PHỐ ĐỒNG XUÂN

Chợ Đồng Xuân có cửa chính mở ra phố Đồng Xuân, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng bắc. Liền với ngôi chợ nội thành lớn nhất này là chợ Bắc Qua ở phía phố Nguyễn Thiện Thuật.

Chợ Đồng Xuân – Bắc Qua ngày nay với diện tích hơn 14.000 m2 và trên 2000 hộ kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, là trung tâm bán buôn hàng hoá lớn nhất khu vực phía Bắc. Đây cũng là một điểm du lịch kỳ thú với kiến trúc mái vòm đặc trưng, nhìn rất đẹp từ phía mặt phố Đồng Xuân (phố này xưa kia còn có tên là Hàng Gạo).

Khu phía đông-bắc là chợ Bắc Qua, khu phía tây-nam là chợ Đồng Xuân. Thực ra toàn bộ khu chợ chỉ là một siêu thị lớn, nhưng do phía đông-bắc chợ là nơi buôn bán chủ yếu những mặt hàng thực phẩm, rau quả nông sản của vùng bắc Sông Hồng mang qua, vì thế có tên là chợ Bắc Qua.

Quãng cuối phố Đồng Xuân từng nổi tiếng vì có chợ Cầu Đông và cây cầu đá cùng tên. Cầu này bắc qua khúc sông Tô Lịch ở phía đông của Long thành xưa, dấu tích nay chỉ còn ở tên ngôi chùa và tên phố Cầu Đông.

Chợ Cầu Đông ban đầu chỉ là các nhà tạm để che mưa nắng. Giữa năm 1889 thực dân Pháp cho san lấp các hồ ao và khúc sông Tô Lịch từ cửa sông Nhị Hà trở vào đến chân tường thành Hà Nội, tạo nên một bãi đất rộng hàng chục hecta. Quanh đất này có sẵn các phố cũ đông đúc dân cư với chùa Hòe Nhai, quán Huyền Thiên ở phía bắc và chùa Cầu Đông, đền Bạch Mã ở phía nam.

Bãi đất nói trên lại ở gần bến sông Hồng nên trở thành địa điểm lý tưởng cho việc xây dựng một khu đô thị kiểu mới với chợ búa tập trung. Chợ Đồng Xuân được xây ở ngay phía đông-nam ngôi đình làng Đồng Xuân. Một công ty của Pháp  – nhà thầu Poinsard Veyret –  cung cấp phần khung thép và mái, còn một nhà thầu khác đảm nhận thi công. Chợ lúc đầu được thiết kế đơn giản với các bộ khung bằng sắt, lợp tôn mái chảy, diện tích khoảng 6500 m2. Toàn bộ chợ gồm 5 dãy nhà và được phân theo các vòm cuốn ở mặt tiền, bên trong phân cách bởi đường đi giữa các vòm (mỗi vòm dài 52m, khung thép cao 19m, rộng 25m).

Do hội tụ được đủ các yếu tố thuận lợi về giao thông và dân cư, Đồng Xuân sớm xứng danh là nơi “trên bến dưới thuyền”. Đặc biệt từ khi người Pháp xây dựng xong cầu Long Biên thì chợ Đồng Xuân trở thành tụ điểm buôn bán sầm uất không chỉ nổi tiếng nhất Hà Nội mà nổi tiếng cả Bắc kỳ, nó nhanh chóng thu hút được sự chú ý của giới thương nhân nước ngoài, nhất là từ Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ… thường xuyên qua lại buôn bán. Cùng với việc duy trì các phố buôn bán và sản xuất hàng thủ công truyền thống như Hàng Chiếu, Hàng Giấy, Hàng Đậu… Đồng Xuân cũng là nơi đặt văn phòng thương mại của nhiều công ty. Do giàu nguồn hàng, cho nên Đồng Xuân không những là đầu mối phân phối, buôn bán hàng hoá mà còn là trung tâm chỉ đạo các hoạt động kinh tế của thành phố Hà Nội và chi phối cả Bắc kỳ.

Trước kia hai chợ cũ vẫn thường họp ở cạnh đền Bạch Mã và bến Cầu Đông, sau được dời về khu đất trước cửa Chùa quán Huyền Thiên (chợ Huyền Thiên), tại đây cũng có sẵn một chợ nhỏ, sau khi chợ chính xây dựng xong thì tất cả chuyển về đấy, tức khu vực chợ Đồng Xuân hiện nay. Hoạt động buôn bán khá phong phú về các mặt hàng. Dường như mỗi phố đều bày bán những sản phẩm riêng từ nông phẩm cho đến đổ thủ công mỹ nghệ. Chợ họp trong tất cả các phố buôn bán: phố Hàng Đồng, phố Hàng Chiếu, phố Bát Sứ, phố Thuốc Bắc, chiếm một khoảng dài đến 2km. Phố Hàng Giấy là nơi tiêu thụ sản phẩm giấy của các phường thủ công ven đô như Bưởi, Trích Sài… sản phẩm nông nghiệp như gạo, ngô, khoai, sắn… của nông dân ngoại thành được tập trung mua bán chủ yếu ở phố Hàng Khoai, Hàng Đậu.

Sau khi chợ Đồng Xuân được xây dựng thì hầu hết hàng hoá được đem vào bán trong chợ. Tuy vậy các phố xung quanh vẫn diễn ra các hoạt động buôn bán của các cửa hiệu gia đình. Do điều kiện giao thông thủy, bộ đều thuận lợi nên các nhà buôn ở Thanh-Nghệ kéo ra, thuyền bè trên miền ngược theo Sông Hồng xuôi xuống và dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đổ về mang theo đủ loại hàng hoá làm cho không khí buôn bán ở Đồng Xuân ngày càng thêm tấp nập.

Năm 1946, cảnh chợ búa phồn vinh đã tạm bị đứt quãng bởi tiếng súng xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân bao gồm những người “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã chiến đấu dũng mãnh trong lòng Hà Nội suốt “60 ngày đêm khói lửa”. Trận đánh ngày 14-2-1947 là bản anh hùng ca đầu tiên đã ghi vào lịch sử Hà Nội một dấu son mới và về sau được dựng tượng đài kỷ niệm tại chỗ trên phố Đồng Xuân.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Dong-Xuạn.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho dong xuan.docx”]

Hits: 533

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *