ĐỀN PHẠM TU

Đền Phạm Tu còn gọi là đình Ngoại, khác với đình Nội là nơi thờ danh nhân Chu Văn An. Cả hai đều ở gần sông Tô Lịch (đoạn chảy qua gầm đường vành đai 3 về hướng tòa tháp chùa Bằng Liệt). Nơi sinh ra Phạm Tu cũng bên cạnh đó, xưa là thôn Văn Trì, làng Quang Liệt, nay gọi là thôn Văn, xã Thanh Liệt. Du khách men theo đường Kim Giang, đến thôn Trung, xã Thanh Liệt thì rẽ về hướng Tây đi tiếp khoảng 1km sẽ thấy ngôi đền ven hồ.

Đền được lập ra để thờ Phạm Tu (476-545), một khai quốc công thần triều Tiền Lý. Trong khi chống cự đoàn quân nhà Lương do Trần Bá Tiên dẫn đầu tấn công nước Vạn Xuân non trẻ, ngài đã hy sinh ở tuổi 70 tại thành lũy chỗ cửa sông Tô Lịch cũ, gần phố Chợ Gạo của Hà Nội bây giờ. Không rõ vì sao mà về sau ngài lại có tên thụy Đô Hồ Đại vương (Đại vương coi hồ).

“Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết Phạm Tu tham gia giải phóng đất nước cùng Lý Bí ngay từ đầu (dù khi ấy ông đã 67 tuổi). Trong khi huyền thoại Phạm Tu khá phong phú thì chính sử viết về ông lại không nhiều. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Vua [Lý Bí] bấy giờ làm chức giám quân ở châu Cửu Đức, nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Niên phục tài đức của vua, bèn dẫn đầu đem quân theo”.

Có thuyết nói Phạm Tu chính là Lý Phục Man, một tướng tài khác cũng có mặt từ buổi đầu khởi nghĩa. Tại đình Quán Giá của thôn Cổ Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội) hàng năm nhân dân vẫn mở hội để kỷ niệm sự kiện đó. Lễ “nghiềm quân” trong hội Giá cho thấy Lý Phục Man đã dẫn dắt và gắn kết được đông đảo dân làng đi theo Lý Bí đánh đuổi thứ sử Tiêu Tư và bọn quan lại khác chạy về Trung Hoa.

Khi lên ngôi Lý Nam Đế xếp Phạm Tu đứng đầu Ban Võ của nước Vạn Xuân và đánh giá rất cao. “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi tiếp như sau: “Mùa hạ, tháng 4 năm Quý Hợi (543) vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng Phạm Tu đánh tan giặc ở quận Cửu Đức”.

Đền Phạm Tu nằm trên gò cao bên hồ Thanh Liệt, tương truyền do thầy địa lý Tả Ao lựa chọn địa thế vào năm 1690. Đền quay mặt về hướng nam, nhìn ra một ao nhỏ hình bán nguyệt có tường bao và bức bình phong che chắn. Khuôn viên đền khá rộng, xung quanh cây cối um tùm. Kiến trúc bao gồm hai phần riêng biệt là đình và thọ đàn. Tam quan xây kiểu trụ biểu với hai cổng phụ. Sân rất rộng, hai bên có nhà tả hữu vu cũng 5 gian, cạnh đó là hai phương đình nhỏ để treo khánh và đặt bia.

Đình Ngoại gồm tòa tiền đường kết nối với hậu cung thành hình “chữ Công”. Đại đình 5 gian to, cửa bức bàn nhìn thẳng qua sân và cổng ra hồ nước. Bên trong có kèo quá giang, các bức cốn được trang trí hoa văn hình rồng và mây. Hậu cung gồm 3 gian, vì làm kiểu “chồng giường giá chiêng”. Trong hậu cung đặt các khám thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng; nơi đây có bức tranh vẽ Phạm Tu và tả hữu cùng các nàng hầu.

Các triều đại về sau đã từng ban 13 đạo sắc phong thành hoàng đình Ngoại là Thượng Đẳng Phúc Thần, Đô Hồ Đại Thần, Đô Hồ Đại Vương. Trong đó cổ nhất là đạo sắc Cảnh Hưng nguyên niên (1740) và gần nhất là của vua Khải Định nhà Nguyễn (1916-1925). Hiện nay trong đền vẫn lưu giữ được các cổ vật quý như: 2 bức y môn trang trí hình tứ linh tứ quý, 3 hoành phi, 7 tranh thờ, 2 lộc bình sứ từ đời nhà Thanh, 1 long án, 1 long ngai, 1 bài vị, 7 sắc phong, 1 cuốn ngọc phả, 4 đôi câu đối, 1 đôi hạc gỗ và 1 tấm bia đá đề “Thọ đàn bi ký”. Những thứ mới cung tiến thì rất nhiều.

Hàng năm tại đền này nhân dân vẫn tổ chức cúng tế vào hai dịp lễ chính: 10-3 âm lịch (ngày sinh của Phạm Tu) và 20-7 âm lịch (ngày hóa). Trong hội làng có lễ rước kiệu linh đình và những trò chơi truyền thống dân gian. Năm 1989 đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc quốc gia.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Đền-Phạm-Tu.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: den pham tu.docx”]

Hits: 3958

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *