Đình, chùa Ngải Khê (Phú Xuyên)

Làng Ngải Khê (Tân Dân, Phú Xuyên, Hà Nội) xưa là trang Ngải Khê, tổng Già Cầu, huyện Phù Lưu, châu Thượng Phúc, lộ Đông Đô – Mảnh đất còn lưu nhiều địa danh: Vườn quan, đường lính, đường con hỏa, chân cờ, quai chèo, đường Bụt, đường nghê vàng, đường hình nhân và cuối làng có hòn đá trên 50 kg vẫn đè ẩm thủy (ai nhắc hòn đá lên làng sẽ gặp hỏa hoạn “cháy”); vì thế, gọi Ngải Khê tức là “quá lửa”, dễ cháy…

Cổ vật, đồ thờ tự tại đình Ngải Khê

Ngải Khê có vần thơ cổ: Xa quê ta lại nhớ quê/ Xa quê nhớ cá Ngải Khê lại về (làng có cánh đồng trũng lưu cữu nhiều năm không rút, nên có nhiều cá béo, điều đó làm nên một hương vị riêng của dân làng khi đi xa) và nhớ nhất về một miền di tích thờ tứ vị Thành hoàng là:

Thứ nhất thần tích về “Gia Thiện từ nhân Nguyên Thánh Thiên Cảm Quốc mẫu Hoàng Thái Hậu” có ghi: Hoàng Thái Hậu trước là Mẫu nghi thiên hạ. Theo sử nhà Trần mẫu thân bà là họ Dương, người làng Ngải Khê lấy chồng là Trần Hoài Nhân. Bà sinh ngày 12 tháng Chạp, họ Trần, húy là Thiều. Bà là người có nhan sắc tuyệt đẹp, được vua Trần Thánh Tông tuyển làm cung phi và phong là Thiên Cảm phu nhân. Bà sinh ra đức vua Trần Nhân Tông, nên gọi là Thiên Cảm Quốc mẫu. Bà có đức tính phong nhã, thường xuyên làm phúc, phát chẩn cho dân nghèo, giúp vua nhiều việc, mở mang nghề nông nghiệp, trồng dâu, nuôi tằm, góp phần vào việc xây dựng quốc phú, binh cường đó là tâm nguyện của bà. Bà rất ghét kẻ hạ thần nịnh hót và thường khuyên mọi người: Mang chút hại người chớ nghĩ đến, mảy may lợi mình chớ tơ hào. Đúng thay, trời chẳng phụ, phúc đức hưng công. Nhân Tông thường đi vi hành đến các hang động, xem hổ, voi đùa giỡn, bà thấy Nhân Tông có trí gây dựng đất nước nên lập làm vua. Sau này đức Nhân Tông gia phong là Nguyên Thánh Thiên Cảm Quốc mẫu Hoàng Thái Hậu. Thời ấy, dân làng có sự cố, dịch bệnh, trộm cướp bất yên. Bô lão và dân làng đã dâng biểu tấu với Thái Hậu xin trợ giúp. Thái Hậu bàn bạc với quần thần cấp tốc đưa quân binh và ngự y về làng chữa bệnh, cứu dân, tiễu trừ trộm cướp, đời sống nhân dân được ổn định. 10 năm sau, vào ngày 25 tháng 3, Hoàng Thái Hậu băng hà, dân làng lập miếu thờ bà để tưởng nhớ công ơn của Hoàng Thái Hậu và tôn làm phúc thần. Thần hiệu của bà là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu, sau này lại được gia tặng bốn chữ Gia Thiện từ nhân và hiệu đầy đủ là Gia Thiện từ nhân Nguyên Thánh Thiên Cảm Quốc mẫu Hoàng Thái Hậu.

Thứ hai thần tích về “Thiên Hộ Quốc linh ứng Chương Vũ Trung Linh đại vương”, có ghi: Xưa về Đường Ý Tông (Trung Quốc), thời Giao Châu Nam Sách, làng có một nhà họ Hoàng tên Phả, vợ là Nguyễn Thị Hữu sinh ra Ngài ngày 24 tháng 3, lớn lên Ngài làm quan Thủ Lệnh Chức, hóa ngày 20 tháng 9, Ngài là nhân thần. Năm 865, Cao Biền được cử làm Tiết độ sứ sang cai trị nước An Nam, bắt lính quy thành, biết văn võ và thuật phù thủy, kiêm thần địa lý chuyên luyện âm binh. Cao Biền đã sửa lễ dâng ở cửa đền nơi đóng quân để mong thần thánh phù hộ. Đêm đó, Cao Biền được Ngài báo mộng rằng: Muốn làm nên sự nghiệp thì đức phải trong sáng, đạo làm người lối sống chân chính, lấy nhân đức thu phục tà tâm. Cao Biền tỉnh giấc, mừng rỡ liền dựng ngay một cái quán và đặt tên là Hộ Quốc cung chiêu hồi đồng dân, nơi đó là đền thổ địa để cho dân làng cầu đảo. Địa phương sở quán coi đó là Phúc Thần phụng sự khói hương. Cao Biền tiếp tục hành quân xuôi về phía Nam. Sau 4 năm lại gia phong thêm 2 chữ Linh Ứng. Đời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Trùng Hưng (1285-1293) phong là Thiên Hộ Quốc thần. Năm Hưng Long thứ 21 (1313) đời Trần Anh Tông lại gia phong thêm 2 chữ Chương Vũ. Đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) thân chinh đi đánh Chiêm Thành, thấy thần linh hiện hữu nên sắc chỉ cho trang Ngải Khê bên bờ sông Kim Ngưu lập đền thờ để tiện cầu đảo và gia phong là Trung Linh. Bởi vậy, Ngài có thần hiệu là Thiện Hộ Quốc linh ứng Chương Vũ Trung Linh đại vương.

Thứ ba thần tích về “Bảo hộ Quốc thọ Thiên Hưng đại vương”, có ghi: Có một vị Thần trời xuống phía đông nước Nam, lênh đênh đi tìm khắp thiên hạ tìm người giỏi đánh cờ để thi đấu. Ông Thần ấy đến gặp một người bản xã chơi cờ tên là Vũ Văn Hòa, sinh ngày 12 tháng 11, hóa không rõ. Ngài có bố là Vũ Văn Hồng, mẹ là Hồ Thị Tại là người trang Ngải Khê. Ngài là người có tư chất rất thông minh, mỗi nước cờ đều thấy rất khác lạ, mỗi nước đi càng thêm phần chắc chắn. Người bản xã bèn hỏi, ông thần cười và nói: Ta là người trên trời xuống và tìm người tâu lên thiên đình Đế Thích cho được sống lâu, cho được thiện chiến hết phép để trao lại cho hạ thế. Nay ta biết ngươi rất thông minh, thật thà, phúc hậu, sau này sẽ là người có tài để gánh vác cùng đất nước. Nay có ân tình với ta. Ta cho người một nén hương, ngươi giữ cẩn thận, mỗi khi mẹ con ốm đau, nguy hiểm thì đốt nén hương này khấn ta, ta sẽ giúp cứu người khỏi bệnh vĩnh viễn, về sau chữa bệnh cho nhiều người dân trong làng. Người dân sở tại thấy vậy lấy làm lạ lùng, bèn lập đền thờ và đặt thần hiệu là Thiên Hưng chi thần, tục gọi là Đế Thích tối linh từ. Hằng năm, vào mùa xuân làng mở hội, cầu đảo đều linh ứng. Người ở các trang, ấp trong bản huyện Phù Lưu cũng lập đền thờ để thuận tiện cho việc cầu đảo. Đến đời Lê Trung Hưng và Hy Tông, phụ mệnh Hoàng Đế đến đền cầu đảo, chúc khánh thọ và gia tặng 4 chữ Bảo Hộ Quốc thọ. Sức cho trang Ngải Khê thuộc huyện Phù Lưu thờ tự, thần hiệu là Bảo Hộ Quốc thọ Thiên Hưng đại vương. Sự tích về Thần có sách, có từ điển từ Lê triều Lễ Bộ Thượng Thư có sắc phong từ vua Tự Đức và qua các đời vua đều có sắc phong cho Thần. Thần được trang Ngải Khê thờ tại miếu Thượng (xưa là bãi Gò), nơi ấy cấm không được trồng trọt, giết súc vật làm nhà ở.

Thứ tư thần tích về “Nhập Nội Thái úy Trung Phụ dũng vũ Uy Thắng Chiêu Nhân đại vương”, có ghi: Thần ở vào triều Lý, gốc là người trang Ngải Khê, sinh ngày 6 tháng 6, hóa ngày 11 tháng 11. Sử sách triều Lý chép Ngài có tài thao lược mà ít ai sánh kịp, trong triều lại gặp người tài môn đệ, diện mạo tráng kiệt có tên là Thường Hiến vào cùng hầu trong triều, nên kết nghĩa anh em, cùng theo Thái úy Lý Thường Kiệt đi Nam chinh Bắc chiến. Vào thời lê Chiêu Tông, niên hiệu Quang Thiệu thứ 5 (1520), Kiêm sử quan tổng tài Đặng Minh Khiêm có làm bốn câu thơ: Đệ huynh chỉ xích thị minh quang/ Tài lược kiêm ưu hựu mạo sương/ Bắc phạt Nam chính huân nghiệp chứ/ Thù phi môn ngoại tiễu điêu đang. Đại ý ca ngợi tài thao lược, trí văn minh uyển chuyển rất khoa học. Thông minh, chính trực, trí dũng vô song. Lại nói, thời ấy, Lý Thường Kiệt được vua phong làm Thái úy, tổng chỉ huy quân dân Đại Việt, Thái úy phải đi xem xét núi sông để xây dựng phòng tuyến chống quân xâm lược. Thái úy ngược sông Hồng theo đường thủy từ Thăng Long lên Vân Nam, Ích Châu. Lý Thường Kiệt cùng các tướng lĩnh đến trang Ngải Khê bèn dừng lại tại đó. Khi ông đến trang Ngải Khê, ở đây có một người đầu quân cho Lý Thường Kiệt đi tiễu trừ giặc loạn, lúc bình sinh đã cống hiến lẫm liệt cho đất nước, được người dân tưởng nhớ công ơn nêm đã lập đền thờ và tôn làm Phúc thần. Thần hiệu là Nhập Nội Thái úy chi thần. Đến đời Trần Trùng Hưng (1285-1293) có gia tặng và phong 2 chữ Trung Phụ. Sau 4 năm tức năm Hưng Long 21 (1313) gia phong 2 chữ Uy Thắng. Đời Lê Cung Hoàng, niên hiệu Thống Nguyên (1522-1527) gia tặng Chiêu Nhân đại vương. Bởi vậy, Ngài có thần hiệu là Nhập Nội Thái úy Trung Phụ dũng vũ Uy Thắng Chiêu Nhân đại vương.


Đình làng Ngải Khê thờ Tứ vị Thành Hoàng

Làng tổ chức lễ hội chính ngày 25/3 âm (ngày hóa) của Đức Gia Thiện từ nhân Nguyên Thánh Thiên Cảm Quốc mẫu Hoàng Thái Hậu. Tổ chức tế lễ, rước 3 năm một lần, duy trì trò chơi dân gian: Tung cầu, tung tiền, kéo co, đánh cờ… đặc biệt trò chơi vật cầu, kéo mỏ (làng chọn 2 cây tre đủ lá cành, không cộc, dài từ 6 đến 8 mét càng tốt, tính đốt vào chữ “sinh” không được vào chữ “tử”, bắt chéo ôm tết ngọn thành mỏ cột chặt bằng lạt mền như hai cái mỏ ngặc vào nhau. Ngày 6/Giêng là ngày hội Vật cầu (cầu đinh – cầu con trai đầu năm). Làng tổ chức hội Vật cầu: Đẽo quả cầu bằng củ chuối hột gọt nhẵn hình cầu dẹt độ (17-23)cm phân làm hai đội trai tân, mình trần mặc xà lỏn, thắt đai (đỏ + xanh) bỏ múi cạnh sườn, cụ Trưởng ban tung cầu ra trước giữa sân đình, hai đội tranh nhau cướp, bên nào giành được ném xuống giữa ao đình là thắng. Tục đánh cờ tướng (làng thờ Đế Thích) được duy trì đều đặn hàng năm.

Lễ vật dâng cúng tứ vị Thành hoàng gồm: Trà, cau, hương, phẩm oản, bánh dầy, chè kho, xôi, giò, xủ lợn luộc, gà luộc, cơm mới, hoa và quả mới. Các ngày khánh hạ, sóc vọng hàng tháng, Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, 13/8, 12/12, 16/11…Việc chế biến đồ lễ phải theo lệ làng, nấu chè kho phải là con gái chưa chồng, giã bánh dầy phải là trai chưa vợ, các hàng giáp rước lễ về đình để tiên chỉ và các cụ cao tuổi củ soát, nếu đạt được lựa chọn mới dâng lễ. Đội tế do Chi hội Người cao tuổi đảm nhận, cụ Tiên chỉ được các giáp bầu chọn gia đình phải song toàn, không có tang.

Cổng chùa Ngải Khê

Làng có tục kiêng húy “Thiều”, “Phả”, “Hòa”, khi đọc đến tên vị Thành hoàng, thì đọc “khẽ”, có thỉnh một tiếng chuông. Tết Nguyên Đán kiêng từ 30 (Giao thừa) đến hết mồng Một Tết (không chặt băm gì, kể cả bổ củi); khi nhà có tang kiêng kỵ hết 5 tháng mới ra đình, đàn bà không được vào cung cấm ở đình (có ngưỡng); ra đình phải thay trang phục, sạch sẽ, thanh bạch. Ngải Khê nổi tiếng: “Mõ Miêng/ Chiêng Khê/ Trống Già Cầu/ Lệnh Cửa Ải/ Trải làng Kê/ Chèo làng Mãn”. Làng còn lưu giữ được bản Thần phả bằng chữ Hán, một bản Thần tích Thần sắc, 07 đạo sắc phong thời Nguyễn (Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định), 4 bát hương Thổ Hà, hương án, hoành phi, câu đối cổ, 2 quả chuông thời Nguyễn. Ngày 7/11/2007, đình + chùa làng được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa.

Hits: 983

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *