Khu di tích K9 – Đá Chông (Ba Vì)

Khu di tích K9 – Đá Chông nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 70km. Nơi đây có địa giới đặc biệt là không thuộc riêng xã nào mà nằm tiếp giáp 3 xã Minh Quang, Thuần Mỹ, Ba Trại của huyện Ba Vì, Hà Nội. Phía Tây khu vực là dòng sông Đà nổi tiếng, vượt qua bên kia sông Đà là địa phận xã Đồng Luận của huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).

Khu di tích K9 – Đá Chông

Điều đặc biệt khác với các khu di tích nơi khác, khu di tích K9 – Đá Chông do một đơn vị quân đội quản lý, trực tiếp là đoàn 285 thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng diện tích đơn vị đang quản lý là 234 ha, chia làm 4 khu A, B, C và D. Khu A là khu di tích, khu B là Sở chỉ huy, khu C là đội quản lý rừng, khu D là nơi đóng quân của đội bảo vệ.
Vào một ngày tháng 5 năm 1957, Bác Hồ cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương đi kiểm tra cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 diễn tập ở thượng nguồn Sông Đà. Khi dừng chân tại đây, Người đã nhận ra linh khí trong thế núi hình sông của vùng đất này. Dãy Tản Viên Sơn ở phía Đông, dãy Thiết Sơn ở phía Tây lại thêm Đà giang độc đáo liền kề, xét theo phong thủy thật là đắc địa cho việc dựng căn cứ. Về giao thông rất thuận tiện: đường bộ cách thủ đô Hà Nội 70 Km, cách thị xã Sơn Tây 20 Km. Đường hàng không thì phía Bắc có đỉnh núi Urồng cao hơn 130m so với mực nước biển, dưới chân núi có một bãi đất rộng, bằng phẳng nên máy bay có thể cất cánh và hạ cánh rất thuận lợi. Đường thủy cũng rất thuận lợi, thuyền có thể xuôi, ngược theo dòng sông Đà. Hội tụ nhiều yếu tố như vậy nên Bác đã bàn với các đồng chí trong Quân ủy Trung ương quyết định chọn Đá Chông làm Khu căn cứ địa để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dài lâu của dân tộc ta.
Năm 1958, Bác có quay trở lại đây để khảo sát toàn bộ khu vực. Sau đó, nhiệm vụ thiết kế và xây dựng được giao cho Cục Doanh trại thuộc Tổng Cục Hậu cần. Một trong những công trình đầu tiên được xây dựng chính là ngôi nhà hai tầng (khởi công xây dựng vào tháng 5/1958 và hoàn thành vào tháng 3/1960). Mọi người gọi thân mật là ngôi nhà sàn (vì được thiết kế mô phỏng theo kiểu nhà sàn tại Phủ Chủ tịch). Ngôi nhà này do chính tay Bác chỉnh sửa thiết kế, cắm cọc và chọn hướng để xây dựng. Bác đã có những chi tiết chỉnh sửa rất cụ thể cho việc xây dựng ngôi nhà như: hệ thống cửa ban đầu là cửa đóng then cài, nhưng sau Bác gợi ý cho anh em làm cửa đẩy. Khi nào cần, tất cả các cửa có thể tháo ra tạo sự thông thoáng cho phòng họp bên trong, lại có bệ ngồi ở bên dưới mỗi khi cuộc họp đông người, hoặc giờ nghỉ giải lao. Hành lang và cầu thang phải nới rộng ra cho tương xứng với độ rộng của ngôi nhà, cũng là để khi tiếp khách thì chủ và khách có thể đi song song lên cầu thang tạo sự bình đẳng và thân mật giữa chủ và khách. Trên tầng 2 các cửa sổ không làm chắn song để có thể nhìn ra bức tranh thiên nhiên bên ngoài.
Ngôi nhà sàn – thiết kế mô phỏng theo kiểu nhà sàn tại Phủ Chủ tịch
Tầng một, là nơi tiếp khách và là phòng họp của Bộ Chính trị, bên trong kê một dãy bàn dài, ghế ngồi và quạt trần. Những năm sau khi Bác mất, vào những ngày Tết Nguyên đán, ngày giỗ Bác, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây đều đến thắp hương tưởng nhớ Bác. Ngày 17 tháng 4 năm 1995 (tức ngày 18 tháng 3 năm Ất Hợi) đơn vị đã lập bàn thờ Bác. Lúc đầu bàn thờ đặt ảnh chân dung, đến ngày 8/5/1997 (tức ngày 2 tháng 4 năm Đinh Sửu) đã thay ảnh Bác bằng pho tượng đồng. Đây là tác phẩm của hoạ sĩ Minh Đỉnh, công tác tại Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự) đã dựng lại chân dung Bác ngồi trên chiếc ghế trúc (một đồ dùng quen thuộc của đồng bào Cao Bằng tặng Người). Bác vừa dừng đọc Báo Nhân dân, dường như để đón khách với ánh mắt hiền từ nhân hậu.
Tầng hai, ngôi nhà sàn gồm hai phòng khách được trưng bày giống hệt nhau. Các vị khách quốc tế khi đến đây làm việc đã từng nghỉ tại chính 2 phòng khách này. Tiếp theo bên cạnh là phòng nghỉ của Bác được bố trí những đồ dùng giản dị, những thứ rất cần thiết. Bác là Chủ tịch nước nhưng vẫn dùng “chiếc đệm cỏ của đồng bào Sơn La tặng Bác, chiếc đèn ngủ, tấm thảm len là quà tặng khi Bác sang Trung Quốc”. Bác vẫn nói với anh em phục vụ: “Những thứ tốt, đồ dùng khá hơn nên dành cho khách quý, Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu khách, quý trọng bạn bè”. Mỗi lần Bác lên thăm và làm việc tại khu căn cứ anh em phục vụ đều chuẩn bị một lọ hoa huệ đặt trên bàn làm việc của Bác, một loài hoa mà Bác rất thích.
Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1960 đến 1969 
Bên cạnh nhà hai tầng, là dãy nhà ngang, phòng đầu tiên là phòng nghỉ của các đồng chí bảo vệ và lái xe phục vụ cho Bác và Trung ương Đảng, căn phòng rộng 25m2, bên trong trưng bày 2 chiếc giường gỗ và tủ đựng quần áo. Căn phòng tiếp theo là kho để các dụng cụ làm vườn. Phòng thứ ba là phòng ăn rộng 17,5m2, bên trong trưng bày 6 bộ bát đĩa được làm bằng chất liệu gốm sứ Giang Tây hiệu cô tiên. Tại đây Bác và các đồng chí Trung ương Đảng đã dùng bữa mỗi khi thăm và làm việc ở khu căn cứ. Căn phòng cuối cùng là phòng bếp rộng 25 m2, bên trong trưng bày bộ bếp đúc bằng gang được đun bằng củi, phía đối diện khu nấu là bàn chế biến thức ăn có vòi nước, chậu rửa. Tất cả các bức tường trong khu bếp đều được ốp gạch men trắng. Phía ngoài có chiếc bàn hình chữ L ốp gạch men và chiếc lồng bàn to để bảo quản thức ăn.
Bác còn gợi ý anh em đào hầm trú ẩn ngay cạnh ngôi nhà để đảm bảo an toàn, căn hầm được đào sâu xuống dưới lòng đất 3m, có thể trú ẩn được 10 người đổ lại, nắp hầm được xây cao và được trồng cây lên trên để ngụy trang.
Một nét rất đặc biệt nữa, đó là xung quanh ngôi nhà hai tầng và đường đi đều được trải sỏi. Lúc đầu định đổ bê tông cho sạch nhưng Bác nói “để trải sỏi đi cho mát”. Bác đã phát hiện sỏi này có rất nhiều công dụng: đi bộ mát xa cho gan bàn chân tốt cho sức khỏe, ngày nắng đi thì mát, trời mưa đi thì trống trơn, trượt. Một số đoàn khách đến đây có nhận định rất thú vị “nhiệm vụ an ninh”: có thú giữ tấn công vào ngôi nhà khi dẫm vào sỏi phát ra tiếng loạt soạt trong nhà dễ phát hiện hơn. Con đường sỏi gồm 81 bậc chạy xuống chân đồi, mọi người gọi là “Con đường rèn luyện sức khoẻ”. Mỗi khi Bác lên thăm hay mỗi buổi sáng đi tập thể dục Bác thường đi theo con đường sỏi này. Dọc hai bên đường sỏi là hai hàng bông bụt khá to được trồng từ khi xây dựng khu căn cứ để gợi nhớ những cây trồng trong vườn nhà ở quê hương Kim Liên, Nam Đàn.
Thẳng chính giữa con đường trải sỏi phía trước ngôi nhà có một bể tròn, ở giữa là hòn non bộ (mỏm đá mọc tự nhiên), được xây đối xứng với ngôi nhà hai tầng. Khi xây dựng căn cứ Bác đã chỉ đạo anh em xây quây mỏm đá lại để tạo tiểu cảnh trang trí cho khu vực. Ban đầu Bác lên kiểm tra thì phát hiện anh em xây dựng bể này chưa phù hợp, Bác không nói thẳng mà nhắc nhở khéo: “các chú mặc quần áo chật có chịu được không?” Sau khi nghe Bác nhắc khéo như thế anh em hiểu ý mới nới rộng ra cho tương xứng với chiều cao của hòn non bộ và đưa nước thả cá, thả rùa vào tạo tiểu cảnh rất đẹp.
Hòn non bộ (mỏm đá mọc tự nhiên) ngày nay – tạo tiểu cảnh trang trí cho khu vực 
Năm 1961, Bác đã tiếp vị khách quốc tế đầu tiên tại K9 là bà Đặng Dĩnh Siêu, Phu nhân của Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – Chu Ân Lai và đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ. Bác đã chụp ảnh lưu niệm với bà Đặng Dĩnh Siêu tại chính vị trí hòn non bộ này. Năm 1962, Bác Hồ đón tiếp vị khách quốc tế thứ hai là Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc-man Ti-tốp. Sự kiện Bác Hồ tiếp hai vị khách quốc tế tại K9 có ý nghĩa rất lớn. Đây là một cử chỉ rất thân tình của Bác đối với nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc anh em. Hiện nay, cây ngọc lan và vàng anh do Bác và các vị khách quý trồng bốn mùa vẫn xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí thuỷ chung của nhân dân Việt Nam.
Bác chụp ảnh lưu niệm với bà Đặng Dĩnh Siêu cùng đoàn tại chính vị trí hòn non bộ (Ảnh: Tư Liệu)
Khu di tích lịch sử K9 – Đá Chông còn giữ được vẻ nguyên sinh của khu rừng, nằm sâu trong rừng có những phiến đá mọc lên như mũi chông, mũi mác nên người dân ở nơi đây đã đặt tên gọi là khu Đá Chông. Năm 1958, khi Bác đi kiểm tra và khảo sát lại khu vực, Bác nghỉ ăn cơm trưa cùng các đồng chí bên cạnh “Ba ngọn núi” Đá Chông này. Mặc dù có tên gọi Đá Chông, nhưng đó là dân gian gọi, còn trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau khu vực đã nhiều lần được đổi mật danh để đảm bảo những nhiệm vụ chính trị đặc biệt qua từng giai đoạn. Từ năm 1959 đến năm 1960 là lúc Cục Doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần xây dựng căn cứ ở đây, được gọi mật danh là “Công trường 5”. Từ năm 1960 đến năm 1969 là giai đoạn Bác và Trung ương Đảng làm việc tại khu vực gọi với mật danh là “K9”. Sau năm 1969, khi các công trình phục vụ cho việc bảo quản thi hài của Người trong những điều kiện hết sức nghiêm ngặt hoàn tất, mật danh “K9” được đổi thành “K84”. Hiện nay, tên gọi đầy đủ của khu di tích là: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, gọi tắt là khu di tích K9 – Đá Chông.
Những phiến đá mọc lên như mũi chông, mũi mác – tên gọi khu Đá Chông
Từ cuối năm 1968, sức khỏe của Bác Hồ đã giảm hơn nhiều. 9h47 phút ngày 2/9/1969, Bác đã đi xa. Bác Hồ ra đi giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trải qua nhiều gian khổ, hy sinh hơn nữa mới có ngày toàn thắng. Nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta mong sao được bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác lâu dài để sau ngày thống nhất, đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế mãi mãi được viếng Bác. Thể theo nguyện vọng đó, trong khi đất nước còn có chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta còn đang hướng tới việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định chọn Khu căn cứ  K9 – Đá Chông, là nơi bảo vệ gìn giữ thi hài Bác. Khu căn cứ Đá Chông bước vào giai đoạn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt “Giữ yên giấc ngủ của Người”. Ngôi nhà kính được các chuyên gia y tế Liên Xô sử dụng trong 6 năm chiến tranh (1969 – 1975) để thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ Việt Nam giữ gìn lâu dài thi thể Hồ Chủ tịch. Hiện nay, trong buồng thi hài vẫn còn đang trưng bày chiếc quan tài kính do Sở 49, Bộ Tư lệnh Công binh sản xuất.
Nơi đây đã giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1969 đến năm 1975
Bên ngoài ngôi nhà đặc biệt dành cho Bộ Chính trị họp và Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, còn một cây thông trên 70 năm tuổi. Trước đây, khu vực này là đồn điền trồng thông, khai thác quặng của người Pháp từ năm 1938 đến 1941, khi xây dựng ngôi nhà Bác đã chỉ đạo anh em phải giữ lại cây thông này vừa để bảo vệ môi trường cũng là để ngụy trang. Mỗi lần cây thông to ra lại được đơn vị nới rộng lỗ tường chứ không được chặt cây.
Cây Thông đặc biệt này vẫn trường tồn với thời gian
Trong khu di tích trưng bày 3 chiếc xe: xe UAZ cứu thương biển số FH-1468, xe Zin 157 biển số 470-189 cùng chiếc xe Páp biển số 31-162 là những “người bạn chiến đấu” thân thuộc đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) di chuyển thi hài Hồ Chủ tịch 6 lần vượt qua mọi địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nhiệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Xe UAZ cứu thương biển số FH-1468
Ngay sau khi Bác mất, tại nhà 69 Phủ Chủ tịch thì chiếc xe UAZ cứu thương biển số FH-1468 phụ trách đưa thi hài Bác di chuyển sang Công trình 75A (Bệnh viện 108) để giữ gìn thi hài Bác trong những ngày đầu Bác đi xa. Sau đó lại đưa sang Công trình 75B là Hội trường Ba Đình (Quảng trường bây giờ) để làm quốc tang. Ngày 9/9/1969, quốc tang kết thúc xe UAZ cứu thương lại đưa thi hài Bác quay trở lại viện và giữ gìn ở viện từ tháng 9 đến tháng 12/1969. Khoảng thời gian Bác mất là khoảng thời gian cuôc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ trở lên quyết liệt. Vì vậy, để đảm bảo giữ gìn an toàn thi hài Bác, ngày 23/12/1969, ta đã thực hiện cuộc hành quân đặc biệt di chuyển thi hài Bác từ thủ đô Hà Nội lên khu căn cứ K9 bằng chiếc xe thứ 2 mang tên Zin 157 biển số 470-189. Zin 157 được các đồng chí Tổng cục Kỹ thuật cải tạo hệ thống gầm nhíp và giảm sóc cho phù hợp với điều kiện địa hình khi di chuyển thi hài Bác trong quãng đường xa.
Xe Zin 157 biển số 470-189
Trước khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, xe Zin 157 đã tập luyện rất nhiều lần quãng đường từ thủ đô Hà Nội lên Khu căn cứ K9. Mỗi lần tập như vậy đều diễn ra vào ban đêm, bộ đội Công binh lại có nhiệm vụ: xe chuẩn bị lăn bánh qua, phải san lấp cho đường thật bằng phẳng để xe đi qua tránh rung xóc, xe vừa đi qua bộ đội Công binh lại phải đào xới con đường trả lại hiện trạng ban đầu, xóa sạch mọi dấu vết từ cành cây cho đến ngọn cỏ, đảm bảo bí mật tuyệt đối cho Khu căn cứ K9 – Đá Chông. Mỗi lần tập luyện như vậy các đồng chí lái xe đặt một cốc nước trên chiếc xe Zin 157 (nước cách miệng cốc 3cm) di chuyển sao cho nước không bị sóng đổ, để khi ta di chuyển thi hài Bác tránh tổn thất tối đa nhất có thể. Bác ở lại Đá Chông cũng chỉ gần một năm. Tháng 11/1970, sau cuộc tập kích của không quân Mỹ ở khu vực Sơn Tây, để đề phòng căn cứ K84 bị lộ, thi hài Bác được chuyển về công trình 75A tại Hà Nội. Trận lũ lịch sử đe dọa vỡ đê và lũ lớn tại Hà Nội một năm sau đó, Đá Chông lại được chọn làm nơi an giấc cho Người. Vào ngày 19/8/1971, khi Zin 157 đưa thi hài Bác không thể di chuyển được do đỉnh lũ Sơn Tây lên cao làm cho đê sông Đà bị vỡ ngập nước rất sâu. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy đoàn 69 đã chọn phương án di chuyển thi hài Bác từ Zin 157 sang xe UAZ cứu thương nhỏ rồi bắc cầu cho xe UAZ cứu thương bò lên thùng chiếc xe Páp biển số 31-162 (xe lội nước). Xe Páp nội nước đã đưa thi hài Bác qua vùng ngập sâu, tiến vào ngôi nhà kính an toàn.
Xe Páp biển số 31-162
Từ năm 1969-1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông (có thời gian không dài ở K2) với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày. Đúng 16 giờ ngày 18/7/1975, tại K9 đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát về Hà Nội. Đến 20 giờ ngày 18/7/1975, đoàn xe về đến quảng trường Ba Đình. Kính cẩn và trang nghiêm đưa thi hài của Bác vào Lăng, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người.
Đáp ứng nguyện vọng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, ngày 17/3/2014, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ chí Minh đã khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau hơn một năm khẩn trương xây dựng, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành ngày 2/9/2015. Công trình mang phong cách kiến trúc truyền thống, một tầng, hai mái thượng và hạ; mặt bằng nhà hình vuông, diện tích 441 m2, chiều cao từ nền lên đỉnh mái là 11,87 m. Bên trong Nhà tưởng niệm, chính giữa là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía trên là bức đại tự với dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; bên cạnh đó là các di ngôn, câu đối nói lên tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc và bệ tượng thờ bằng đá đỏ Bá Thước (Thanh Hóa), ngôi sao vàng và búa liềm sử dụng đá vàng của tỉnh Nghệ An. Nền nhà lát đá hoa cương, mái lợp ngói mũi hài Giếng Đáy; phần thân nhà (cột, kèo, hoành, rui) bằng gỗ lim theo kết cấu kiến trúc cổ. Trong khuôn viên Nhà tưởng niệm có hai nhà bia làm bằng gỗ lim, diện tích 20,25 m2 cùng hai tấm văn bia bằng đá quý cô-rin-đôn của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Sân, thềm, đường, bậc cấp lát bằng đá gra-nít Phú Yên; lan can đá bao quanh sân bằng đá cẩm thạch Yên Bái; chiếu sen bằng đá sa thạch Đà Nẵng. Có thể nói, những vật liệu, chất liệu tốt nhất từ mọi miền của Tổ quốc đã được sử dụng xây Nhà tưởng niệm, đó cũng là niềm thành kính, biết ơn của nhân dân cả nước dâng lên anh linh Người.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – khánh thành ngày 2/9/2015
Khu di tích K9 – Đá Chông là công trình mang giá trị văn hóa lịch sử to lớn, là nơi đồng bào, đồng chí, khách quốc tế đến thăm quan, tưởng niệm, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, truyền bá, nâng cao giá trị đạo đức, phát triển nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hits: 46945

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *