ĐÌNH MỄ TRÌ HẠ

Đình Mễ Trì Hạ thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, ngoài ra còn thờ Thánh Đầm, Lý Nam Đế và Lý Phật Tử. Địa chỉ: ngõ 59 Mễ Trì, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Mễ Trì là một vùng đất có lịch sử hào hùng. Lý Bí từng đóng quân ở đây để chống lại ách đô hộ của nhà Lương, sau đó lập nên nước Vạn Xuân vào tháng Giêng năm 544. Đến thời Trần, các đô vật trong làng như Đỗ Đức Lưu, Đỗ Ngọc Thuận đã cùng dân binh tham gia đánh bại quân Nguyên ở phía nam kinh thành Thăng Long.

Năm 1427, khi nghĩa quân Lam Sơn tiến ra vây đánh quân Vương Thông trong thành Đông Quan thì có một đội binh của tướng Lê Thụ đóng ở Mễ Trì, đặt sở chỉ huy trên gò Quy Sơn, kết quả giặc Minh phải đầu hàng. Tết Kỷ Dậu 1789, cánh quân thần tốc của Đô đốc Long cũng tiến về đây, ém quanh đầm rồi bất ngờ đánh Khương Thượng, diệt đồn giặc Thanh ở đó và làm cho thái thú Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử, thừa thế tràn vào Thăng Long, tổng đốc Tôn Sĩ Nghị phải vứt tất cả để bỏ chạy.

Ngày 12-1-1958 Hồ Chủ tịch đã về đây thăm và nói chuyện tại sân đình với hơn 200 đại biểu của các xã ngoại thành, động viên nông dân tích cực sản xuất và tặng huy hiệu cho một số người có thành tích xuất sắc. Nhân dân Mễ Trì về sau đã dựng tượng Hồ Chủ tịch và lập ban thờ. Ngày 22-4-1992 đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Đình tọa lạc ở giữa làng, mặt quay hướng tây-nam nhìn ra một nguyệt hồ và xa hơn là chợ Mễ Trì Hạ rồi đến chùa Thiên Trúc Tự. Phía bên phải đình có cổng tam quan mới xây, mở ra ngõ 59 Mễ Trì. Tam quan làm theo kiểu nghi môn với 4 trụ biểu và 2 cổng bên, cửa chấn song bằng thép inox, tường ngoài đắp phù điêu hình rồng cuốn.

Toàn bộ khuôn viên đình nay được ngăn với các đường ngõ ngoài bằng tường gạch. Phía trong, dưới tán cây cổ thụ bên tả là một phương đình 2 tầng 8 mái che cho pho tượng Hồ Chủ tịch đứng ngay sau ban thờ có phủ rèm. Tiếp theo, phía trước bức bình phong ngăn với sân đình là một ao vuông có tường hoa bao quanh và cầu ao.

Hai bên sân đình là nhà tả, hữu mạc. Tả mạc 5 gian sâu hơn và có cửa sau mở ra ngõ 32 Đỗ Đức Dục, đối diện một hồ dài nối với Nhà Văn hóa ở bờ bên kia. Hữu mạc nhỏ, có lẽ đã bị thu hẹp để lấy chỗ xây cổng mới. Đại đình có nền cao hơn, gồm tiền tế rộng 5 gian, kết nối với hậu cung theo hình “chữ Đinh”.

Bên trong đình có đầy đủ các ban thờ với bát bửu, lộ bộ và hương án bày tế khí. Phần gỗ trên khung đình có những mảng chạm khắc đẹp đẽ với nhiều đề tài phong phú. Một bức chạm thể hiện con trâu nhà nông đứng nghỉ dưới bóng cây đa, các bức khác chạm nhiều kiểu rồng như: rồng ổ, rồng hút nước, cá hóa rồng, trúc hóa rồng, rồng ngậm ngọc hươu, cây tùng v.v..

Ngoài các ngai thờ, kiệu gỗ, 3 bức cửa võng, hoành phi, câu đối, đại tự sơn son thếp vàng lộng lẫy, đình còn lưu giữ được các bia đá, cổ vật bằng đồng, thần phả và 34 đạo sắc phong thần hoàng của các triều đại phong kiến. Ngày 22-04-1992, đình Mễ Trì Hạ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Mễ-Trì-Hạ.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh me tri ha.docx”]

Hits: 1996

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *