PHỐ HÀNG DA

Phố Hàng Da dài 240m, đi từ chợ Hàng Da đến ngã tư Hàng Bông – Quán Sứ, nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 500m.

Những người từ xa đến đây thường không dễ tìm được những ngôi nhà mang số nhỏ của phố Hàng Da. Đó là vì một điều đặc biệt có lẽ duy nhất chỉ tồn tại ở Hà Nội: nhánh số lẻ bắt đầu từ chỗ đối diện rạp Hồng Hà phía phố Đường Thành, còn nhánh số chẵn thì lại bắt đầu từ ngã ba phố Hà Trung –  Ngõ Trạm, tạo thành hình chữ T ở dưới chợ Hàng Da và quảng trường. Hiện nay ở đó thường bán hoa quả, rượu ngoại và bánh ngọt.

Thời Nguyễn, phố thuộc đất thôn Yên Nội, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương. Dân làng gọi đây là phố Thày Bói vì ở trước cửa đền Tam Thánh tức đình Vũ Du có nhiều ông bà thày bói đến bắc chõng ngồi chờ xem cho khách đi lễ. Cuối thế kỷ 19, lái buôn bắt đầu mua da trâu, bò mang về khu vực phố Yên Thái và ngõ Tạm Thương bên cạnh để chế biến thành da khô rồi bán ngay ở cái bãi rộng đối diện, nơi có vài cái lều dựng theo kiểu chợ làng.

Đầu thế kỷ 20, người Pháp sắp đặt lại thành phố, đặt tên là Rue des Cuirs, dịch đúng nghĩa tiếng Việt. Nhưng hồi ấy phố Hàng Da không có những cửa hàng sản xuất và bán đồ da như phố Hàng Điếu hoặc Hà Trung. Trong thực tế chỉ có mấy Hoa kiều làm chủ những xưởng thuộc da ở ngoại thành đến xây những kho chứa nguyên liệu gồm da tự thuộc hoặc buôn của Nhà máy Thuộc da Thuỵ Khuê, hoặc nhập khẩu. Những người mua da nguyên liệu từ đây về làm hàng là thợ thủ công ở các phố khác.

Đến năm 1937 mới xây chợ Hàng Da (cũ), bên trong cũng không bán đồ da mà chủ yếu bán thực phẩm và tạp hóa. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính quyền Bảo Đại – Trần Trọng Kim tuyên bố độc lập và xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng với Pháp, từ đấy chợ và phố được chính thức mang tên Hàng Da. Cuối năm 1946, chiến sự nổ ra ác liệt đã phá tan gần hết phố cũ vì đây là vùng giáp ranh giữa hai bên Việt-Pháp. Nhà cửa chủ yếu được xây lại trong thời kỳ tạm chiếm 1947-1954.

Từ ngày giải phóng thủ đô, kinh tế dần dần phục hồi, phố và chợ lại trở nên tấp nập nhưng đến thời kháng chiến chống Mỹ và 15 năm sau đó, cuộc sống của người dân trở nên vô cùng khó khăn. Cuối thế kỷ 20, mặt hàng giả da rẻ tiền tràn ngập con phố này. Xuất hiện nhiều cửa hàng vừa kinh doanh vừa sản xuất các mặt hàng giả da như túi xách, đệm ghế, đệm lót, vali, v.v… Một mặt hàng bình dân khác cũng bán rất chạy ở đây là các sản phẩm chế từ lốp ôtô, có ngày thu mua đến 2000 chiếc lốp hỏng.

Bước sang thiên niên kỷ mới, chợ Hàng Da xây lại theo kiểu trung tâm thương mại cao tầng nhưng bất tiện cho những người có ít thời gian hoặc không muốn bỏ thói quen mua bán trên mặt đất. Nhà máy Thuộc da Thuỵ Khuê cũng đã biến thành một khu cao ốc. Giờ đây ở phố Hàng Da chỉ còn rất ít cửa hàng bán vải giả da hoặc dây cao-su, gầu nước và dép lốp; phần lớn người dân đã chuyển sang kinh doanh những thứ có giá trị như đồ điện, quần áo thời trang và giày da, mũ nón, túi xách sang trọng, v.v..

Ngày 9-6-1946 mô hình nước Việt Nam thống nhất được dựng ở dưới chân dung Hồ Chủ tịch treo bên cạnh biểu tượng của hãng sơn Gecko (Tắc kè) trên phố Hàng Da. Ngày nay, ngoài đình Vũ Du vẫn còn dấu vết ở số 40, du khách yêu thích lịch sử nên lưu ý mấy ngôi nhà khác. Nhà số 5 từng là tư gia của Phạm Quỳnh (1892-1945), chủ bút báo Nam Phong. Nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) tác giả “Miếng ngon Hà Nội”, “Thương nhớ mười hai” từng sống với vợ ở số 11. Những năm 1936-1940, cửa hàng may Lemur của hoạ sĩ Cát Tường (1911-1946) ở số 14 từng nổi tiếng với chiếc áo dài Hà Nội đã gây nên một phong trào cải cách y phục trong giới trẻ Việt Nam hồi ấy.

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Da.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho hang da.docx”]

Hits: 430

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *