PHỐ HÀNG ĐƯỜNG

Phố Hàng Đường dài 180m, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng bắc. Phố nối tiếp phố Đồng Xuân, chạy dọc theo hướng bắc-nam từ ngã tư Hàng Mã – Hàng Chiếu xuống ngã tư Hàng Buồm – Lãn Ông, ngang qua ngã tư Ngõ Gạch – Hàng Cá.

Đây nguyên là phần đất của thôn Vĩnh Thái (đoạn đầu phố) và thôn Đông Hoa Nội Tự (đoạn cuối phố), thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Trước kia sông Tô Lịch chạy qua khu vực này, có một cây cầu đá bắc ngang qua gọi là Cầu Đông, nay cầu đã mất nhưng vẫn còn để lại tên ở ngôi chùa Cầu Đông.

Thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội đã đặt tên phố này là “Rue du Sucre”, dịch đúng nghĩa đen “Phố Hàng Đường”. Năm 1945, chính quyền thành phố đổi lại tên cũ, được dùng cho đến ngày nay.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946, phố Hàng Đường thuộc khu trung tâm của Liên khu I. Chùa Cầu Đông là một trong hai trạm quân y của Liên khu. Các số nhà 7, 9, 11 lúc đó từng dùng làm trụ sở của Ban Chỉ huy tiểu đoàn 101 phụ trách khu Đồng Xuân, một trong 3 khu chưa bị chiếm của Liên khu này. Hàng năm nhân dân sở tại vẫn tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm liệt sĩ tại sân chùa Cầu Đông.

Xưa kia hàng hóa đặc trưng của phố này là các loại bánh kẹo làm từ mật, đường mía, đường phèn. Đường phèn từ Quảng Ngãi, đường mật mía từ các vùng qua tay các lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành bánh kẹo.

Trước những năm 1960, phố Hàng Đường vẫn là trung tâm buôn bán bánh kẹo lớn ở thành phố Hà Nội, nhất là vào các dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán. Về sau dãy phố này không còn chỉ chuyên bán bánh mứt kẹo như trước mà trở thành trung tâm buôn bán sầm uất của thủ đô với đủ loại mặt hàng, đặc biệt là quần áo và các món ô mai ngon có tiếng.

Hiện nay phố Hàng Đường chỉ cho xe cơ giới giao thông một chiều nam-bắc; lại được dành làm tuyến đi bộ và “Chợ đêm Đồng Xuân” vào buổi tối các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Đình Đức Môn ở số nhà 38, xây dựng khoảng thời Hậu Lê, thế kỷ 16-17. Đình thờ thần Ngô Văn Long, một tướng thời Hùng Vương thứ 18, có công lớn trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Kiến trúc Đình Đức Môn gồm 3 nếp nhà thông nhau xây theo kiểu đầu hồi bít đốc, tường bao kín bốn bề, phía trước trổ cửa nách thông từ chùa Đông Môn sang đình. Kiến trúc nghệ thuật đơn giản, bộ khung nhà thể hiện bằng các vì kèo tuật ở toà trung tế, tại đình và hậu cung. Khung mái cuốn vòm, kiểu vỏ cua.

Chùa Đông Môn tức chùa Cầu Đông: số 38B phố Hàng Đường, trong có thờ vợ chồng thái sư Trần Thủ Độ.

Đình Đức Môn và chùa Cầu Đông đã tạo thành một tổng thể di tích trên thửa đất liền khoảnh, theo lối “tả Thần – hữu Phật”. Ngoài ra trên phố từng có ngôi đình Vĩnh Hanh ở số 19B; xưa tầng dưới để buôn bán, bên trên để thờ, ngày nay không còn nữa.

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Duong.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang duong.docx”]

Hits: 1027

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *