PHỐ HÀNG ĐÀO

Phố Hàng Đào dài khoảng 260m, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ trăm bước. Xe cơ giới chỉ được chạy một chiều nam-bắc và lòng đường trở thành tuyến đi bộ vào buổi tối các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Đầu phố giáp các phố Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Bồ. Giữa phố có ngã ba thông sang phố Gia Ngư. Phía nam giáp với các phố Hàng Gai, Cầu Gỗ, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Tên phố hình thành từ rất lâu đời, liên quan đến phường nghề nhuộm vải lụa điều. Nghe nói trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long thì đã từng từng có phường Hàng Đào tại cố đô Hoa Lư vào thế kỷ 10. Trong tác phẩm Dư địa chí soạn vào đầu thế kỷ 15, Nguyễn Trãi cũng ghi nhận “Phường Hàng Đào nhuộm điều”.

Theo sử sách, phố Hàng Đào dưới thời Hậu Lê thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Phường Đại Lợi tập trung nhiều người dân gốc các làng Đan Loan, Bình Giang (Hải Dương), Đình Loan, Đông Cao (Bắc Ninh) chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời trước.

Đến thế kỷ 17, phố Hàng Đào đã rất sầm uất do buôn bán chủ yếu bằng tín nghĩa. Phiên chợ tơ ở đây đều đặn mở vào ngày mồng 1 và 6 âm lịch hàng tháng, hàng chất lượng cao sau này thường trao đổi với các làng gần hơn như Cự Đà, Vạn Phúc, Trúc Bạch, Trích Sài, Yên Thái… Tuy nhiên lòng đường vẫn hẹp và nhà cửa thò ra thụt vào mặt phố, hầu hết xây theo kiểu chồng diêm vừa thấp vừa nhỏ.

Phần lớn các cửa hiệu phố Hàng Đào từ thế kỷ 19 chủ yếu bán lẻ lụa, vải và do phụ nữ cai quản. Dần dần các cô gái giàu sang nơi đây nổi tiếng đồn là căn cơ, khéo léo trong nhà và cảnh vẻ, sắc sảo ở bên ngoài; thường được gả chồng vào gia đình thương nhân, quan lại, trí thức. Một trong số đó có gia đình cha con chí sĩ Lương Văn Can – Lương Ngọc Quyến cùng cụ bà và cô trưởng nữ đã tỏ rõ bản lĩnh và khí phách của tinh hoa dân tộc…

Phố Hàng Đào được xây trên con đê cũ đã bỏ đi sau khi sông Hồng đổi dòng, cho nên nền đất khá cao. Người Pháp gọi tên phố là Rue de la Soie (“phố Hàng Lụa”), từ đầu thế kỷ 20 họ lại đặt đường ray cho tàu điện bánh sắt chạy tuyến Bờ Hồ – Hàng Đậu qua đây, về sau còn kéo dài tới Chợ Bưởi và ô Yên Phụ.

Khoảng năm 1925, vải dệt công nghiệp thắng thế vải ta dệt thủ công. Quá nửa phố Hàng Đào phải cho thuê làm tiệm bán vải Tây, các mặt hàng truyền thống vắng hẳn. Rồi dần dần trên phố không còn bán vải nhuộm màu nữa, các chủ hiệu có nhiều vốn chuyển sang buôn các loại hàng sang trọng hơn.

Cuối thế kỷ 20 toàn bộ đường ray tàu điện Hà Nội bị bóc hết, nhường chỗ cho xe bus. Số lượng các cửa hiệu quần áo, vải lụa, đồ vàng bạc, thủ công mỹ nghệ ngày càng đông đúc. Ngoài việc buôn bán mặt hàng cao cấp và vật dụng xa xỉ, các hộ dân phố còn mở nhiều khách sạn cho khách du lịch. Hiện nay lòng đường Hàng Đào trở thành một chiều cho các phương tiện giao thông cơ giới.

Trải qua bao thế kỷ, Hàng Đào vẫn được coi như một trong những phố buôn bán tấp nập bậc nhất và mong ước của thương nhân Hà Nội. Tấc đất ở đây là tấc vàng cho nên có rất ít bóng cây to.

Từ năm 2006 UBND TP Hà Nội đã thành lập tuyến phố đi bộ “Chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân” vào tối các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật. Chợ đêm bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và một số đặc sản địa phương và tuyến phố đi bộ đã tạo nên một nét văn hóa mới của thủ đô.

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Dao.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang dao.docx”]

Hits: 1867

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *