PHỐ CỬA ĐÔNG

Phố Cửa Đông nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng tây-bắc. Chiều dài từ ngã phố Hàng Phèn – Hàng Gà – Nhà Hỏa đến phố Lý Nam Đế là 230m. Đoạn giữa cắt ngang phố Phùng Hưng và chui dưới cầu đường sắt.

Phố Cửa Đông ở trên đất của các thôn Tân Lập, Tân Khai của tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Xưa kia cửa Chính Đông Môn ở vào khoảng vị trí mà thời Lý – Trần gọi là cửa Tường Phù, nơi ngăn cách Cấm thành với trung tâm buôn bán của thường dân bao gồm chợ Cầu Đông và khu vực bờ phía nam sông Tô Lịch (về sau bị Pháp lấp một đoạn khá dài từ Cống chéo Hàng Lược đến phố Chợ Gạo).

Quan quân triều đình nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 19 có làm một con đường trong thành nội đi từ bên trái cửa Đoan Môn (tức ngũ môn quan hiện nay vẫn còn) đến cửa Chính Đông Môn, qua dương mã thành và cây cầu bắc trên hào nước cắm chông. Từ đầu cầu này, con đường rẽ quặt về hướng đông-nam một quãng rồi mới toả đi các phố của khu thường dân thuộc phường Cửa Đông bây giờ.

Sau khi quân Pháp chiếm Hà Nội thì Chính Đông Môn vẫn chưa bị phá ngay. Trong một bưu ảnh đề năm 1885 ta thấy dấu tích cổng thành này ở góc trên bên phải và cây cầu bắc qua hào ra ngoài thành.

Trong quá trình phá thành Hà Nội 1894 – 1897, quân Pháp xây một chiếc cổng sắt cho doanh trại Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9 ở ngay chỗ từng tọa lạc dương mã thành, dân ta gọi đó là Cổng Tỉnh. Trên một bưu ảnh cũ ta thấy bên ngoài cổng có hàng dãy xe kéo và xích lô đang chờ đợi các sĩ quan.

Ở vị trí con đường nối thẳng giữa doanh trại quân Pháp và những phố cũ nhỏ hẹp trong khu dân cư buôn bán, ngay từ cuối thế kỷ 19 phố Cửa Đông đã được xây dựng rộng rãi với mặt đường trải đá, vỉa hè lát gạch và trồng cây xanh, có đầy đủ cống rãnh thoát nước và đèn đường. Quân Pháp lúc đầu còn cho phép dân ta mở ki-ốt bán hàng phục vụ họ ngay trong doanh trại.

Thời Pháp thuộc, phố này gọi là Avenue Général Bichot (“đại lộ tướng Bichot”). Hồi đó, đại lộ chia làm hai đoạn bao gồm những kiểu nhà khác hẳn nhau. Đoạn đầu từ phố Hàng Gà đến cầu xe lửa có dãy số chẵn ở phía bắc với nhiều biệt thự to và vườn đẹp bên trong hàng rào; dãy số lẻ ở phía nam là những ngôi nhà hai tầng ăn ra đến sát hè phố.

Đoạn từ cầu chui đến phố Lý Nam Đế toàn là những căn nhà hai tầng gồm một hoặc hai gian quay ra mặt đường, hầu hết mở cửa hàng phục vụ cho binh sĩ trong thành. Đây còn là nơi xuất phát cho những đám rước đèn của lính Pháp vào tối thứ bảy. Sau cuộc đảo chính của quân Nhật vào đầu năm 1945, tên phố được đặt chính thức là Cửa Đông.

Phố Cửa Đông đi qua những địa danh của thành Hà Nội vang bóng một thời. Chính Đông Môn và cây cầu bắc qua hào nước dẫn vào cửa đông thành cũ vẫn còn dấu tích trong những tấm hình chụp từ giữa thập niên 1980 và được in trên bưu ảnh lưu hành đến đầu thế kỷ 20. Trên một bưu ảnh, ta thấy Chính Đông Môn bị phá mất phần tháp trên và cả những tòa nhà lớn của quân Pháp mới xây hồi ấy ở phía sau.

Các bưu ảnh khác cho thấy quân Pháp vào cuối thập niên 1890 đã phá hết khu phía đông thành nội để làm doanh trại, binh xưởng. Ngày nay khu này đã bị thay bằng đại bản doanh Bộ Quốc phòng được xây lại từ khoảng đầu thế kỷ 21. Dấu tích từ thời Pháp thuộc cũng chỉ còn rất ít ở bên ngoài, như cây cầu xe lửa và một số tòa nhà gần đầu phố, trong đó có số nhà 20 từng là ga-ra ô-tô làm cơ sở tài chính kiêm giao thông của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc kỳ trong những năm 1928 – 1929. Tên Cổng Tỉnh thì được lưu trong một tập thơ của Trần Dần.

Trên bản đồ Google, có vẻ như phố Cửa Đông kết thúc ở đường Nguyễn Tri Phương. Phần cuối này dài khoảng 400m, thực ra đang nằm trong khu vực quân sự. Cho nên người dân Hà Nội chỉ biết rõ đoạn phía đông (từ Lý Nam Đế đến phố Hàng Gà) có địa thế thấp hơn, gặp ngày mưa to cũng có thể bị ngập nữa

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Cua-Dong.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: pho cua dong.docx”]

Hits: 2002

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *