ĐÌNH HOÀNG

Đình Hoàng còn gọi là đình Cổ Nhuế hay đình Chạ, thờ Đông Chinh vương, hoàng tử nhà Lý, có công dẹp giặc Văn Châu ở thế kỷ 11, đối diện ngõ 488 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Đình Hoàng hay đình Chạ là đình thôn Hoàng của xã Cổ Nhuế, bên trong thờ hoàng tử Đông Chinh vương. Tương truyền vào tháng Tám năm Đinh Mão, niên hiệu Thuận Thiên thứ 18 (1027), Ngài phụng chiếu vua cha là Lý Thái Tổ đi dẹp giặc ở Văn Châu (Lạng Sơn). Vùng Cổ Nhuế lúc ấy nhà cửa còn đơn sơ, dân cư thưa thớt nhưng đã nhiệt tình tiếp đón Ngài cùng đoàn quân trên đường ra trận.

Đến tháng Hai năm sau, Ngài thắng trận trở về, dân làng lại ra đón rất thành kính. Khi vào triều, Ngài tâu với vua cha: “Đội ơn uy linh của trời đất, quân đi đến đâu thắng đó. Phàm những nơi đi qua và trở về có người dân ra đón hai bên đường, gồm 82 xã, đều muốn xin hoàng nhi làm phúc thần địa phương”. Vua chấp nhận, xuống chiếu ban cho dân Cổ Nhuế 1600 mẫu ruộng và miễn tô thuế.

Đến năm Thiên Thánh thứ hai, Hoàng tử nhờ thầy phong thuỷ tìm được đất đẹp dựng chùa thờ Phật ở Cổ Nhuế. Thấy dân còn nghèo, công chúa thứ tư là Tả Minh Hiền đã bỏ tiền riêng ra xây. Khi dựng xong, chùa được đặt tên là Sùng Quang Tự (chùa Cả), dân làng xin thờ công chúa ở bên tả.

Cổ Nhuế ngày càng trù phú, dân cư đông đúc chia thành 2 phường với 14 thôn, trong đó có 4 thôn cổ là Hoàng, Đống, Trù, Viên. Ngoài đình thôn Hoàng còn có đình thôn Viên, đền Bà Chúa, với 3 ngôi chùa Sùng Quang, Trùng Hưng và Anh Linh (chùa Bé) là những kiến trúc từ quá khứ xa xăm. Ngày 25-01-1994, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình Hoàng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Làng Cổ Nhuế vốn là vùng đất cổ tên nôm Kẻ Noi, trải bao biến động trong hàng nghìn năm vẫn để lại một vài di tích. Tư liệu lịch sử cho biết đình Hoàng cũ được dựng từ đời Cảnh Hưng (1745) và đã qua tu sửa nhiều lần. Tháng 3-1986 ngôi đình mới chuyển về địa điểm đối diện ngõ 488 phố Trần Cung để nhường chỗ cho việc xây đường lên cầu Thăng Long.

Mặt đình hiện nay quay hướng đông-nam, nhìn qua sân rộng ra tam quan xây kiểu nghi môn với các trụ biểu. Bên ngoài, trên tường phía trước có đắp nổi tượng hai ông Hộ pháp đối diện đôi voi đá đứng trên bệ ở một cái sân khác mở ra phố Trần Cung, ngay điểm dừng xe bus số 28. Nơi đây từng có cây cầu đá bắc trên con lạch đổ ra sông Nhuệ, sau phải đặt cống ngầm để chảy qua dưới sân đình và một số phố.

Cạnh bức tường bên hữu sau tam quan, dưới bóng cây là một phương đình nhỏ với 4 trụ vuông có đắp các câu đối, rồi đến tòa đại bái 3 gian 2 chái, lắp cửa bức bàn, kết nối với trung cung và hậu cung thành hình chữ “Công”. Hậu cung cao 2 tầng 8 mái, cổ diềm lắp chấn song con tiện lấy ánh sáng. Phía tả hậu cung là một cái giếng đá sâu và khu phụ. Ở góc sân phía đông-bắc có nhà tả mạc 3 gian, trong có bảng ghi sự tích và bia công đức gắn trên bức tường áp lưng vào phố.

Ngoài các bức chạm khắc độc đáo, hiện trong đình Hoàng còn có 17 đạo sắc phong từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn (Khải Định), 1 cuốn ngọc phả, 4 bức đại tự, 1 đôi câu đối sơn son thếp vàng ca ngợi công đức nhà Lý, 3 long ngai, 1 kiệu bát cống khắc chữ “Cảnh Hưng Giáp Thìn niên” (1784), 1 bộ sập thờ, 1 đôi voi đá, 1 quả chuông niên hiệu Thành Thái Kỷ Hợi (1899), 2 bộ tam sự, 3 bát nhang và đồ sứ quý.

Đình thôn Hoàng và các di tích tâm linh liên quan là nơi diễn ra một trong những lễ hội được cho là lâu đời nhất trên đất Hà Thành, được tổ chức cứ 5 năm một lần 3 ngày liền từ mùng 8 đến 10 tháng Hai âm lịch, kỷ niệm cuộc xuất quân dẹp giặc Văn Châu. Ngoài lễ dâng hương tế thành hoàng và đám rước các kiệu Hoàng tử, Phu nhân với Công chúa Tả Minh Hiến còn có nhiều trò chơi dân gian như hát dân ca, quan họ, chọi gà, đấu cờ người, đua nấu chè kho, thi thợ may giỏi…

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Hoàng.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh hoang.docx”]

Hits: 1939

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *