CHÙA YÊN MỸ

Chùa Yên Mỹ, xã Dương Quang là một di tích kiến trúc thuộc hình thái tôn giáo tín ngưỡng quan trọng của người Việt.

Chùa có tên chữ là Phúc Nhân Tự Yên. Điều đặc biệt ở ngôi chùa này là sự đan xen giữa thờ Phật và tín ngưỡng thờ Pháp Điện ( một trong “Tứ pháp”) của vùng đất Siêu Loại, Thuận Thành Bắc Ninh xưa. Vì vậy, di tích vừa có nét chung của một ngôi chùa thờ phật lại có nét riêng khác hẳn với những di tích khác trong vùng. Chính nét riêng đó đã làm nên giá trị phi vật thể đặc biệt của ngôi chùa, giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu tìm hiểu về lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của tín ngưỡng thờ Tứ pháp trên đất nước ta. Sự tích về Tứ pháp được ghi lại trong rất nhiều sách. Những tài liệu Lĩnh Nam Chích Quái, Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh lục ngữ, Pháp Vân Thánh liệt…đều cho rằng: “ Vào khoảng cuối đời Tây Hán có nhà sư Tây Trúc là Khâu Đà La vân du tới trụ sở của Sỹ Nhiếp ở thành Luy Lâu, được một người mộ đạo mời về nhà mình ở Siêu Loại. Nhà có cô con gái 20 tuổi là Man Nương. Hàng ngày Khâu Đà La vẫn giảng giải về giáo lý đạo phật và còn dạy cho nhà Man Nương và dân làng tìm mạch đào giếng để lấy nước ăn. Sau đó không bao lâu, tự nhiên Man Nương mang thai sinh con gái. Man Nương bế con vào rừng tìm Đà La để trả đứa bé. Đà La đặt tên đứa bé là La Từ rồi niệm thần chú, hô cây rừng nhờ chăm sóc, bỗng một cây đại thụ tách làm đôi và Đà La đặt con vào trong đó. Sau cây đại thụ đó bị bão giật đổ, nước lũ cuốn trôi đến thành Luy Lâu. Dân trong vùng thấy cây gỗ toả ánh hào quang và mùi thơm ngát bèn tâu với pháp sư Sỹ Nhiếp. Sỹ Nhiếp sai lực sỹ kéo lên bờ nhưng không sao kéo được. Vừa lúc ấy Man Nương đến và chỉ đẩy nhẹ là cây gỗ tự lăn lên bờ. Đêm ấy Sỹ Nhiếp nằm mơ thấy thần nhân ngỏ ý muốn tạc tượng thờ. Sáng hôm sau, ông sai người xẻ cây gỗ làm tư, tạc làm 4 pho tượng. Năm ấy , hạn hán rất to, bèn đem 4 pho tượng ấy ra để làm lễ cầu đảo. Lễ xong liền thấy mây đen kéo đến, mưa to đổ xuống trong sấm rền chớp giật. Do vậy Sỹ Nhiếp đặt tên cho 4 pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện”. Pháp Điện là vị thần đại diện cho phép làm ra chớp. Các nhà nghiên cứu lý giải: Pháp là phép, vân là mây, vũ là mưa, lôi là sấm, điện là chớp. Từ Pháp Vân là phép làm ra mây, mây sinh ra sấm chớp, sấm chớp lại gọi mưa về cho người dân cấy cầy, cho cây cối tốt tươi báo hiệu một mùa màng bội thu của cư dân trồng lúa nước.

          Căn cứ vào dòng niên đại ghi trên quả chuông đồng đúc năm Thiệu Trị nguyên niên 1841 và qua hệ thống tượng thờ có thể đoán định chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII- XIX. Chùa được chính quyền và nhân dân địa phương trùng tu lớn vào năm 1992. Năm 2003, xây nhà thờ mẫu

          Chùa Yên Mỹ nằm trên một khuôn viên rộng, thoáng đãng, có ao phía trước và nằm sau ngôi đình cổ kính, giữa khu vực cư trú của làng. Mặt bằng di tích bao gồm chùa chính, nhà mẫu, xung quanh là khu vườn rộng với sân gạch trước sau. Chùa chính có kết cấu hình chuôi vồ hay còn gọi là chữ đinh được xây dựng quay theo hướng Tây – Nam. Tiền đường là một nếp nhà ngang ba gian hẹp lòng. Chính giữa bờ nóc đắp một bức hình chữ nhật ghi tên di tích bằng ba chữ Hán lớn “ Phúc Nhân Tự”. Hai tường hồi nối với hai cột trụ biểu. Thượng điện là một nếp nhà dọc, một gian nối liền thông với tiền đường. Tường hậu phía sau mở một cửa nhỏ để xuống nhà mẫu. Nhà mẫu nằm phía sau chùa là một nếp nhà dọc gồm ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Trong nhà mẫu có xây bệ gạch để đặt tượng thờ.

 Cũng như nhiều ngôi chùa khác, hệ thống tượng trên tam bảo chùa Yên Mỹ được sắp đặt tuân thủ theo nguyên tắc truyền thống gồm 17 pho lớn nhỏ trong đó có 12 pho tượng phật, 3 pho tượng mẫu, 1 pho tượng tổ, 1 tượng thánh. Tiêu biểu nhất là tượng A Di Đà và tượng Pháp Điện mang phong cách nghệ thuật thế kỷ thứ XVIII, XIX.

Tượng A Di Đà cũng như các t ượng A Di Đà khác của phật giáo được tạo tác khá lớn, có diện mạo bất biến của A Di Đà xưa nay. Tượng ngồi thuyết pháp hai chân xếp bằng gọi là ngồi kiết già, hai tay để ngửa trong lòng đùi kết ấn thiền định chính giữa cầm viên ngọc, mình mặc áo pháp, Những quí tướng nói trong kinh phật bộc lộ rõ ràng, khối u nổi trên đỉnh đầu (nhục kháo), tóc xoắn hình ốc, tai dài, khuôn mặt mang vẻ trầm tư, mắt khép hờ nhìn xuống, sống mũi thẳng. Tượng mặc áo cà sa, ngực thắt dây anh lạc, các nếp áo chảy dài xuống bệ sen.

Tượng Pháp Điện ngồi thiền định trên tòa sen với bốn lớp cánh, lớp cánh dưới bẻ xuống. Đầu tượng có tóc bụt ốc, khuôn mặt vuông chữ điền, tai chảy dài, mắt khép hờ nhìn xuống, sống mũi thẳng, miệng mím, môi dày. Tượng có ngực nở, eo thon mang dáng dấp của một người phụ nữ, tay trái hạ xuống ngang eo, tay phải giơ ngang ngực, cổ tay đeo vòng, khoác một lớp áo có trang trí hoa văn, phần váy được thắt ngang eo bởi một dải lụa. Toàn thân tượng sơn màu đỏ khác hẳn với những pho tượng khác đặt trên tam bảo. Thân tượng có chiều cao 1,7m, bệ sen cao 0,25m. Tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Tồn tại tới ngày nay, di tích chùa Yên Mỹ còn bảo lưu được những đường nét cổ truyền rất đáng trân trọng và lưu giữ được nhiều di vật mang giá trị nghệ thuật cao với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau như chuông đồng đúc ngày lành tháng tốt năm Thiệu Trị nguyên niên (1841). Chuông có dáng đẹp, quai chuông là một đôi rồng đấu lưng vào nhau, thân chuông tạo thành bốn múi, tên chuông “An Mỹ Thiền tự” đúc nổi trong ô hình vuông. Các góc là hình hoa văn cách điệu, trong khung khắc bài minh, bốn ô chữ nhật phía dưới trang trí theo đề tài tứ linh, tứ quý. Ba mặt chuông khắc toàn bộ tên người cùng số tiền đóng góp của họ ở các thôn, xã giúp cho việc đúc chuông, mặt còn lại khắc bài minh và bát hương cổ … Đặc biệt là hệ thống tượng thờ trong đó có tượng Pháp Điện mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX. Sự có mặt của tượng Pháp Điện trong di tích sẽ giúp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có thêm tư liệu, căn cứ trong việc tìm hiểu về lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của tín ngưỡng thờ Tứ pháp trên đất nước ta.

          Ngôi chùa cổ Yên Mỹ là nguồn tư liệu quý góp phần tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của hệ thống di tích tôn giáo tín ngưỡng trong vùng, về sự tồn tại không thể thiếu của đạo phật trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân địa phương. Chùa Yên Mỹ đã được UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định số 1036/QĐ – UBND xếp hạng là di tích lịch sử nghệ thuật ngày 19 tháng 3 năm 2007.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Yên-Mỹ-Dương-Quang.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua yen my duong quang.docx”]

Hits: 659

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *