Chùa Văn Quán (Hà Đông)

Chùa Văn Quán thuộc xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai. Chùa xây theo hướng Tây, là một ngôi chùa cổ có quy mô lớn, kết cấu vững chãi theo kỹ thuật truyền thống, hình khối thanh thoát, hài hòa, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên các bộ phận kiến trúc. Năm 2001, chùa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp thành phố.

Văn Quán là một làng Việt cổ thuộc xã Đỗ Động huyện Thanh Oai – Thành phố Hà Nội. Hiện nay, xã Đỗ Động là một trong 21 xã thuộc huyện Thanh Oai, xã có bốn thôn: Văn Quán, Trình Xá, Cự Thần, Động Giã. Phía Bắc xã giáp xã Thanh Văn, phía Nam giáp xã Phương Trung, phía Đông giáp xã Tân Ước, phía Tây giáp thị trấn Kim Bài. Trước cách mạng tháng 8/1945, thôn Văn Quán thuộc xã Động Cứu, tổng Động Cứu, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Sau năm 1945 xã Động Cứu gồm thôn Văn Quán, thôn Cự Thần, thôn Trình Xá hợp nhất với các xã Động Giã và Kim Lâm thành xã Đỗ Động. Khi huyện Thanh Oai thành lập Thị trấn Kim Bài thôn Kim Lâm được tách về thị trấn.

Chùa Khánh Long gồm các hạng mục: nhà vuông, chùa chính, chùa Mẫu và các công trình phụ trợ khác. Nhà vuông của chùa là ngôi nhà 9 gian, 4 mái chảy lợp ngói ri cổ và các đầu đao uốn cong ở các góc mái. Bốn phía của nhà vuông để trống chịu lực chính là hàng cột gỗ tròn. Các bộ vì đỡ mái của nhà vuông được làm thống nhất theo kiểu: Thượng giá chiêng rường cụt, hạ rường nách, bẩy. Bộ vì đỡ mái dĩ có xà nách, trụ trốn và kẻ góc hợp lại tì trên hàng cột quân để đỡ mái. Trang trí trên kiến trúc gỗ ở nhà vuông chùa được làm đơn giản mà thanh thoát với các họa tiết hoa văn mây cụm cách điệu lá lật theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Qua nhà vuông theo con đường bát chính đạo dẫn tới chùa chính. Chùa chính được bố cục theo kiểu chữ Đinh gồm tiền đường phía trước và Thượng điện nối kiểu chuôi về phía sau. Tiền Đường chùa Khánh Long gồm 5 gian dài 13m50, rộng 4m60 được làm kiểu tường xây, hồi bít đốc tay ngai với hai mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc, bờ đao đắp bờ đinh hai đầu bờ nóc đắp đấu đinh giản dị, tay ngai là hai tường hồi tiền đường bằng hai bức tường lửng cao ngang diềm mái. Trên đỉnh đắp bằng tiếp đến là ô lồng đèn vuông bốn mặt để trống chân trụ tạo dáng thắt cổ bồng. Thân trụ có đắp các đường gờ chỉ thẳng để trang trí cho mềm mại. Vào bên trong các bộ vì đỡ mái Tiền đường được làm theo một kiểu thống nhất trên mặt bằng năm hàng chân cột. Hàng cột ngoài cùng (chân cột) được xây bằng gạch cuốn tròn thay cột gỗ, hàng cột thứ hai có mở hệ thống cửa bức bàn ở ba gian giữa thuận tiện cho sử dụng các gian còn lại được xây tường và mở cửa sổ để đảm bảo an toàn cho ngôi chùa. Các bộ vì được làm theo kiểu: Thượng giá chiêng, chồng rường, hạ nách tiền kê, hậu bẩy. Ở hai vì này nối hai đầu cột cái theo phương thức mộng xẻ đầu cột là một câu đối lớn, hơi thon hai đầu. Hai cột sườn cụt một đầu ăn mộng vào thôn trụ trốn, đầu kia đỡ các hoành mái phần thượng. Ăn mộng từ thân cột cái đầu cột quân là một xà nách, kẻ thuyền ăn mộng vào cột cái bên dưới câu đầu hợp với xà nách ở một đầu cột quân ra đầu cột hiên, kéo dài thành kẻ bẩy, phía trong là bẩy đỡ các hoành hạ và tàu mái.

Riêng hai bộ vì gian hồi có một xà ngang ăn mậu chạy suốt từ đầu cột quân tiền ra đầu cột quân hậu thay cho xà nách riêng sẽ như các vì kia. Trang trí trên các kiến trúc tòa tiền đường được làm tương đối công phu theo lối kiến trúc gỗ thời Nguyễn là: Văn mây cách điệu hình hoa sen, lá lật, hổ phù, chữ triệt. Các kẻ truyền, xà nách được vào soi vỏ măng và chạm lá lật ở hai đầu với nét trạm to phóng khoáng.

Thượng diện là ngôi nhà dọc ba gian dài 7m,6, rộng 7m5 nối liền từ gian giữa tiền đường vào. Các bộ vì đỡ mái tọa thượng điện được làm theo kiểu giá chiêng biến thể trên mặt bằng bốn hàng chân cột, hàng cột quân được xây tường gạch thay thế. Thượng điện có xây các bệ gạch cao dần từ ngoài vào trong làm nơi tọa lạc cho hệ thống tượng phật của chùa. Ở chính giữa phía trên tường hồi Thượng điện có treo một bức hoành phi đề ba chữ hán “Lưu ly điện” (Điện lưu ly), các hàng cột đều treo câu đối có nội dung ca ngợi cảnh quan chùa.

Nhà Mẫu được làm phía sườn bên Tả thượng điện nhìn hướng Đông giáp đại bái đình gồm ba gian có bán mái phía trước, kiến trúc theo kiểu tường xây ba phía, hồi bít đốc với hai mái chảy lập ngói. Các bộ vì nhà Mẫu được làm kiểu kèo kẻ quá gian chốn cột bằng gỗ tứ thiết, các hạng mục kiến trúc gỗ đều được bào trơn đóng bén, soi gờ chỉ nhỏ và thiên về bền chắc. Trong nhà mẫu có xây ban thờ bằng gạch trên đặt tượng tam tòa thanh Mẫu và các bát hương đặt hậu lộc phật. Các bộ phận kiến trúc gỗ của chùa Văn Quán đa phần được bào trơn đóng bén. Hoa văn trang trí tập trung ở tòa Tiền đường là chính vì vậy nghệ thuật điêu khắc trong chùa tập trung vào hệ thống tượng tròn trên Phật địa.

Tượng Phật của chùa Văn Quán trước đây rất phong phú song do ảnh hưởng của thời gian, chiến tranh nên hiện tại chùa lưu giữ dược 19 pho tượng Phật, một tòa cửu long, một số pho tượng Mẫu. Hệ thống tượng tròn được làm từ gỗ và đất luyện có niên đại ra đời từ thế kỷ XVII đến nay. Ngoài ra, còn bốn bức hoành phi gỗ, hai quả chuông đồng, quả chuông to có chiều cao 90cm, đường kính miệng 42cm, miệng loe khỏi thân 4cm. Cù lao chuông được làm kiểu hai con rồng dấu đuôi vào nhau gồng mình chịu lực nặng của quả chuông, thân chuông có đường gờ nổi chạy ngang dọc chia ra làm tám khoang, điểm cắt của đường gờ này được làm thành bốn núm đánh hình tròn nổi có đường diềm chấm tròn cánh hoa chạy quanh, hai câu đối gỗ nhiều đồ gỗ khác như bát hương, lộc bình, cây nến, mâm bồng, đài nước…

Từ khi xây dựng đến nay chùa Văn Quán vẫn ở nguyên chỗ cũ, qua các lần tu sửa chùa vẫn giữ được kiểu dáng với hạng mục kiến trúc ban đầu. Trong hai cuộc kháng chiến chùa được sử dụng vào công việc phục vụ cho chiến đấu và sản xuất. Chùa Văn Quán (Khánh Long Tự) ra đời nhằm phục vụ thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh cho người dân của làng Văn Quán. Mọi người cầu mong điều tốt lành cho sức khỏe con người, thuận hòa cho cây trồng vật nuôi, cầu mong cho xã hội bình đẳng, công bằng và các điều Đức, Thiện, Mĩ.

Hits: 995

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *