CHÙA CHÂN TIÊN

Chùa Chân Tiên tên chữ Phúc Lâm Tự, tương truyền được lập vào khoảng thế kỷ 12, địa chỉ ở số 151 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Chùa Chân Tiên quay mặt về hướng tây, tam quan cùng hai cổng phụ đều mở ra phố Bà Triệu. Mặt bằng xây dựng chùa được làm theo kiểu mẫu “nội Công ngoại Quốc”. Sau tam quan với gác chuông là sân trước, bên phải có vườn tháp mộ, bên trái có nhà tưởng niệm liệt sỹ. Tiền đường rộng 5 gian cửa bức bàn, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Chùa có các điện thờ Tam bảo, thờ Quan Âm, thờ Tổ và thờ Mẫu. Hai bên tiền đường có cửa ngách thông với hai hành lang vào dãy nhà thờ và hậu cung ở quanh sân sau.

Theo truyền thuyết, chùa vốn được dựng vào đời vua Lý Thánh Tông (thế kỷ 12). Ngoài ra còn có một giả thiết lịch sử về sự liên quan của di tích chùa này đến hội thề Đông Quan năm 1427 giữa vua Lê Lợi và hàng tướng Vương Thông, tư lệnh chỉ huy quân xâm lược nhà Minh.

Ban đầu chùa có tên là Báo Thiên, toạ lạc trên một mảnh đất giữa hai thôn Tiên Thị (chợ Tiên) và Chân Sơn Minh Cầm (tức Chân Cầm), thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên của Thăng Long (vị trí khu vực Nhà Thờ Lớn hiện nay).

Đến thế kỷ 18 chùa Báo Thiên bị di rời tới thôn An Phụ tức Phụ Khánh, tổng Tiền Nghiêm (khoảng phố Thợ Nhuộm – Lý Thường Kiệt ngày nay). Vào thời chúa Trịnh, chùa là nơi thờ Tống Thiên Thần vương, một người đã giúp Trịnh Liễu đặt quý địa. Theo báo Hà Nội Mới thì chùa được đổi tên là Chân Tiên nhằm ghi nhớ nguồn gốc từ hai thôn Tiên Thị và Chân Cầm.

Cuối thế kỷ 19, khi lấy đất xây Toà án và trại giam Hỏa Lò, thực dân Pháp đã chuyển chùa Chân Tiên và đình Phụ Khánh về phía nam đến đất làng Thể Giao (tức Thái Giao) cũng thuộc tổng Tiền Nghiêm cũ. Thành phố Hà Nội dần dần mở rộng, phố Bà Triệu được kéo dài về phía nam và chạy qua đây. Đình và chùa cố định ở đó cho đến nay.

Chùa vẫn giữ được một số mảng chạm khắc trên kiến trúc, tượng, di vật, đồ thờ tự, đồ tự khí, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18, 19. Hiện có 40 pho tượng tròn được tạo tác từ cuối thời Lê đến đầu thế kỉ 20. Ngoài ra cũng còn lại một số đồ quý khác như một bộ ván in gồm 237 bản khắc kinh lăng gia tâm ấn và một quả chuông đồng đúc vào thời Mạc.

Trong chùa Chân Tiên có một đôi câu đối tương truyền do chính vua ban, trong đó nêu tên cả đình lẫn chùa:

“Chân Phật xuất linh quang pháp giá tùy lâm giai lạc cảnh

Tiên nhân tằng phụ khánh gia danh triệu tích tự hoàng ân”

Ngày 2-3-1990, chùa Chân Tiên và đình Phụ Khánh (cùng trong một cụm di tích tại 151 phố Bà Triệu) đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử nghệ thuật quốc gia. Chùa đã được trùng tu, xây lại nhiều lần. Trụ trì hiện nay là ni sư Thích Đàm Luận.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Chùa-Chân-Tiên.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua chan tien.docx”]

Hits: 906

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *