CHÙA TRẤN QUỐC

Trấn Quốc Tự có từ thế kỷ 6; lúc đầu ở gần sông Hồng; đến năm 1615 dời vào một bán đảo nhỏ của Hồ Tây nằm trên đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo sử sách, chùa vốn dựng ở gần bờ sông Hồng, thuộc đất bãi của làng Yên Hoa (tức Yên Phụ sau này). Ban đầu chùa mang tên rất có ý nghĩa thời sự là Khai Quốc (mở nước). Khi ấy Lý Nam Đế (541 – 547) mới giành được độc lập dân tộc và đặt quốc hiệu Vạn Xuân. Vua đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch, cách làng này chỉ một quãng đò dọc.

Theo Phật sử, tại ngôi chùa này từng có các vị cao tăng và danh nhân đến thụ giáo và tu trì như Văn Phong Pháp sư, Khuông Việt Thái sư, Ngô Chân Lưu, Thảo Đường, Thông Biện, Viên Học, Tịnh Không, Trần Tú Uyên và nhiều bậc chư tôn đức khác. Năm 580 Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi từ Ấn Độ đã qua đây tu rồi sau mới sang trụ trì ở chùa Pháp Vân.

Thời Lý, Thái Hậu Ỷ Lan thường mở tiệc Trai tăng và hỏi chư tăng về đạo Phật. Chùa Trấn Quốc về sau cũng từng là Tổ đình của Thiền phái Tào Động do vị Tịnh Trí Giác Khoan, một Thiền sư đời Hậu Lê truyền đến, hiện nay có các tòa tháp để lại.

Đầu thế kỷ 15, Lê Lợi tụ hợp hiền tài, phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, 10 năm sau đuổi được giặc Minh, chấm dứt cuộc Bắc thuộc lần thứ 2. Mong mỏi đất nước an bình lâu bền, cho nên đến năm 1440 vua Lê Thái Tông đổi tên chùa là An Quốc.

Năm 1615, dưới triều vua Lê Kính Tông, chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ của cung Thúy Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần). Năm 1639 chúa Trịnh cho sửa lại cổng tam quan và xây hành lang hai bên tả hữu. Khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa được đặt tên là Trấn Quốc.

Chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng trong thời Nguyễn sau lần đến thăm của vua Minh Mạng (1821). Năm 1842 vua Thiệu Trị trong cuộc tuần hành ra Bắc đã đến thăm chùa, cho tu sửa và đổi hiệu là Trấn Bắc. Mãi đến cuối thế kỷ 20 mới xây bờ kè và lát ngõ vào từ đường Cổ Ngư cũ, gần đây lại dựng một ngọn tháp cao và cổng tam quan mới.

Chùa Trấn Quốc bao gồm ba nếp nhà tiền đường, thiêu hương và thượng điện nối liền nhau theo hình chữ “công” (工), hai bên là hành lang tả vu và hữu vu. Phía sau thượng điện là gác chuông, nhà Tổ và nhà bia.

Bước qua tam quan, ta thấy rõ ngọn tháp cao 11 tầng màu nâu đỏ sừng sững vượt lên trên bức tường ngăn, trong mỗi tầng có 6 pho tượng trắng toát. Rẽ trái vào cửa ngách đầu tiên, du khách lần đầu đến thăm sẽ ngạc nhiên trước cả một vườn mộ cổ quy tụ xung quanh ngôi tháp lục giác, minh chứng cho lịch sử lâu đời của chùa Trấn Quốc.

Vườn tháp nằm liền với một sân gạch có hòn non bộ, hai bên là nhà bia và nhà Tổ, phía giữa chắn bởi mặt sau của toà nhà hai tầng với gác chuông bằng gỗ chạm ở trên. Trong nhà Tổ rộng 5 gian thì 3 gian chính dành để thờ các sư Tổ, còn 2 gian đầu hồi thờ Mẫu; trên các ban thờ có đặt nhiều pho tượng sinh động.

Đi thẳng con đường lát gạch từ tam quan men theo ven hồ, du khách sẽ đến sân tiền đường ở phía tây-nam. Trước sân có một cây bồ đề tán lá xum xuê, chiết từ gốc cổ thụ tại Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Đó chính là món quà tặng của Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.

Chùa Trấn Quốc được bao bọc bởi cây cối um tùm và Hồ Tây quanh năm xanh nước với những đợt sóng dâng cao bất ngờ. Mỗi khi trời trong, đỉnh Ba Vì xa xăm in bóng. Buổi sớm sương mờ hoặc chiều tà đỏ ối rồi đêm trăng vàng dịu… tất cả đều gợi lên thi hứng. Các danh sĩ như Nguyễn Huy Lượng, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Bà huyện Thanh Quan.. đã từng dạo quanh đây và để lại những tác phẩm tuyệt vời.

Hiện trong chùa còn 14 tấm bia đá, trong đó có bia của trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1587 – 1693) và tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760 – 1825). Các văn bia đã ghi lại nhiều tư liệu quý và mô tả đầy đủ những lần tu tạo chùa trong các năm 1624, 1628, 1639, 1815, 1821, 1842.

Dọc theo chính điện với nhiều tầng cửa võng chạm trổ tinh xảo có bài trí một hệ thống đầy đủ các tượng Phật và Bồ tát dát vàng, hai cửa vào thiêu hương đều có tượng Kim Cương đứng trấn. Gian bên trái tiền đường thờ tượng Quan Vũ, Châu Sương và gian bên phải thờ tượng Đức Ông cùng các thị giả.

Chùa Trấn Quốc nằm trên doi đất phía đông-bắc của Hồ Tây, thuộc đất làng Yên Phụ, nơi có ngôi đình với điện thờ thần Linh Lang. Vào dịp lễ hội mùa xuân hằng năm dân làng tổ chức đám rước từ đình sang chùa rồi từ chùa về làng bằng cả một đoàn thuyền nối nhau cờ reo trống thúc tưng bừng.

Trải qua bao cuộc bể dâu, Trấn Quốc vẫn là một trong những ngôi chùa thiêng liêng bậc nhất đối với Phật tử Việt Nam. Ngôi chùa cổ nhất của thủ đô Hà Nội đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngay từ đợt đầu (1962).

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/chua-tran-quoc.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua tran quoc.docx”]

Hits: 9993

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *