CHÙA XUÂN ĐỖ HẠ

Chùa Xuân Đỗ Hạ tên chữ là “Sùng Phúc tự” (chùa Sùng Phúc) thuộc tổ 12 (Xuân Đỗ Hạ), phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội. Phường Cự Khối, phía bắc giáp phường Long Biên, phía đông và đông – bắc giáp xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, phía nam là sông Hồng, bờ bên kia là xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì.

Từ năm 1945 trở về trước, Xuân Đỗ Hạ thuộc tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961 thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Năm 2003 thuộc quận Long Biên, nội thành Hà Nội. Làng Xuân Đỗ có tên nôm là Đậu Hạ, tên chữ là Hoa Động và tên gọi cổ là Xuân Đỗ Trung vốn là đất bãi của sông Hồng, khoảng thế kỷ XV, XVI gọi là bãi Xuân Đỗ.

Bãi Xuân Đỗ từng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử nước nhà. Vào năm 1523, nhà Lê đã tổ chức khoa thi Tiến sĩ tại nơi đây. Vua Lê Chiêu Tông (1516 – 1522) và Hoàng Đệ Xuân (1522 – 1527) đã xây dựng Hành cung, lập triều chính trên địa phận của làng để tránh sự kiếm soát, lấn át của Vương thần Mạc Đăng Dung.

Làng cổ Xuân Đỗ có lịch sử tồn tại và phát triển từ rất lâu đời. Theo Thần tích của làng được ghi là do Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) thì ngay từ đầu Công nguyên – Xuân Đỗ là một trang ấp trù phú. Những dấu tích vàng. son của thời quá khứ hiện còn lưu lại đậm nét trong hồi ức của nhân dân Xuân Đỗ và các di tích lịch sử văn hóa của làng, đó là chùa Sùng Phúc – một di tích tôn giáo thờ phật và ngôi đình cổ thờ vị nữ Thần là Lâu Ly Nương và tướng Khoả Ba Sơn có công giúp hai Bà Trưng dẹp giặc Hán, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Cũng như nhiều ngôi chùa cổ ở Việt Nam, chùa Xuân Đỗ Hạ có chức năng chính là thờ Phật, bên cạnh đó chùa còn thờ các vị sư Tổ, Thánh Mẫu và phụ thờ Đức Thánh Trần. Chùa Xuân Đỗ Hạ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của một cộng đồng dân cư, nơi bảo lưu những truyền thống văn hóa lâu đời, nơi giáo dục, nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết và điều chỉnh hành vi đạo đức cho các thành viên trong cộng đồng dân cư.

Theo bài văn bia dựng năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) cho biết, ngôi chùa có tiền thân là một am thờ Tổ, sau do nhu cầu tín ngưỡng được mở rộng thành chùa thờ Phật, có quy mô bề thế như hiện nay. Bài văn khắc trên chuông đồng treo ở gian bên phải nhà Tiền đường đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1793) có ghi: “Chùa Sùng Phúc ở thôn Hoa Động, xã Xuân Đỗ, huyện Gia Lâm, từ xưa vẫn có một quả chuông lớn nhưng bị hỏng, nay toàn dân cùng đóng góp tiền của đúc lại chuông”. Từ 2 nguồn tư liệu nêu trên có thể đoán định niên đại xây dựng ngôi chùa khoảng thời hậu Lê, đến thời Tây Sơn được tu sửa lại.

Trải qua một thời gian dài tồn tại và qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, chùa Xuân Đỗ Hạ cũng thay đổi theo năm tháng và ngôi chùa hiện nay là sản phẩm mang nhiều dấu ấn của những lần trùng tu vào thời Nguyễn. Trong những năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Xuân Đỗ Hạ không những là nơi thờ Phật mà còn là một cơ sở cách mạng trong vùng. Sư ông Bích trông nom chùa lúc đó là một liên lạc viên giữa huyện và xã, đã đứng ra vận động sư các chùa gây dựng cơ sở cách mạng, bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ về địa phương hoạt động diệt tề, trừ gian, giữ vững cơ sở.

Chùa Xuân Đỗ Hạ tọa lạc trên một khu đất cao, rộng thoáng giữa khu vực trung tâm của làng. Tổng thể công trình kiến trúc của chùa được bố cục hài hòa trong một không gian rộng. Những nếp nhà cổ được xây dựng ngang dọc kế tiếp nhau gồm: toà Tam bảo kết cấu kiểu chữ đinh, Nhà thờ Tổ, Điện thờ Mẫu, Trai phòng và vườn tháp mộ sư. Trước đây, chùa có một Tam quan làm kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, nhưng do chiến tranh mà công trình kiến trúc này bị tàn phá, đến nay vẫn chưa phục dựng lại được. Từ ngoài đi vào là một hồ nước nhỏ thả sen rồi tới sân lát gạch và toà Tam bảo. Chùa chính quay hướng đông, gồm Tiền đường và Thượng điện.

Nhà Tiền đường 5 gian chạy ngang, xây kiểu tường hồi bít dốc tay ngai trên nền cao hơn mặt sân 50cm, mái lợp ngói mũi hài cổ, 2 đốc mái xây 2 trụ diêm, cuối bờ dải xây tay ngai, phần dưới tay ngai là 2 trụ biểu, kiểu trụ lồng đèn. Thân trụ tạo gờ nổi đóng khung hình chữ nhật bên trong đắp nổi câu đối chữ Hán, đỉnh trụ đắp hình búp sen. Mặt bằng chùa có 6 hàng chân cột gỗ tròn đỡ mái đặt trên chân tảng đá hình chữ nhật, nền lát gạch Bát Tràng. Vì kèo kết cấu kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ truyền”. Riêng vì nóc hồi làm kiểu vì “ván mê” chạm hình Hổ phù. Trang trí trên kiến trúc tập trung vào các bức còn nách với kỹ thuật chạm nổi đề tài “Tùng lão hoá Rồng”, “Mai lão hoá Rồng”, bờ mái trang trí hàng diềm hoa tranh, chạy suốt 5 gian.

Toà Thượng điện gồm 4 gian chạy dọc về phía sau. Nếp nhà này được nối tiếp với toà Tiền đường bởi kết cấu vì gian đầu của Thượng điện ăn mộng với vì gian giữa Tiền đường, tạo thành khối kiến trúc liên hoàn. Mặt bằng gồm 4 hàng chân cột gỗ tròn đỡ các vì kiểu “chồng rường giá chiêng”, mái lợp ngói mũi hài. Trên 4 thanh xà gian chính nối với Tiền đường gắn 4 bức ván nong chạm hình “tùng, cúc, trúc, mai”.

Về cơ bản, việc bài trí tượng thờ trong chùa đã tuân thủ theo quy định bài trí tượng thờ trong các ngôi chùa Việt. Điểm dị biệt ở cách bài trí của chùa là một số vị trí chưa theo quy định, có lẽ do nhận thức và tập tục của người dân địa phương chưa đầy đủ nên mỗi lần tu bổ hoặc đã bày biện sai đi.

Gian bên trái nhà Tiền đường đặt ban thờ Thánh hiền và hai vi Diệu nhiên, Đại sĩ, phía ngoài là tượng Hộ pháp Trừng ác. Bên phải là ban thờ Đức ông và 2 vị tả hữu, tiếp nối là tượng Hộ pháp Khuyến Thiện.

Toà Tam bảo đặt 5 lớp tượng trên Phật điện gồm: Lớp thứ nhất nơi tọa lạc của Phật Tam thế gồm 3 tượng biểu trưng cho 3.000 vị Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Lớp thứ hai là tượng Di Đà Tam tôn còn gọi là Tây Phương tam Thánh, Ở giữa là tượng A Di Đà, 2 bên là tượng Quan Thế âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Lớp thứ ba chính giữa là tượng Thích Ca Thế tôn, bên phải là tượng Quan âm Chuẩn Đề, bên trái là tượng Quan âm Thị Kính. Lớp thứ tư chính giữa là tượng Ngọc Hoàng, 2 bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Lớp thứ năm, Ở giữa là toà Cửa Long và Phật Thích Ca sơ sinh, 2 bên là tượng Tiên Đồng và Ngọc Nữ.

Toà điện Mẫu xây ở phía sau nhà Tam bảo, phía trước có một sân rộng lát gạch. Kiến trúc điện mẫu gồm: nhà Tiền bái 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai trên nền cao hơn mặt sân 55 cm, xung quanh bó vỉa gạch. Nội thất gồm 2 hàng chân cột gỗ đỡ các vì kèo làm kiểu “giá chiêng, chồng rường”. Toà Hậu cung phía trong 3 gian xây song song với toà Tiền bái, phía ngoài có kết cấu kiểu dáng tương tự toà ngoài.

Nhà thờ Tổ và Trai phòng xây nối tiếp tường hồi bên trái điện Mẫu gồm 3 gian kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, các vì kèo làm kiểu vì “giá chiêng cột trốn”, nền lát gạch vuông, toà nhà này mới được sửa lại năm 1993.

Phía bên phải sân điện Mẫu là vườn tháp mộ sư, gồm 5 cây tháp xây kiểu dáng của những cây tháp truyền thống kiểu 3 tầng, đỉnh tháp đắp nổi hình hoa sen, phía trên là hình bình nước cách điệu, phía dưới tạo hình mui luyện, thân tháp 4 mặt.

Hiện nay, tại chùa còn lưu giữ được bộ sưu tập di vật văn hóa khá phong phú và đa dạng về loại hình và chất liệu như: 13 năm bia đá có niên đại tạo tác từ thế kỷ XVIII, XIX, XX Tấm bia có niên đại sớm nhất dựng năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Những tấm bia còn lại thuộc thời Nguyễn.

Chùa có 2 quả chuông đồng, trong đó một chuông lớn niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794); chuông nhỏ niên hiệu Bảo Đại thứ 11 (1935); 32 pho tượng tròn sơn son thếp vàng có niên đại tạo tác thuộc thế kỷ XVIII, XIX; 1 khám thờ; 2 cỗ ngai thờ; 2 bức hoành phi; 4 đôi câu đối sơn thếp vàng. Các câu đối đều ca ngợi cảnh đẹp của chùa và sự linh thiêng của Phật, trong đó có câu:

Công đức vô biên, Xuân xã xuân thu truyền phúc tự,

Sắc không như tại, Hoa thôn một mạch ngưỡng âm cao.

Nghĩa là:

Công đức vô cùng, xã Xuân Đỗ ngàn năm truyền lại chùa Phúc,

Sắc không như còn đó, thôn Hoa một mạch ngưỡng mộ âm cao

Từ những nội dung giá trị đã nêu trên cho thấy chùa Xuân Đỗ Hạ (Sùng Phúc tự) là một vốn cổ quý giá cần được trân trọng bảo vệ và phát huy giá trị. Chùa đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa năm 1994. Với những giá trị lịch sử văn hóa ẩn tàng trong khối kiến trúc bình dị mà thâm nghiêm, chùa Xuân Đỗ Hạ không chỉ là một địa chỉ văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Long Biên mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn trong tuyến tham quan các di tích phía đông – bắc Thủ đô Hà Nội.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/11/Chua-Xuan-Do-Ha.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua xuan do ha.docx”]

Hits: 761

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *