Đình tổng La Phù (Thường Tín)

Đình Là là ngôi đình của tứ dân La Uyên, Phúc Trại, Thọ Ngãi, Mai Hồng (xã Tân Minh) và Mai Sao (xã Nguyễn Trãi), tổng La Phù, huyện Thượng Phúc xưa (nay thuộc xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội), xây dựng nên cách đây gần năm thế kỷ. Đình vẫn được gọi theo tên tổng là đình La Phù. Đình tọa lạc trên một mảnh đất vìa làng thôn La Uyên, phía trước đình là dòng sông Nhuệ Giang, con đường giao thương thủy quan trọng của đất nước, nối kinh đô Thăng Long về miền Sơn Nam Thượng trước kia. Đây cũng là một trong số ít ỏi những ngôi đình tổng cổ xưa nhất không chỉ của Hà Nội, mà của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đình tổng La Phù

Theo như cuốn ngọc phả và những tư liệu dã sử trong dân gian cho biết, đình Là thơ 3 vị thần là đức thánh cả Minh Lang đại vương, đức An Lang đại vương và đức Xạ Thần đại vương. Tam vị đại vương là những vị anh hùng, có công với dân với nước, hiển linh được nhân dân tôn vinh. Đức thánh cả Minh Lang đại vương chính là tướng quân Nguyễn Phúc, một cựu thần thời hậu Lê. Ông vốn là người xã Đoàn Tùng, huyện Trường Tân của xứ Đông (nay thuộc Hải Dương), đỗ tiến sĩ Hoàng giáp khoa Quý Dậu, năm Thái Hòa 11 (1453) triều Lê Nhân Tông. Cuộc đời làm quan, ông từng giữ chức Hàn lâm đại học sĩ, kiêm chức chức Thái phó, thầy dạy Lê Thánh Tông lúc nhỏ tuổi. Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, sai Nguyễn Phúc chỉ huy việc vận chuyển quân lương. Trên đường biển vận chuyển gặp gió bão, quân lương vào chậm một ngày nên bị tử phạt theo quân luật. Do có quân lương nên nhà vua mới đánh thắng quân Chiêm Thành. Khi trở về luận công ban thưởng, vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Phúc và phong cho ông là Minh lang Đại vương, hộ quốc cứu dân, bảo quốc công thần, đồng thời, sắc chỉ cho 72 nơi thờ phụng.
Đình Là do nhân dân tổng La Phù xây cổ xưa, công trình kiến trúc nghệ thuật được khởi dựng từ thời nhà Mạc, còn bảo tồn nhiều yếu tố kiến trúc và điêu khắc là những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm ở thế kỷ XVI. Đến thời Nguyễn được tu sửa và tôn tạo do vậy phần kiến trúc và nghệ thuật pha trộn cả thời Nguyễn. Theo các cụ cao niên kể lại, đình Là vẫn ở nguyên vị trí cũ, trước kia phía trước cửa đình có cầu bắc qua sông Nhuệ. Cầu được làm theo lối “thượng gia hạ kiều”, móng cầu được xây dựng bằng gạch cuốn vòm qua sông, phía trên là nhà cầu với kết cấu các bộ vì, cột, xà làm bằng gỗ tứ thiết. Hai mái nhà cầu dốc chẩy lớp ngói mũi hài mỏng. Qua cầu là vào sân đình, phía Đông đình là chợ Là, hàng ngày hội tụ tài vật trong thiên hạ. Tuy nhiên, trước cách mạng tháng Tám năm 1945, cầu Là bị xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời, để xây kè mở rộng sân đình, phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng cầu Là đã được tháo dỡ và xây dựng lại, chuyển dịch xuống hạ lưu, ở vị trí như hiện nay.
Nguyên xưa đình chỉ có một ngôi nhà Đại bái, công trình kiến trúc nghệ thuật xây dựng từ thời Mạc, cấu trúc mặt bằng hình chữ nhật dài 24m30m, rộng 9m30, hiên rộng 1m30, bốn mái đình rộng, xòe thấp. Các tàu mái bốn phía chạy uốn hình mạn thuyền, giao nhau tạo các góc đao uốn cong lượn lên trời. Tàu đao gỗ chạm cánh hoa. Bờ nóc, bờ dải mái đình đắp bờ đinh. Các lá mái đình lớp ngói mũi hài. Vào thời Nguyễn đời vua Bảo Đại 11 (1936) xây thêm hậu cung 3 gian là một ngôi nhà ở phía sau nằm song song với Đại bái. Đến năm 1948, giặc Pháp đốt phá hậu cung, khi hòa bình thống nhất đất nước nhân dân đóng góp xây dựng lại.
Tổng thể Khu nhà Đại bái
Kiến trúc bộ khung vì trục của ngôi nhà Đại bái gồm có 2 bộ vì trục chính, 2 bộ vì trục bên và 2 bộ vì kẻ góc. Hai bộ vì chục chính ở gian giữa kết cấu 8 cột gỗ, bốn cột chính cao 450cm, chu vi 230 cm. Bốn cột quân phía trước và phía sau thấp và nhỏ, ở trên đỉnh các cột đều có đầu vuông thót đáy và trên thân cột có lỗ đục để ghép sàn là đặc điểm kiến trúc của ngôi đình thời Lê. Dưới chân cột kê tảng đá dáng thắt cổ bồng, chiều cao 62cm, trên thân chạm vòng hoa văn cánh sen.
Kiến trúc hai bộ vì trục chính gian giữa làm theo hình thức rường cốn. Bộ vì thượng làm kiểu chồng rường con nhị, con rường con chồng nhất ghép khít vào con chồng nhị bằng then chốt. Trên thân các con rường chạm khắc những mảng hoa văn. Hai phía câu đầu đặt trên dấu vuông, đầu dư là khúc gỗ lớn dưới đục chạm hình đầu rồng mang tính chất trang trí. Dưới bụng câu đầu của bộ vì gian giữa viết dòng chữ Hán ghi năm xây dựng “Diên Thành tứ niên tuế thứ Tân Tỵ, nhị nguyệt thập thất nhật tạo” (tức ngôi đình được xây dựng vào năm 1581). Còn câu đầu của một bộ vì nữa ở gian giữa cũng viết dòng chữ Hán lạc khoản ghi năm tu bổ “Bảo Đại thập nhất niên tuế thứ Nhâm Ngọ tam nguyệt, nhị thập tứ nhật sửu thời, trung tu đại cát” (tức ngôi đình được tu bổ vào năm 1936).  Giữa cột cái và cột quân là bộ vì hạ làm theo kiểu rường cốn đặt trên xà nách. Đó là những khúc rường dài ngắn khác nhau được chồng khít lên nhau thành hình tam giác theo độ dốc của mái, trên thân khúc rường có đục chạm hoa văn.
Rồng chạm hình yên ngựa thời Mạc
Nghệ thuật điêu khắc trên lớp kiến trúc của hai bộ vì thượng chồng rường con nhị có mảng điêu khắc tác phẩm lưỡng long chầu nguyệt. Con rồng thân to, đuôi xoắn, tóc dựng, phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hai bộ vì hạ “kiểu rường cốn” ở phía ngoài được đục chạm hoa văn cả ở hai mặt. Phía mặt cốn trong, được chạm công phu với đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng) và long cuốn thủy. Nghệ thuật đục con rồng tương đối tinh sảo có bốn làn tóc uốn lượn, miệng nhe rõ hàm răng và phun ra dòng nước theo dân gian gọi là rồng cuốn thủy. Dòng nước được phun từ miệng rồng ở trên trời xuống đầm sen đua nở, các loại vật như rùa bơi lội, tôm cua vui đùa. Trên cạn có Long mã đang phi nước đại cùng các loại vật quý như nghê chầu, phượng múa… phía mặt sau những bức rường cuốn đục chạm kênh bong đề tài tứ quý, đăng đối với mặt trước là tứ linh, bên cạnh những loài vật thường thấy ở đây chúng ta còn thấy hình ảnh những chú chuột trên đài sen, nghệ thuật điêu khắc trên hai cốn này mang phong cách thời Nguyễn.
Chân cột đình được làm bằng đá xanh chạm khắc hoa sen
Đặc biệt, về nghệ thuật điêu khắc thời Lê – Mạc trên kiến trúc hai bộ vì gian giữa phía sau giáp hậu cung, một bộ rường cốn có mảng điêu khắc nghệ thuật đúc chạm lộng một con rồng tạo nên khối hình ô van, con rồng hình yên ngựa, đấu đầu vào giữa thân lộ ra đôi mắt lồi, mũi tròn, miệng loe, tai dơi, từ đầu rồng phát ra hai phía những tia mác mảnh. Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên gỗ của thời Mạc khá sinh động. Trên bộ vì hạ rường cốn thứ hai phía sau giáp hậu cung được chạm rồng thời Mạc ở trên đấu, trên thân đầu rường và mảng cốn. Con rồng ở đây nguyên hình thể khối hình yên ngựa tai lớn, mắt lồi, đuôi bút lông. Mặt rồng ở giữa đặt trên lưng yên ngựa, miệng rộng, mũi dẹt và trán nhô cao. Những gì còn sót lại ở đình La Phù,  tuy không nhiều nhưng cũng đã góp phần cung cấp tư liệu cho việc nghiên cứu mỹ thuật. Thời Mạc đình Là là một trong 5 ngôi đình mang dấu ấn của đình cổ xưa nhất.
Rùa đá đội bia có niên đại thời Lê
Phía tiếp sau là hậu cung, ngôi nhà 3 gian nằm phía sau và chạy song song với Đại bái được xây tường hồi bít đốc, hai mái chảy, lợp ngói ri bờ nóc chữ đinh, kìm đấu hình chữ nhật, kiến trúc gỗ của những bộ vì làm theo hình thức quá giang kèo cầu và có hệ thống trần vòm của mái cua.
Một sắc phong còn lưu giữ tại đình có cách đây gần 300 năm
Hiện, đình Là còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm như thần phả, 38 đạo sắc phong, đạo sớm nhất đời vua Lê Vĩnh Thịnh (1705); một kiệu bát cống chạm đầu rồng, miệng ngậm ngọc, mũi to tròn, bờm tóc lưới mác bay về  phía sau phong cách nghệ thuật thời Lê; 5 tấm ván thưng chạm rồng yên ngựa thời Mạc; 2 rùa đá nghệ thuật điêu khắc thời Lê; 3 bộ hoành phi câu đối; 3 cỗ ngai chạm khác đầu rồng thời Nguyễn…
Lễ rước thánh từ thôn Mai Sao xã Nguyễn Trãi sang đình Tổng
Mỗi năm đình Là mở hai lần hội, xuân thu nhị kỳ. Trong đó hội chính là vào ngày 12 tháng 8 âm lịch. Hội lệ hàng năm vẫn diễn ra bình thường, nhưng hội chính thì 2 năm mới tổ chức một lần và 3 ngày 11, 12, 13 tháng 8 âm lịch. Hội chính của hàng tổng có rước kiệu từ đình tổng lên miếu tổng, qua cầu Xém vòng về tới cầu Là, rồi vào đình. Khi tới đình, hàng tổng tổ chức tế lễ và nghi lễ dưng hương. Cuộc rước của các thôn Phúc Trại, La Uyên, Thọ Ngái, Mai Hồng (xã Tân Minh), thôn Mai Sao (xã Nguyễn Trãi) diễn ra tưng bừng náo nhiệt, trai gái mặc quần áo đẹp đồng bộ, đồng mầu để rước kiệu, rước bộ hộ, rước lân, múa rồng… nhân dân hàng tổng nô nức đến dự hội. Những hoạt động văn hóa truyền thống được phô trương kết hợp nhuần nhuyễn với những hoạt động văn hóa mới xây dựng làng văn hóa mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đình Là là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội, nơi hội họp của các tổ chức đoàn thể.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật, đình Là đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 2003.

Hits: 1407

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *