tại vĩnh hằng và ánh sáng phật pháp toả ra xung quanh để cứu vớt chúng sinh không có gì che cản nổi, bên trái là tượng Quan Thế Âm bồ tát, hiện thân của từ bi và bên phải là tượng Đại Thế Chí bồ tát tượng trưng cho trí tuệ. Lớp thứ ba là tượng A Di Đà. Lớp thứ tư là tượng Tuyết Sơn hai bên là tượng A Nan – Ca Diếp. Lớp thứ năm là Đức Thích Ca. Lớp thứ sáu là toà Cửu Long miêu tả lại cảnh lúc Phật Thích Ca mới ra đời.
Sát hai bên tường hậu thượng điện, phía bên phải là tượng Quan Âm toạ sơn. Bên trái là tượng Quan Âm chuẩn đề ngồi trên toà sen, hai bên sườn tạo nhiều cánh tay trong tư thế đăng đối cao thấp khác nhau. Các cánh tay tròn lẳn với các ngón búp măng thon dài tạo cho tượng có được sự uyển chuyển, mềm mại, sinh động.
Trong các pho tượng của chùa, đáng quan tâm chú ý hơn cả là bộ tượng Tam Thế. Đây là bộ tượng có niên đại sớm nhất (phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX). Tượng ngồi trên đài sen nhiều lớp cánh, tóc xoắn ốc nhỏ, chia thành nhiều lớp rõ rệt, các cụm tóc xoắn theo chiều ngược kim đồng hồ được cho là biểu tượng gắn với mặt trời – nguồn phát sáng, có uy lực vô bờ bến, mầm mống của nguồn của cải vô tận. Khối nhục kháo tròn nổi cao trên đỉnh đầu tượng trưng cho quý tướng, mang tư chất thông minh. Khuôn mặt các pho tượng toát lên vẻ tự nhiên, gần gũi, phảng phất bộ mặt nữ chuẩn đẹp, má bầu, mắt nhìn xuống để soi rọi nội tâm, sống mũi thẳng, miệng hơi mỉm thoáng nở nụ cười diễn tả sự cảm thông cứu độ chúng sinh. Các nếp áo phủ lên cơ thể một cách mềm mại, nhuần nhị, nhẹ nhàng. Có thể nhận thấy, đây là những pho tượng khá đẹp và điển hình của nghệ thuật tạo tác đương thời.
Nhà tổ là một nếp nhà năm gian ở bên trái chùa, mái lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đề ba chữ Hán “ Phụng tổ đường” (Nhà phụng thờ tổ). Ba gian bên phải xây bệ gạch cao làm ban thờ tổ. Hàng trên cùng thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma – tổ thứ 28 của phật giáo. Tổ vốn là Hoàng tử ở Nam ấn, có công truyền bá phật giáo sang Trung Hoa, trở thành sơ tổ của phái Thiền Tông và còn được coi là vị tổ đầu tiên của võ phái Thiếu Lâm ở Trung Quốc. Về vị tổ Bồ Đề Đạt Ma có tương truyền rằng: Lúc đầu khi sang Trung Hoa truyền đạo không được vua Nam Lương là Lương Võ Đế tin theo, Ngài phải về chùa Thiếu Lâm (nước Nguỵ) nhìn vào tường nhà mà thiền định, ngài có nhiều đồ đệ, nổi nhất là Huệ Khả. Hình tượng ngài trong chùa thường được thể hiển với trán rộng, bộ râu quai nón, mắt nhìn vào tâm, trong tư thế ngồi một chân xếp bằng, chân còn lại chống. Ngoài ra, Ngài còn được thể hiển đang trong tư thế đạp trên vài cọng cỏ đi qua biển về Tây Trúc, trên vai quẩy một chiếc gậy, đầu gậy treo một chiếc giày bằng cỏ. Hình tượng đó gắn liền với tích: khi viên tịch, Ngài được chôn ở núi Hùng Nhĩ, nhưng sau ba năm có người thấy Ngài quẩy một chiếc giày đi về phía Tây. Tin đến tai Vua, nhà vua cho đào mộ Ngài lên thì chỉ thấy còn một chiếc giày.
Hai bên là tượng hai vị sư tổ chùa, đây là những tượng chân dung của các vị sư đã viên tịch. Tượng có kích thước như thực, trong tư thế tọa thiền nét mặt trầm mặc, thanh thoát. Cách thể hiện giản dị gần gũi thông qua cách choàng áo cà sa. Tuy nhiên, mỗi chân dung thể hiện là một cuộc đời tu hành riêng.
Điện thờ mẫu nằm phía sau bên trái chùa, gồm năm gian, kết cấu bộ vì “kiểu giá chiêng chồng rường con nhị”, mái lợp ngói ta, nền lát gạch chỉ. Bên trong chính điện xây bệ gạch cao bài trí một khám thờ bên trong là pho tượng mẫu và hai tượng thị nữ. Đây là một hình thức tín ngưỡng dân gian khi gắn Mẫu – người mẹ thế gian với chức năng tạo thiên, lập địa mang tư cách một thần linh có yếu tố của anh hùng văn hoá của dân tộc. Gian bên trái là một ban thờ ba vị quan hoàng.
Chùa Cổ Giang hiện còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị. Đầu tiên phải kể tới ba tấm bia đá cổ thời Lê niên hiệu Chính Hoà 14 (1693), 17 (1696), 23 (1702) cùng với hệ thống tượng tròn, mỗi pho tượng mang một phong cách riêng, được tạo tác tỉ mỉ, công phu, chau chuốt, có giá trị thẩm mỹ cao. Nhiều di vật khác như chuông đồng, cửa võng, hoành phi, câu đối…Mỗi di vật đều có những giá trị sử liệu nhất định về văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ… tạo nên sự linh thiêng diệu kỳ cho ngôi chùa.
Chùa Cổ Giang là công trình kiến trúc được quy hoạch tập trung trên một vùng đất rộng, có bố cục hài hoà với cảnh quan thiên nhiên, tạo nên một trung tâm phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của một làng quê có bề dày lịch sử lâu đời.
Chùa đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa năm 2008.
[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Cổ-Giang-Lệ-Chi.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua co giang le chi.docx”]
Hits: 487