ĐÌNH PHÚ DIỄN

Đình Phú Diễn là ngôi đình cổ của làng Chành nằm ở hữu ngạn sông Nhuệ, trên đất thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hai vị thần hoàng được thờ tại đây gồm vua Lê Đại Hành và một bộ tướng người Phú Diễn là (Hoàng) Trần Thông. Vua Lê Đại Hành cũng được thờ ở mấy đình làng khác đều thuộc vùng này.

Tương truyền năm 989, sau khi đất nước thanh bình, Lê Đại Hành bèn vi hành để úy lạo, khen thưởng dân chúng và thăm thú đất nước. Nhân đi qua đất làng Chành thấy cảnh đẹp bên sông Nhuệ, vua liền dừng kiệu, rồi vào Rừng Mơ bên cạnh nghỉ chân. Dân làng vì thế đã lập đền thờ vua tại Rừng Mơ. Lúc đầu chỉ là nhà tranh, sau mới xây thành đình.

Trải qua nhiều thế kỷ với 5 lần trùng tu lớn nhờ sự đóng góp công sức của dân làng, ngày nay ngôi đình Phú Diễn đã được tôn tạo khang trang. Cổng đình làm theo kiểu nghi môn quay về hướng đông, dưới chân trụ biểu bên trong là đôi sấu đá nhìn nhau. Do mở rộng con đường ven sông nên nghi môn phải dời vào sát đình và xây bịt bằng một bức bình phong đắp cuốn thư, bên ngoài lại đặt thêm đôi ngựa đá đứng đối diện.

Tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ, kết nối với 2 gian hậu cung xây dọc thành hình chuôi vồ. Cửa cung cấm được chạm trổ các đề tài tứ linh, tứ quý khá công phu, bên trong cung đặt 2 long ngai và hương án. Trên bề mặt các vì nhà, con giường và đầu xà thường có chạm các hình hoa lá, vân mây… Các đầu bẩy hiên được chạm hình đầu rồng, mũi nở, mắt lồi, râu tóc bay về sau như những đao nhọn, thân rồng có vẩy cá đặc trưng cho lối điêu khắc thời Nguyễn.

Bên hữu là lối vào đình bây giờ, qua 2 gốc muỗm to trước sân rộng và nhà Văn hóa thôn. Bên tả đình là một đàn lộ thiên thờ Thần Nông, xa hơn chút nữa dựng 3 tấm bia đá. Một bia có khắc việc cậu hậu thần bỏ tiền tu sửa lại đình vào năm Gia Long thứ 6 (1807). Ngoài 6 con thú tạc bằng đá còn có hoành phi, câu đối và đôi hạc, bộ kiệu, hương án, long ngai, bát bửu, bát hương được tạo tác bằng gỗ vào thế kỷ 18-19.

Trong đình hiện vẫn lưu cuốn ngọc phả đề “Phú Diễn Lê đế phả lục” được soạn thảo năm 1572 bởi tiến sĩ Nguyễn Bính, Hàn lâm Đông các Đại học sĩ, và sao lại năm 1710, trong có ghi chép kỹ về sự nghiệp của vua Lê Đại Hành. Ngoài ra còn có 10 đạo sắc phong mang các niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn. Ngôi đình đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo quyết định số 490/QĐ ngày 22 tháng 4 năm 1992.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Đình-Phú-Diễn.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh phu dien.docx”]

Hits: 911

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *