Đình Gia Khánh (Thường Tín)

Đình Gia Khánh thuộc xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Đây là một trong những ngôi đình có niên đại ra đời sớm, hiện còn kết cấu kiến trúc với nhiều mảng chạm được lưu giữ đến nay. Năm 2014, đình Gia Khánh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia.

Đình Gia Khánh

Đình Gia Khánh hiện tọa lạc trên khu đất đẹp, cao, rộng về phía Tây của thôn, gồm các hạng mục chính như: bức bình phong, cổng đình, sân đình, phía trước là giếng đình, một số cây tạo cảnh quan và bóng mát. Kiến trúc chính của đình theo lối chữ công, bao gồm: Đại bái, ống muống và hậu cung. Bức bình phong nằm ở phía trước giếng đình nhằm tránh tà khí. Bình phong xây kiểu ở giữa theo hình cuốn thư ghi 3 chữ Hán “Tất hữu hưng”, bên dưới xây một ban thờ nhỏ đặt bát hương, hai bên là hai trụ lớn, đỉnh trụ đắp chái giành, phần ô lồng đèn đắp tứ linh, thân trụ soi gờ kẻ chỉ ghi câu đối chữ Hán. Ngăn cách giữa trụ lớn và trụ nhỏ là bức tường đắp nổi hạc đứng trên lưng rùa, thể hiện âm dương đối đãi. Hai trụ nhỏ đỉnh trụ đắp nghê chầu hướng vào đình, với ý nghĩa để kiểm soát linh hồn kẻ hành hương.
Giếng đình nằm ở phía trước sân đình có hình tròn rộng, thành giếng được xây tường bao thấp ngăn cách với đường làng. Phía trước thành giếng được xây kè bó vỉa gạch xung quanh, giếng có hệ thống cống thông với các hồ ao trong làng tạo nên một dòng chảy. Đây là lưu ảnh của khúc sông chảy trước cửa đình mang ý nghĩa “Tụ thủy”, tụ linh, tụ phúc, hội tụ những điều may mắn cho nhân dân trong làng. Cũng theo nhân dân địa phương cho biết, tại giếng này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân du kích đã đào một hệ thống địa đạo ngầm chảy vòng quanh làng dài hàng ngàn mét thông từ hậu cung đình ra đến giếng đình và các gia đình lân cận để hoạt động, vận chuyển vũ khí, theo dõi quân giặc.
Cổng đình được xây kiểu tứ trụ: 2 trụ lớn ở giữa, đỉnh trụ đắp nghê chầu, phần lồng đèn đắp tứ linh, thân trụ bổ khung ghi câu đối chữ Hán. Giữa hai trụ chính xây cao một lầu vuông theo kiểu gác chuông, bên dưới làm cửa cuốn vòm, bên trên là lầu vuông theo kiểu gác chuông, bờ nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt, bốn góc có đao cong, mái đắp giả ngói ống. Tường lầu trổ cửa sổ hình tròn. Mặt trước cổng ghi 4 chữ “Môn ấp Gia Khánh”. Ngăn cách giữa trụ lớn và trụ nhỏ là cánh gà xây tường. Hai trụ nhỏ hai bên đỉnh trụ đắp hồ lô, phần ô lồng đèn đắp vuông không trang trí, thân trụ bổ khung ghi câu đối chữ Hán. Qua cổng là sân đình rộng được xây gạch và nhà tả, hữu mạc.
Y môn phong cách nghệ thuật thời Lê
Tiếp đến là nhà đại bái, gồm 3 gian 2 chái, mái nhà lợp ngói ta, hai bờ đầu nóc đắp hai con lân cõng trên lưng một vận xoắn lớn. Đây là con vật tượng trưng cho bầu trời đang cõng biểu tượng của sấm chớp. Đầu guột là lân đứng trên cụm mây được đắp cao trong tư thế chạy về nóc mái, đỉnh đao là đầu rồng uốn cong quay chầu vào nội đình. Những con giống trên bộ mái đều mang tư cách là linh vật của tầng trên, gắn với nguồn lực vũ trụ như sấm chớp và trí tuệ. Đình là một công trình kiến trúc có quy mô vừa phải với bộ khung vì chắc khỏe, bền vững, nhiều mảng trang trí nghệ thuật đẹp, độc đáo hiện còn lưu lại trên kiến trúc. Nghệ thuật được tập trung chủ yếu tại tòa đại bái ở các thân xà, kẻ, bộ vì vỏ cua đều có chạm nổi hổ phù, rồng cuốn thủy, các bức cốn chạm nổi các tích “Long mã chỏ hà đồ”, “thần quy lạc thư”, “tứ linh”… nổi bật và đẹp hơn cả là các bức cốn nách, bức cửa võng ở gian giữa đại đình chạm nổi đề tài rồng yên ngựa, rồng quấn cột đuôi ở đỉnh cột, đầu lại ở chân cột mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.
Những linh vật trang trí trên nóc nhà Đại bái
Tại đầu dư thể hiện đề tài rồng chạm lộng trên một khối đặc hoa văn trang trí với nhiều chạm khắc trang trí đặc sắc của nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn, đề tài trang trí chủ yếu là rồng chạm lộng, vân mây, rồng ở đây được chạm rất sống động với các râu bơm tóc thành các đao mác dài uốn khúc nhiều lớp và vươn xa ra ngoài. Hình tượng rồng được phủ kín toàn bộ bề mặt của mảng gỗ dày, bên cạnh đó có các trang trí tứ quý, tứ linh… tạo nên một bức tranh chạm khắc sinh động mạnh mẽ nhưng không kém phần uyển chuyển. Ngoài các trang trí rồng một số bức cốn còn trang trí lân, voi… Chủ đề trang trí thể hiện phong phú ngoài việc làm tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến  trúc còn  tạo ra cảm giác thanh thoát cho khối kiên trúc gỗ của đình.
Trong nhà đại bái, phía sau hương án ở gian giữa là bức hoành phi với 4 chữ Hán “Văn võ toàn tài”, tiếp theo là các bức cửa võng trang trí rồng chầu. Chính giữa bên dưới đặt bộ kiệu bát cống, kiệu làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, được tạo bởi hai đòn dọc lớn có đầu đuôi đồng nhất với đầu và đuôi rồng. Trên khung bài trí một bộ long đình vừa bằng độ mở của kiệu. Bốn góc tạo bốn cột đỡ phần đỉnh long đình. Long đình có 4 mái, 4 góc là 4 con rồng tạo cong. Hai bên đình được bài trí các đồ nghi trượng, long đao, mã đao, chùy, phủ việt, giáo đen, biển lệnh cờ, long, bát bửu sơn son thếp vàng, trên trang trí hình đầu rồng ngậm thanh long đao, kích, biểu lệnh… Bộ đồ thờ gắn với những thần linh có nhiều chiến công và mang xu hướng để thiêng hóa các vị thần, đồng thời mang tư cách là những hiện vật nghệ thuật nhiều hơn tính chất vũ khí.
Chính giữa bên trên hương án là bức hoành phi, nền sơn son, xung quanh tạo khung gờ nổi, bên trong khắc nổi ghi 4 chữ Hán “Vạn gia sinh Phật”, bên trái ghi dòng lạc khoản “Duy Tân Tân Hợi niên” (1911). Bên ngoài ghi “Bản phủ quan vệ công bái kiến”. Bên dưới hoành phi là bức cửa võng làm bằng gỗ sơn song thếp vàng, nối liền ở hai cột cái gian giữa. Đây là di vật có giá trị nghệ thuật cao, phía trên là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Rồng được tạo tác đẹp hình yên ngựa, nghệ thuật thời Lê, phía dưới chia thành các ô trang trí tứ linh và đề chữ “Thánh thọ vĩnh vô cương”.
Hương án trang trí tứ linh
Hiện nay, tại đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như hoành phi, y môn, cửa võng, kiệu bát cống, siêu đao, bát bửu, hoành phi, cuốn thư, câu đối, hương án, đôi hạc rùa gỗ, đạo sắc phong có niên hiệu Duy Tân 5 (1911) phong cho vị thành hoàng đình thờ; 1 bản sao thần thích; 4 quyển hương ước của xã Gia Khánh xưa viết bằng chữ Hán…
Theo cuốn thần phả và những bài vị được thờ trong đình, thần hoàng của đình Gia Khánh là những nhân thần có công với nước với dân bảo hộ phù trì giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm và giữ gìn sự bình yên trong cuộc sống dân làng. Tại đình thờ 3 vị thành hoàng là Lỗ Ban, ông tổ nghề mộc đã có công truyền dạy nghề đục, chạm cho nhân dân địa phương trở thành nghề truyền thống, sản phẩm lưu lại là những công trình kiến trúc, những ngôi nhà với kiến trúc gỗ theo lối cổ truyền. Đặc biệt là kết cấu kiến trúc ngôi đình làng và những hiện vật, đồ thờ bằng gỗ được các nghệ nhân đương thời đục chạm với những đường nét tinh xảo, chau chuốt. Hai là: Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thông minh hơn người, xem rộng biết nhiều, đủ tài văn võ, ông có công lao to lớn 3 lần tổng chỉ huy quân dân Đại Việt phá tan quân Nguyên – Mông hung bạo, Trần Quốc Tuấn không những là một anh hùng kiệt xuất của dân tộc mà còn là một danh nhân quân sự cổ kim của thế giới… Ba là: Hoàng Cao Khải bố của Hoàng Trọng Phu – Tổng đốc Hà Đông người đã giúp nhân dân địa phương phân chia đất đai điền trạch và được nhân dân tôn vinh tại đình làng.
Hàng năm, lễ hội đình Gia Khánh diễn ra vào ngày 7 tháng giêng âm lịch. Từ ngày 25/12 âm lịch nhân dân tổ chức treo cờ hội, chuẩn bị ban thờ thánh, đồ thờ, kiệu đón năm mới và lễ hội xuân. Ngày 30/12 âm lịch, làm lễ mời Thành hoàng từ miếu về làng ăn tết. Tối 30/12 âm lịch cấp ủy, chính quyền, hội người cao tuổi tập trung tại đình để tổ chức chúc thọ các cụ tuổi tròn 70, 80, 90 và kết nạp hội viên hội người cao tuổi mới. Từ ngày 1 đến ngày 5 tết Nguyên đán, cụ từ mở cửa đình cho nhân dân và khách xa gần đến lễ, cầu cho một năm mới có nhiều may mắn và hạnh phúc. Ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm, chính quyền địa phương và hội người cao tuổi tổ chức lễ bàn giao chìa khóa, hiện vật, tài sản của đình. Ngày 7 tháng Giêng, nhân dân trong làng và người làm nghề mộc các nơi tề tựu tại đình tổ chức ngày tế tổ nghề mộc. Ngoài phần tế lễ tại đình phần hội duy trì tổ chức các trò chơi dân gian như: cờ người, chọi gà, đu tre, kéo co, các hoạt động thể thao, bóng bàn, cầu lông, văn hóa văn nghệ…
Lễ rước Thánh 

Hits: 664

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *