ĐÌNH NGỌC HÀ

Đình Ngọc Hà được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê trung hưng, bên trong thờ Đức thánh Huyền Thiên Hắc Đế, địa chỉ ở ngõ 158 Ngọc Hà, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ngọc Hà là tên của một trong 13 nông trại được lập ra từ đầu thời Lý (Thập tam trại); ngày nay trở thành tên một phường thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Phường này bao gồm phần đất trước kia của ba ngôi làng cổ: Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, nổi tiếng với nghề trồng hoa và làm thuốc nam. Diện tích phường 0,8km², dân số 16.774 người (năm 2005).

Đình Ngọc Hà nằm ở chân dốc gần góc phía tây-nam vườn Bách Thảo, cạnh một hồ nước dài chạy dọc con ngõ 158 Ngọc Hà. Chưa rõ ngôi đình được xây dựng chính xác vào năm nào nhưng dòng lạc khoản ở một câu đối tại nhà tiền tế cho biết 16-10-1898 là ngày hoàn thành của đợt trùng tu dưới đời vua Đồng Khánh. Đình đã bị huỷ hoại trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô cuối năm 1946, đầu năm 1947. Đến năm 1952 dân làng dựng lại đình.

Bên trong đình có ban thờ Đức thánh Huyền Thiên Hắc Đế – một nhân vật truyền thuyết đã âm phù vua nhà Lý đánh thắng giặc ngoại xâm. Hội làng được tổ chức vào ngày 19 tháng Giêng, chung với làng Hữu Tiệp. Hai làng rước bài vị của thần đến núi Sưa để tế chung. Ngày 15-02-1992, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Trong đợt khai quật hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu tích một con sông cổ chảy ngang qua kinh thành theo hướng đông-tây về phía làng Ngọc Hà xưa, và họ cho rằng đây là con sông mang tên sông Ngọc, làm nên tên làng này.

Ngôi đình vốn nằm trên một cù lao giữa hồ nước, cổng nghi môn quay về phía nam, gồm 4 trụ biểu và 2 cổng phụ 2 tầng 8 mái giả. Ngày nay hướng đình không đổi nhưng một đoạn phía tây hồ đã được lấp để xây nhà văn hóa và sân chơi áp vào tường bên hữu đình. Sau đợt trùng tu mới đây, bên tả sân trước đình đã xây thêm một cây cầu nhỏ nối với tam quan ngoại và mở cửa ra ngõ 158 Ngọc Hà.

Ngoài cây cầu, sân trước đình còn có hai cây cổ thụ, ở giữa là bức bình phong với đôi voi đá chầu vào. Xa hơn có một ao vuông nhỏ rồi mới đến hồ nước, cả hai đều được xây tường bao. Hai bên tả hữu sân trong cổng nghi môn giáp với hai nhà giải vũ 3 gian đối diện nhau, chính giữa là bậc thềm dẫn lên toà tiền tế rộng 3 gian 2 chái. Cấu trúc tiền tế làm theo kiểu “trùng thềm điệp ốc” và “thượng rường, hạ kẻ”. Tại đây có các hoành phi, câu đối, hương án v.v. thếp vàng rực rỡ.

Tòa phương đình nằm sau tiền tế, mái làm kiểu chồng diêm 3 tầng, trên đỉnh đắp hình bầu rượu. Bốn góc phương đình có 4 cột đỡ được trang trí hình rồng cuốn, bên trong đặt cỗ kiệu bát cống chạm khắc hình rồng theo phong cách cuối Lê, đầu Nguyễn. Tòa hậu cung gồm 3 gian, gian giữa đặt ngai thờ, bài vị và đồ tế khí là những cổ vật quý báu tạo tác vào thế kỷ 19. Trên các mái lớn đều có đắp nổi những hình linh thú như nghê, sư tử, cá chép hóa rồng, mãnh hổ xuống núi…

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Ngọc-Hà.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh ngoc ha.docx”]

Hits: 3181

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *