Đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh)

Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 25km về phía Tây Bắc, đền Hai Bà Trưng (thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) là di tích lịch sử lớn nhất và lâu đời nhất, thờ hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc: Trưng Trắc và Trưng Nhị – những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 – 43 (sau Công nguyên), giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc.

Tam quan ngoại – Đền thờ Hai Bà Trưng

Đến với quần thể di tích đền thờ Hai Bà Trưng, bên cạnh việc thắp hương cầu nguyện, du khách còn được tìm hiểu lịch sử, văn hóa, được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, khoáng đạt, để thấy lòng mình nhẹ nhàng, thư thái. Chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung giá trị cho nhau, bao gồm các hạng mục: Cổng đền, nhà khách, nghi môn ngoại, nghi môn nội, gác trống, gác chuông, nhà tả – hữu mạc, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ – thân mẫu Hai Bà, đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách, đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng, đền thờ các Nam tướng triều Hai Bà Trưng, nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh, hồ bán nguyệt, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi, thành cổ Mê Linh…
Thần tích lưu truyền muôn đời
Hai Bà Trưng, những người con gái Lạc tướng đất Mê Linh và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà (năm 40-43 sau Công nguyên) đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, in đậm trong tâm tư, tình cảm mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại. Theo truyền thuyết trong dân gian và thần tích tại đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Hát Môn và một số di tích thờ Hai Bà trên cả nước, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị có cha là quan Lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (tên tục gọi là bà Man Thiện). Sống ở làng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm, hai bà là chị em sinh đôi, bà chị có tên là Trưng Trắc (Trưng Trắc ý nói trứng lứa đầu), em gái có tên Trưng Nhị (ý nói trứng lứa sau). Hai bà được nuôi dạy trong tinh thần yêu nước, được dạy binh thư võ nghệ, rất can đảm, dũng lược. Lớn lên, Trưng Trắc kết duyên cùng Thi Sách – con trai Lạc tướng huyện Chu Diên.
Thời kỳ đó, đất nước ta bị nhà Hán đô hộ. Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc của nhà Hán, nhân dân ta phải sống lầm than, khổ cực, sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc. Thái thú Tô Định, biết được ý định chuẩn bị khởi nghĩa của Thi Sách và Trưng Trắc, đã lập mưu kế hãm hại Thi Sách nhằm lung lạc ý chí của Bà Trưng Trắc và tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Song hành động tàn bạo của Tô Định không làm cho Bà Trưng Trắc sờn lòng, trái lại, càng làm cho Bà thêm quyết tâm khởi nghĩa “Đền nợ nước, trả thù nhà”.
Ban thờ Hai Bà Trưng tại Tòa tam chính điện
Năm 40 (sau Công nguyên), Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong ngày xuất quân, “cờ xí dậy đất, chiêng trống vang trời, tướng nam lẫm liệt, tướng nữ lạnh lùng”, nghĩa quân khí thế sục sôi với lời thề: “Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.
Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu quân nhà Hán tan vỡ đến đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó; Tô Định phải bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng, Bà Trưng Trắc được tướng sĩ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh. “… Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần ba năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, còn lưu mãi sử xanh. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta. Quân xâm lược có thể đánh bại chính quyền của Hai Bà Trưng, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta thì không bao giờ bị dập tắt. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là trang sử vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta đời đời ghi nhớ công ơn và mãi mãi tự hào về hai vị liệt nữ anh hùng.
Quá trình khởi dựng, trùng tu và tôn tạo 
Theo tài liệu của ban quản lý Khu di tích, ngay sau khi Hai Bà tuẫn tiết trên sông Hát (năm 43 sau Công nguyên), để tỏ lòng biết ơn công đức của Hai Bà Trưng, nhân dân Mê Linh đã lập đền thờ trên chính nơi Hai Bà Trưng sinh ra, lớn lên, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô. Đền ngự trên một khu đất cao, rộng, thoáng giữa cánh đồng, nhìn ra đê sông Hồng. Ban đầu ngôi đền được dựng bằng tre, lá, đến triều Đinh (968-980), đền được xây lại bằng gạch và lợp ngói. Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1881-1889, đền được trùng tu lớn và đổi hướng lại ban đầu như hướng ngày nay.
Sân chầu trước Tam quan nội, nơi để 18 con voi tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.
Hòn đá thề đặt giữa sân chầu, thể hiện quyết tâm cứu nước của Hai Bà.
Đền thờ Hai Bà Trưng được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1980. Để xứng đáng với vị thế của Hai Bà Trưng trong lịch sử dân tộc và tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 29/8/2002, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 3196/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư, quy hoạch tôn tạo và xây dựng Khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh trên diện tích gần 13ha. Theo quy hoạch Dự án bao gồm việc trùng tu, tôn tạo đền chính (Tam toà chính điện), đồng thời xây dựng một cách đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình phù trợ, tạo thành Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh, với quy mô kiến trúc bề thế khang trang.
Tháng 5/2003, Dự án trên đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục dự án quan trọng cấp Quốc gia. Trong giai đoạn 2002-2005 đã tu bổ, tôn tạo 3 toà đền chính; sơn son thếp bạc các cấu kiện gỗ của 3 tòa và tu bổ toàn bộ nội thất. Dịch chuyển nhà tả mạc, hữu mạc để nới rộng không gian; cải tạo hồ bán nguyệt và sân trước tiền tế; xây dựng đền thờ cha mẹ của Hai Bà và của ông Thi Sách; đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà; khôi phục lại thành ống và hộp thư bí mật… Trong giai đoạn 2005-2010 đã xây dựng các công trình phục vụ du khách và hệ thống đường giao thông liên quan.
Đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh có ý nghĩa lịch sử và tâm linh sâu sắc, ngày 09/12/2013, di tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau đợt đại trùng tu, ngôi đền có quy mô thuộc hàng đầu trong số các di tích của cả nước, xứng đáng với công lao vĩ đại của Hai Bà Trưng đối với dân tộc Việt Nam.
Quy hoạch, kiến trúc 
Qua nhiều lần trùng tu đền thờ Hai Bà Trưng vẫn giữ nguyên vị trí và hướng Đền ban đầu như ngày nay; phía sau Đền hậu cung giáp thành cổ Mê Linh, phía trước của Đền qua hồ bán nguyệt – Sân trong – Tam quan nội – Sân ngoài – Tam quan ngoại tiếp giáp đường kéo quân (Thành cổ Mê Linh và đường kéo quân là di tích gốc gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng Mê Linh).
Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng hiện nay không gian bảo tồn với diện tích chuyên biệt xấp xỉ 13ha được chia thành 2 khu: nội vi và ngoại vi.
Khu nội vi: Diện tích hơn 4ha dành cho phần lễ gồm có 5 ngôi Đền thờ cùng các di tích và công trình cảnh quan phù trợ. Ngôi đền chính tam tòa chính điện ở giữa thờ Hai Bà Trưng; ở bên tả là đền thờ ông Thi Sách chồng bà Trưng Trắc và thân phụ mẫu ông Thi Sách và đền thờ các Nam tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; ở bên hữu là đền thờ thân phụ mẫu, sư phụ mẫu của Hai Bà Trưng và đền thờ các Nữ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Đền thờ Hai Bà Trưng: Tòa tiền tế gồm 7 gian, 2 dĩ, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đầu đắp hình con đấu, đầu hai bờ dải đắp hình phượng vũ. Phía trước tiền tế có đôi voi đá trong tư thế quỳ chầu vào nhau. Hai cổng nhỏ với mái làm theo kiểu “chồng diêm”, mái uốn cong. Nối hai cổng nhỏ là hai bức “cánh phong”, phía trước có cột trụ biểu, đỉnh trụ hình trái giành, các ô lồng đèn đắp nổi tứ linh.
Tòa tam chính điện đền thờ Hai Bà Trưng
Nhà trung tế gồm 5 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp hình hoa chanh, chính giữa đắp hổ phù, hai mái kiểu chồng diêm… phía trước trung tế có lư hương đá… Nối với gian giữa trung tế là hậu cung – một nếp nhà ba gian, một dĩ, được xây dọc, hợp với trung tế tạo thành một kiến trúc tổng thể dạng chữ Đinh. Bộ khung đỡ mái hậu cung gồm bốn bộ vì mang kết cấu “thượng giá chiêng hạ chồng rường” và “thượng giá chiêng hạ cốn”. Các hàng cột có đường kính 35cm, trên cốn nách chạm hình chữ Thọ, hoa lá.
Đền thờ thân phụ, thân mẫu Hai Bà Trưng: Có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế gồm nhà 5 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải kiểu bờ đinh. Hậu cung gồm 1 gian, 2 dĩ.
Đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách: Tọa lạc về phía bên trái đền thờ Hai Bà Trưng. Đền quay hướng Tây Nam, có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung.
Đền thờ ông Thi Sách chồng bà Trưng Trắc và thân phụ mẫu ông Thi Sách
Đền thờ các Nữ tướng thời Hai Bà Trưng: Có mặt bằng dạng chữ Nhất, gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Hai gian bên trổ cửa hình chữ Thọ để lấy ánh sáng cho di tích. Hệ khung đỡ mái gồm 6 bộ vì được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. Chính giữa ban thờ xây bệ cao bài trí ngai và bài vị, phía trước bài trí hương án.
Đền thờ các tướng Nam thời Hai Bà Trưng: Quay hướng Đông Bắc, có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Nhất, gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, với 6 bộ vì được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. Chính giữa ban thờ xây bệ cao bài trí khám thờ và bài vị.
Khu ngoại vi: Diện tích hơn 8ha tiếp giáp đường kéo quân trước cửa Đền đến đê tả sông Hồng dành cho phần hội gồm có: Sân hội, bảo tàng, hồ nước, khuôn viên cây xanh, đường dạo…
Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về cả chủng loại và chất liệu như gỗ, đá, đồng, sứ, giấy,… trong đó di vật gỗ chiếm đa số. Các di vật có niên đại tập trung vào triều Nguyễn như hoành phi, hương án, đại tự, câu đối, khám, kiệu, tượng thờ… được chạm khắc công phu, tinh xảo, với các đề tài trang trí rồng mây, hoa lá, văn triện, hổ phù… Đây là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện bàn tay tài hoa, khéo léo và tinh tế của ông cha ta trong nghệ thuật tạo tác, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội và những ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những ngày lễ hội chính đền thờ Hai Bà Trưng Mê Linh hằng năm:
– Lễ hội từ ngày mùng 04 đến ngày mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch), chính hội là ngày mùng 06 tháng Giêng (Âm lịch) kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
– Ngày 08 tháng 03 âm lịch kỷ niệm ngày hóa của Hai Bà Trưng.
– Ngày 01 tháng 8 âm lịch kỷ niệm ngày sinh của Hai Bà Trưng.
Rước chân hương và bài vị
Đền Hai Bà Trưng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, qua đó những giá trị văn hóa phi vật thể đã được kết tinh và biểu hiện ở lễ hội và các trò diễn dân gian. Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức hang năm, từ ngày 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng (Âm lịch). Trong đó, chính hội là ngày mồng 6 tháng Giêng Âm lịch (ngày Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa), nhân dân cả nước nô nức kéo về dự, thắp hương thành kính biết ơn “Nhị Vị Đại Vương” đã có công xây dựng nền độc lập ngay từ buổi bình minh của dân tộc và tiếp tục cầu mong Hai Bà phù hộ cho quốc thái, dân an. Đây là một trong những lễ hội đầu Xuân lớn của dân tộc, mang nhiều nét cổ truyền với những trò chơi dân gian như đánh đu, đập niêu đất, đấu vật…

Hits: 16874

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *