Thành cổ Sơn Tây

Từ trung tâm Thủ đô, dọc theo tuyến Quốc lộ 32 khoảng 42km, du khách đến với Thành cổ Sơn Tây, tạm rời đô thị xa hoa để hòa mình vào không gian trong lành, yên bình và cổ kính của di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BVHTT, ngày 15/10/1994.

Kỳ đài ở Thành cổ Sơn Tây

Thành Cổ Sơn Tây được xây dựng vào đời vua thứ 2 của Triều Nguyễn (Minh Mạng 1822). Trong khoảng thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ 19, nơi đây là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn giữa hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1872) và lần thứ hai (1883) của Pháp.
Thành cổ có hình tứ giác với chu vi 1.309,4m, xung quanh có hào nước bao bọc với chiều dài 1.795m, chiều rộng của hào từ 25-30m có độ sâu 2-3m, đi qua hào nước là bức tường thành bằng đá ong được kết cấu theo kiến trúc Vauban (kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư Vauban người Pháp), có chỗ lồi ra để lập pháo đài.

Hào nước phía cổng Bắc

Thành cổ Sơn Tây có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông, mỗi cổng có hình tứ giác, có mặt cắt hình thang. Hai cổng chính là Cổng Bắc hướng ra phố Lê Lợi (nơi đặt trụ sở UBND thị xã Sơn Tây) và Cổng Nam nhìn ra phố Quang Trung. Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh (vọng lâu) và chỉ có duy nhất một lối ra vào. Phía ngoài có đắp Dương mã thành (mang cá) hình chóp nón chắn phía ngoài của thành. Bề mặt thành có nhiều lỗ phía trên để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài. Ngày trước, cả 4 cổng thành đều bắc qua hào nước, tuy nhiên ngày nay chỉ còn cổng Bắc và Nam bắc qua hào nước.

Cổng Bắc (Bắc Môn)

Bên trong có nhiều công trình được xây dựng cùng thời như: Cột cờ (Kỳ đài – cao 18m được xây trên một bệ lớn bằng đá ong), Điện kính thiên (Vọng cung), Dinh tổng đốc, Bố chính, Án sát, Đề đốc, Kho tiền, nhà chứa vũ khí, kho lương thực, hai ao sen (còn gọi là giếng Tả và giếng Hữu) phía trước khu nghi lễ. Vọng cung là nơi dành cho vua nghỉ lại khi có những chuyến vi hành qua đây hoặc vào các ngày lễ, khánh tiết, các quan quanh vùng vào chúc mừng bái vọng nhà vua từ xa.  Điện ở nơi đây từng là tòa nhà 5 gian hai chái, tám mái chồng diêm, nằm khoảng chính giữa thành, là nơi làm việc của các quan.

Vọng cung

Theo tài liệu còn lưu giữ lại, để xây dựng Thành cổ Sơn Tây, vua Minh Mạng đã điều 2.000 quân tinh nhuệ do Phó Thống thập cỏ tả quân Vũ Văn Thuận chỉ huy xây dựng. Các loại vật liệu chủ yếu để xây dựng chủ yếu là đá ong, được khai thác ngay tại vùng đất Sơn Tây – xứ Đoài.

Tam quan phía trước Vọng cung

Vào năm 1873, giặc Pháp tấn công ra Bắc Kỳ, trong cuộc viễn chinh này chúng xác định Sơn Tây là vùng đất có vị trí vô cùng thuận lợi cho việc phòng thủ giữ thành Hà Nội. Vào năm 1882, Tổng đốc Hoàng Diệu nhận lệnh triều đình được cử ra làm tổng trấn thành Hà Nội, với tầm nhìn bao quát, chiến lược, ông đã cùng tướng Hoàng Kế Viêm (Tổng đốc Sơn Tây) đệ trình một kế hoạch bảo vệ Hà Nội lên vua Tự Đức nhưng không được chấp nhận. Vào cuối năm 1883, giặc Pháp đã huy động một số lượng quân lớn với vũ khí hiện đại theo đường thủy ngược sông Hồng lên tấn công vào Thành cổ Sơn Tây. Cuộc chiến kéo dài 50 ngày, từ ngày 27/10 đến 16/12/1883, phía nghĩa quân được chỉ huy bởi tướng quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc, tổng đốc Hoàng Kế Viêm đã không giữ được Thành do vũ khí thô sơ nên không chống chọi được với quân Pháp được trang bị vũ khí hiện đại gấp nhiều lần. Dù Thành về tay Pháp nhưng quân Pháp cũng bị thiệt hại nặng nề với 83 lính bị chết, 320 tên bị thương. Sau khi chiếm được Thành, quân Pháp đã cho xây dựng thêm một số công trình như trường tiểu học, ngục thất, nhà máy nước, sân vận động, mở thêm cổng…

Hồ nước trước Kỳ đài

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Thành cổ Sơn Tây không còn được nguyên vẹn như xưa nhưng vẫn mang đầy đủ giá trị của một di tích lịch sử và kiến trúc quân sự. Vào năm 2001, Dự án tu bổ tôn tạo một số hạng mục công trình trong Thành cổ đã được Nhà nước phê duyệt và đã hoàn thành như: Vọng cung, Kỳ đài, khuôn viên xung quanh, hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh, 2 hồ nước, cổng thành và hơn 100m tường bao bằng đá ong… Ngoài ra, còn có khu trưng bày máy bay, là kỷ vật lưu lại sau kháng chiến.

Tường đá ong bao quanh Thành cổ

Giờ đây, đến thăm Thành cổ, đi dạo trong khuôn viên này, du khách thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái bởi không khí trong lành của rất nhiều loại cây xanh mát 4 mùa như xà cừ, bạch đàn, sữa, duối, xanh, xi, lộc vừng, long não, phượng, gạo… Thành cổ đang là một điểm du lịch lý tưởng của xứ Đoài và là điểm đến tự hào của người dân Sơn Tây.

Vẻ đẹp yên bình trong Thành cổ

Hits: 4641

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *