ĐÌNH – ĐỀN LIỄU GIAI

Đình Liễu Giai thờ thành hoàng Hoàng Phúc Trung, người lập ra “Thập tam trại” ở phía tây-nam thành Thăng Long thời Lý. Liền kề là đền thờ Thuỷ Tinh phu nhân (thời Trần) và Thánh Mẫu, địa chỉ: Ngõ 345 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Đình Liễu Giai thờ Thái giám Hoàng Phúc Trung, gốc làng Lệ Mật, Gia Lâm. Theo truyền thuyết, ngài là người có công tìm vớt thi thể công chúa nhà Lý, được vua ban cho vùng đất hoang phía tây-nam kinh thành Thăng Long. Ngài chiêu mộ dân Lệ Mật sang xây dựng, lập khu Thập tam trại nổi tiếng. Các đầm lầy và đồi cây nhiều thú dữ đã trở nên trang trại sầm uất, nhân dân an cư lạc nghiệp. Liễu Giai là một trong 13 trại đó. Làng vốn nhỏ, chỉ một giáp, dân không đông, theo Ngô Vi Liễn năm 1928 làng gồm 334 người; họ Nghiêm đông nhất, bên cạnh các họ Nguyễn, Trần, Ngô. Nơi đây từng có nhà thờ Liễu Giai, nay là khách sạn La Thành.

Liền kề đình là đền Liễu Giai, thờ Thánh Mẫu và Thuỷ Tinh phu nhân. Theo thần tích còn lưu ở đền, tại làng Phan Sơn, huyện Bằng Châu, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, có một gia đình họ Lý húy là Nghi, vợ họ Hoàng có truyền thống văn học. Lý Nghi làm quan bộ Lễ dưới triều Trần, nhân đi chơi thuyền về phía tây thành Thăng Long thấy chim nhạn sà xuống một hồ nước nhỏ, địa thế khúc khuỷu, nhác trông như con thiên mã, bèn đến xây nhà rồi cho vợ dời quê lên đấy. Một hôm trời nóng, bà ra hồ Bạch Nhạn tắm. Bỗng dưng sóng gợn, hiện lên một con rắn trắng bơi đến rồi quấn chặt mình bà.

Năm sau, đúng giờ Thìn ngày 21 tháng 3 Giáp Thìn, bà sinh ra một bé gái, đặt tên là Ngọc Nương, càng lớn càng xinh, đức độ hiền hòa thông minh hơn người. Năm 18 tuổi, Ngọc Nương đi thuyền ngắm trăng vào đêm 17 tháng 8 âm lịch, đến địa phận trại Liễu Giai thì gặp cơn dông. Thuyền đắm, Ngọc Nương hóa. Bố mẹ vô cùng thương xót, xây miếu thờ nàng trên mảnh đất long chầu hổ phục cạnh hồ Bạch Nhạn, sau gọi là hồ Đống Nước.

Đời Trần Anh Tông, quân giặc sang xâm lược nước ta, Ngọc Nương đã âm phù giúp vua đánh thắng. Vua bèn ban cho dân làng 100 quan tiền tu bổ sửa chữa miếu thờ và sắc phong cho nữ sĩ: “Vạn cổ huyết thực dư quốc đông vô viết vi nữ bạch hổ trang, thủy tinh tôn linh công chúa hộ nhi đệ nhất tử”. Hàng năm, nhớ ngày sinh và ngày hóa của Mẫu Ngọc Nương hai làng Liễu Giai (nơi hóa) và Đống Nước (nơi sinh) tưng bừng mở hội, làm cỗ tế lễ linh đình. Đám rước đi từ đền Đống Nước sang đền Liễu Giai rồi quay lại.

Ngày 27-12-1990 khu đình và đền Liễu Giai đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử Nghệ thuật Kiến trúc quốc gia.

Đền Liễu Giai sau nhiều lần tu sửa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Đền được xây theo hình chữ “Công” trên một khu đất cao nhìn về hướng tây. Từ ngõ 345 Đội Cấn đi vào hơn trăm bước, du khách sẽ thấy một khuôn viên rộng lớn, cây cối um tùm. Sau tam quan là sân trước, hai bên có lầu Cô, lầu Cậu, ở giữa là đền thờ Thánh Mẫu, bên hữu có lầu Mẫu Cửu Trùng Thiên.

Tòa tiền tế 5 gian xây kiểu “đầu hồi bít đốc”, kết cấu dạng “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền” với những hàng cột gỗ lim. Hai trụ biểu nhô cao, đỉnh trụ đắp 2 đôi chim phượng ấp bụng chổng đuôi lên. Phía dưới có 2 bức bình phong bằng gạch, đắp hình bạch hổ và thanh long. Những bức chạm ở cửa bức bàn và bên trong đền mang hình tùng, lộc, mai, hạc và rồng, phượng, rùa, lân, đào, trúc, cúc, sen trông rất phong phú, tinh tế. Hai đầu đốc của tiền tế có đắp nổi 5 con dơi chụm đầu vào nhau, biểu thị “ngũ phúc lâm môn”.

Từ tiền tế, du khách đi qua một “ống muống” xây đơn giản, có bày hương án thờ rồi tới hậu cung gồm 3 gian kiểu “vì kèo quá giang”, trang trí với chút ít hoa văn truyền thống, nơi đặt các pho tượng Cô, Cậu và Tam Phủ Hồng Nương trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của dân gian. Bên tả ngôi đền còn có một Phật điện xây theo hình chữ “Đinh”, phía trước có sân nhỏ và hòn non bộ, phía sau có cây si cổ thụ và nhà khách.

Nghi môn đình Liễu Giai có 3 cổng với tượng 2 ông Hộ pháp đứng gác, trước mặt là bình phong đắp cuốn thư. Du khách bước vào sân trước sẽ thấy bên phải là ngôi đền, bên trái có phòng họp và nhà khách; đi vòng qua hồ bán nguyệt sẽ đến sân sau nằm dưới bóng mấy cây cổ thụ được gắn biển “Cây Di sản Việt Nam”. Đình mới sửa lại cao ráo, gồm 3 gian rộng, kiến trúc kiểu chữ “Nhất” khá đơn giản. Bên phải có thêm một nếp nhà nhỏ làm nơi tưởng niệm Hồ chủ tịch, xa hơn là cổng hậu.

Trong đền có cỗ kiệu gỗ sơn son thếp vàng khá lớn, bên trên đặt long đình hình tháp kiểu chồng diêm. Bốn góc mái ở phần đỉnh tạo dáng phượng xòe cánh và ngóc đầu lên giữa nóc mái thay cho đầu đao. Mái dưới của long đình trang trí hình rồng, với trán cao, mắt lồi, mũi sư tử, sừng và hai tai hất ra phía sau tạo thành cặp “Long – Phượng” rất sinh động. Phần xung quanh của long đình còn chạm hình nghê, phượng và chữ triện. Lớp giữa của phần kệ trang trí chạm thủng hình cây cỏ hóa rồng và chạm nổi hình song phượng chầu nguyệt… Hai điểm giữa của tay kiệu chạm hình song phượng, lưỡng long chầu hổ phù. Hai đòn giữa chạm hai đầu rồng hướng ra ngoài, đòn nhỏ ở dưới chạm nguyên một hình rồng khá đẹp. Đây chính là một hiện vật hiếm thấy trong kho tàng nghệ thuật chạm khắc của thế kỷ 19.

Cũng phải kể đến khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, bên trong đặt tượng Tam Phủ. Ngoài ra còn có 1 bát hương lớn tráng men trắng vẽ lam, 2 cỗ tam sự và 1 quả chuông đồng đúc từ thời nhà Nguyễn. Bên cạnh đó, đền lưu giữ được một số tư liệu chữ Hán của các triều đại trước đây gồm 1 đôi câu đối, 1 bức đại tự, 2 cuốn thần phả do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572 và 1 đạo sắc phong cho Thủy tinh phu nhân vào năm Thành Thái nguyên niên (1888).

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Đền-Liễu-Giai.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh den lieu giai.docx”]

Hits: 2042

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *