PHỐ TRẦN NHẬT DUẬT

Phố Trần Nhật Duật dài hơn 800m; từ phố Yên Phụ chui qua cầu Long Biên đi về hướng đông-nam đến đầu cầu Chương Dương và nối vào đường Trần Quang Khải. Phố ở địa phận hiện nay của 4 phường: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Phúc Tân và Lý Thái Tổ, đều thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm hơn 400m về hướng bắc.

Con phố dài Trần Nhật Duật trước đây dân gọi là phố Bờ Sông vì chạy dọc quãng đê sông Hồng từ bến Long Biên đến đầu phố Hàng Muối, đi qua đất bãi của mấy thôn Nguyên Khiết (Thượng và Hạ), Trừng Thanh (Trung và Hạ), Hương Bài, thuộc tổng Tả Túc (sau đổi thành tổng Phúc Lâm), huyện Thọ Xương cũ. Nhiều địa danh hiện vẫn lưu dấu như ở tên chùa Phúc Lâm, đình Hương Bài và đình Nguyên Khiết. Thôn Nguyên Khiết Thượng còn là quê hương của Nguyễn Đình Cáp, tác giả truyện thơ nôm “Quan Âm Thị Kính” từng bị coi là tác phẩm khuyết danh.

Nửa đầu phố từng gọi là phố Hàng Nâu, đi từ chỗ phố Hàng Đậu giáp Bến Nứa qua gầm cầu Long Biên và các phố Hàng Khoai, Cao Thắng tới phố Ô Quan Chưởng. Nửa cuối phố đi từ Chợ Gạo đến phố Trần Quang Khải, ngang qua nơi xưa kia gọi là bãi Cột Đồng Hồ, giáp các phố Hàng Chĩnh, Lương Ngọc Quyến, Hàng Muối và Nguyễn Hữu Huân bây giờ. Gần chỗ đó vào thời Lê có cửa ô Mỹ Lộc mở ra bãi sông và bến Cầu Cháy, nơi đỗ đò ngang qua dòng Nhị Hà.

Ngay sau khi quân Pháp chiếm được thành Hà Nội, chính quyền thực dân đã xây Tòa thương chính trên phố Bờ Sông để kiểm soát, đánh thuế các hàng hóa lưu thông thủy bộ qua cửa sông Tô Lịch (Chợ Gạo) và cửa ô Đông Hà (Ô Quan Chưởng). Sau đó cũng trên phố này, người Pháp gọi là Quai Clémenceau, đã mọc lên một công trình lớn khác mà dân đương thời quen gọi là trường Ke (phát âm chữ “Quai”, tiếng Pháp có nghĩa là “bến”), bây giờ là trường tiểu học Trần Nhật Duật ở số 4 phố Chợ Gạo.

Đầu thế kỷ 20, có tới 3 bến tàu thủy đã ra đời ngay cạnh bãi Cột Đồng Hồ: một của hãng Hoa kiều, một của hãng Pháp Sôva và một của hãng Việt thuộc ông Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932). Ông là một trong số những nhà tư sản đầu tiên có tinh thần dân tộc quật cường, khi mất được người đương thời tôn vinh là “vĩ nhân đất Bắc” và “anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”.

Sau năm 1932, khi sông Hồng đổi hẳn dòng về phía Gia Lâm thì các hãng phải dời tàu xuống bến Phà Đen. Vùng đất bồi ngoài phía bến cũ dần dần đông đúc dân cư, nay trở thành phường Phúc Tân; còn bãi Cột Đồng Hồ là một đầu mối giao thông đường bộ quan trọng của Hà Nội.

Trong những ngày đầu sau khi quân Pháp tái xâm lược, trường “Ke” và ngõ Phất Lộc là hai trong số các vị trí quan trọng và đầu mối liên lạc của Trung đoàn Thủ đô tại Liên khu I với Chính phủ kháng chiến ở bên ngoài. Giặc Pháp từ sông Hồng kéo lên đóng giữ trụ sở của hãng vận tải Sôva (cách trường “Ke” khoảng 300m qua bãi Cột Đồng Hồ) và hai bên đã đánh nhau rất dữ dội ở đây. Đến giữa thế kỷ 20 mới cho các bến xe hơi chở khách tiếp tục hoạt động và phố Bờ Sông trở lại tấp nập. Sau hòa bình, phố Bờ Sông chính thức mang tên Trần Nhật Duật.

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 – 1331) là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, từ trẻ đã giỏi cả văn lẫn võ, biết nhiều ngoại ngữ và tiếng các dân tộc thiểu số. Năm 25 tuổi làm An phủ sứ lộ Đà Giang, ông tự đến trại địch để thuyết phục tù trưởng Giác Mật đầu hàng. Tại kinh đô, ông thường cưỡi voi đến chùa Bà Già đàm đạo với sư trụ trì và tù binh Chàm.

Trong hai lần chống quân Nguyên xâm lược, Trần Nhật Duật đều chỉ huy một cánh đại quân. Năm 1285 ông trấn giữ Tuyên Quang, khi giặc từ Vân Nam tràn xuống, ông đã tổ chức thành công cuộc rút lui chiến lược về Thiên Trường (Nam Định cũ) để bảo toàn lực lượng. Lịch sử ghi nhớ công đầu của ông trong trận Hàm Tử Quan và chiến dịch giải phóng Thăng Long.

Năm 1288, Trần Nhật Duật đã chặn được đạo quân Nguyên theo sông Hồng xuống Việt Trì, tạo điều kiện cho Trần Hưng Đạo rảnh tay đánh bại Thoát Hoan. Trải 4 triều đại giúp vua trị nước ông từng giữ chức vụ Thái sư cao nhất. Dù mất đi còn để lại nhiều áng thơ và làn nhạc nổi tiếng. Tương truyền điệu múa “Con đĩ đánh bồng” cũng là do ông nghĩ ra cho lính giả gái vui đùa trong doanh trại.

Gần đây, chính quyền thành phố đã xây dựng cầu vượt qua phố Trần Nhật Duật cho người đi bộ. Trước đó nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, “con đường gốm sứ” bắt đầu từ chân Cột Đồng Hồ ở bên dãy số lẻ đã được khánh thành.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Tran-Nhat-Duat.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho tran nhat duat.docx”]

Hits: 1279

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *