CHÈ LAM THẠCH XÁ

Chùa Tây Phương không chỉ lộng lẫy vì vẻ kiến trúc tuyệt với với những pho tượng La Hán bề thế mà còn nổi tiếng với món chè lam Thạch Xá. Thăm viếng cảnh chùa xong ngồi bục thềm sân chùa nghỉ ngơi mà được vài thanh chè lam nhấp nháp với nước chè nóng thì thực mê hồn khoái khẩu.

Giống chè tươi vùng bán sơn địa, trên đất màu dưới là đá ong có một hương vị đặc biệt: chát, thơm, ngọt, đậm. Chè càng lưu niên hương càng thơm nước càng xanh. Uống càng đặc càng ngon nhất là chè nấu bằng nước giếng đá ong thì càng tuyệt. Nhiều lão nông tỉnh Sơn bảo rằng: sáng ra chẳng cần cơm cháo gì, chỉ cần có một bát nước chè cắm tăm là có thể cày cả buổi không mệt. Còn thanh chè lam thơm mùi mật mía, nức mùi nếp cái hoa vàng, mùi gừng tươi, vừa ngọt thanh vừa thoáng chút cay vừa bùi vị lạc, thơm ngon. Từ từ nhâm nhi, thong thả uống hớp nước chè tươi, mùa hè có thể giải toả hết cái nóng nung, mùa đông thấy bụng dạ nóng ấm ran.

Nguyên liệu làm chè lam rất đơn điệu: chỉ có nếp cái hoa vàng, lạc nhân, gừng tươi và mật mía là đủ. Thóc nếp phơi già nắng, sàng sẩy hết chấu, lựa lọc sao cho còn toàn hạt mẩy chắc rồi đem nổ thành bỏng.

Ngày trước làm bỏng bằng cách rang thóc trên chảo gang hay chảo đồng mắt ccua, bỏng không được bao nhiêu. Ngay nay công nghệ làm bỏng đã được cải tiến hơn nhiều. Người ta làm một quả bom bằng gang hay bằng sắt rỗng ruột. Một đầu hàn kín, đầu kia có thể đóng vào mở ra thật khít. “Bom” có thể quay tròn trên một giá đỡ. Đổ thóc nếp vào “bom” đốt lửa bên dưới và cứ xoay đều tay, bom nở ra, áp suất rất lớn. Hạt thóc biến thành hoa trắng như bông nhài nhỏ. Lấy toàn phần hoa bỏng ấy đem nghiền thành bột mịn.

Mật mía phải là giống mía de nhỏ cây nhưng đanh chắc. Mật mía de ngọt gất nhưng rất thơm lại sánh đặc. Lạc nhân rang vừa chín, giã dập thành mảnh nhỏ. Gừng tươi giã ra vắt lấy nước. Mật mía nấu sôi khi nào nhúng que vào rút ra thấy mật kéo thành dây mành sáng như gương là được. Lúc đó cho nước gừng, bột bỏng, gạo và lạc vào quấy đều, nhào kỹ đổ vào khuôn. Đáy khuôn và thành khuôn đều lót một lớp bột mỏng. Phong chè lam dẻo mà cầm không hề dính tay. Thường thì người ta làm khuôn lớn rồi lúc cần mới cắt ra thành từng thanh nhỏ để đóng gói như những phong bánh khảo.

Ở Thạch Xá, có thể nói cả làng làm chè lam, sống phong lưu cũng nhờ chè lam. Người lớn, trẻ con, cụ già ai cũng có thể làm được. Trẻ nhỏ giã gừng, rang thóc, chọn bỏng. Người lớn nấu mật nhào bột. Cụ già cắt bánh đóng bao.

Càng gần Tết, chè lam được sản xuất càng nhiều. Có nhà đỏ lửa suốt ngày suốt đêm. Đầu làng cuối xóm thơm lừng mùi nếp cái rang, mùi mật sôi. Khách buôn tứ xứ đổ về lấy cất.

Chè lam Thạch Xá có mặt ở hàng chục tỉnh miền Bắc miền Trung. Giá cả bình dân thôi mà lãi lờ khá đậm. Một kilô chè lam bán tại gốc có 15 ngàn đồng, lãi ròng 5 ngàn. Quả là một thứ lãi lý tưởng. Nhiều nhà, tháng 8 tháng 9 đã có người đến đặt hàng bán Tết. Mỗi tháng sản xuất tới vài tán. Cả năm thu vào hai ba chục triệu lãi ròng. Nhà tầng, xe máy, ti vi… tất cả đều từ chè lam mà có.

Gần đây nhiều nơi cũng tới Thạch Xá học làm chè lam. Người làng Thạch Xá không giấu nghề, vui vẻ truyền dạy không lấy công, chỉ bảo tận tình đến nơi đến chốn.

Cũng từng ấy thứ nguyên liệu, cũng cách làm ấy thế mà chè lam các nơi khác vẫn không sao bằng. Chè lam Thạch Xá. Có lẽ do đất này có giống gạo nếp cải hoa vàng mang một hương vị riêng hay là còn một bí quyết nào khác ở đôi tay đôi mắt của người làm chè lam cũng như kẹo gương xứ Quảng hay mè xửng cố đô Huế có nơi nào khác cạnh tranh nổi đâu.

Chè Lam làng Lủ ven sông Tô (Hà Nội) cách Hà Tây có bao xa thế mà phải thua chè lam Thạch Xã mặc dù cách làm cũng rất công phu nhưng hình thù lại xa lạ, thứ vuông thứ tròn không phong không gói như chè lam Thạch Xá. Vậy điều gì đã làm cho chè lam láng Lủ không nổi dậy tiếng tăm? Câu trả lời có lẽ chỉ người làng Thạch Xá mới làm sáng tỏ được, nhưng đã chắc gì còn chuyện bí mật nhà nghề nữa chứ!

Hits: 226

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *