CHÙA TRUNG QUAN

Chùa Trung Quan thuộc thôn Trung Quan, xã Văn Đức. Chùa Trung Quan là tên gọi theo địa danh của làng, còn có tên chữ là Đại Hùng Tự, chùa đã được Bộ Văn hoá – Thông tin ra quyết định xếp hạng di tích nghệ thuật ngày 13/2/1996.

Chùa là di tích tôn giáo thờ Phật, có khởi nguồn tạo dựng từ rất sớm trong lịch sử gắn liền với lịch sử tạo dựng xóm làng của nhân dân địa phương. Chùa được xây dựng trên vùng đất cổ, nơi in đậm dấu tích lịch sử thời nhà Lý( Lý Công Uẩn ) thế kỷ XI. Nơi đây là địa bàn hoạt động, nơi dừng chân của Hoàng tử Đông Chinh vương và tráng binh trên đường đi dẹp giặc Văn Châu giữ yên đất nước.

Căn cứ vào các hiện vật còn lưu lại ở chùa cho thấy chùa Trung Quan được xây dựng từ khá lâu. Đến thế kỷ XVIII có lẽ chùa đã có một cơ ngơi khang trang to lớn, về sau chùa được tu sửa lại. Trải qua những bước thăng trầm và biến động của lịch sử đặc biệt là trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, di tích đã không còn giữ nguyên được khối kiến trúc ban đầu. Đặc biệt là tòa tam bảo của chùa chỉ còn lại nền móng cũ, một số mảnh bia bị vỡ, các pho tượng được đưa về tọa lạc tại nhà thờ mẫu, thờ tổ để làm nơi thờ cúng.

 Năm 2008, được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn, với sự đồng lòng nhất trí của nhân dân, thôn Trung Quan đã tiến hành dựng ngôi tam bảo để đưa tượng phật về đúng vị trí thờ cúng, tu bổ tôn tạo các công trình đã xuống cấp bằng nguồn vốn xã hội hóa từ việc công đức của nhân dân trong thôn và khách thập phương.

Chùa nằm theo hướng Nam, toạ lạc trên một khu đất cao, rộng rãi, tách biệt với khu cư trú của làng. Các công trình kiến trúc nằm gọn trong một khuôn viên khép kín bởi luỹ tre xanh bao bọc và các vườn cây ăn quả bốn mùa xanh tươi tạo nên không gian tĩnh mịch nơi cửa thiền. Các hạng mục kiến trúc của chùa gồm: cổng tam quan, chùa chính, khu nhà thờ tổ, thờ mẫu, phía sau là khu mộ tháp của các nhà sư trụ trì chùa đã viên tịch.

Cổng tam quan kiểu ngũ môn, cổng vòm cuốn, phía trên chồng diêm hai tầng mái, mái lợp giả ngói ống, chính giữa bờ nóc đắp hình bánh xe pháp luân, hai đầu đốc là tượng hình rồng miệng ngậm bờ nóc, các đao mái là hình rồng lá. Hai bên là hai cổng nhỏ cũng được trang trí như cổng chính. Nối cổng chính với cổng phụ là hai bức bình phong miêu tả cảnh rồng cuốn chỉ và phượng hàm thư, hai cột trụ biểu đỉnh trụ là bốn chim phương chụm đuôi vào nhau tạo hình trái giành, mui luyện đắp hình rồng, hổ phù, phía dưới là bốn ô lồng đèn trang trí hình tứ linh, tứ quý, thân trụ tạo gờ nổi đắp chữ hán ca ngợi cảnh đẹp của chùa.

Hai cổng nhỏ hai bên bốn mái lợp ngói ống chính giữa bờ nóc đắp hình mặt trời lửa, hai đầu đốc mái hình rồng. Nối giữa trụ biểu với cổng nhỏ là bức tường lửng hai bên đề hai chữ “thiện”, “ác”.

Qua một sân gạch là đến với tam bảo chùa được phụng dựng trên nền cũ có kết cấu chữ đinh, tiền đường gồm năm gian xây kiểu “tường hồi bít đốc”. Phía trước đầu hồi là hai cột trụ biểu, hai đầu hồi phía trước xây hai bức tường lửng đắp họa cảnh “tùng hươu” và “mai điểu”.

Tam bảo xây tam cấp cao hơn nền nhà 65cm, nền lát gạch đỏ 30x30cm. Nội thất sáu hàng chân, cột bê tông giả gỗ đặt trên chân tảng hình lục lăng. Vì kèo tòa tiền đường làm kiểu “thượng giá chiêng hạ kẻ bẩy hiên”. Trang trí trên kiến trúc tập trung vào các bức cốn chạm tứ linh, tứ quý, đầu dư chạm rồng. Bài trí tượng tại tòa tiền đường gồm chính giữa là hương án chạm tứ linh (long, ly, quy, phượng) trên đặt các đồ thờ. Bên trái là tượng Đức Ông, phía ngoài là tượng Khuyến Thiện, đối diện bên phải là tượng Thánh Tăng và tượng Trừng ác. Hai hồi tiền đường là ban thờ đặt tượng Địa Tạng và Thổ thần (không tượng). Di vật tại tiền đường gồm năm hoành phi, bốn bức nền gấm phủ hoàng kim, một bức sơn son thiếp vàng, hai cuốn thư, bảy cửa võng, tám đôi câu đối nền gấm. Nối tòa tiền đường là đến thượng điện là một nếp nhà bốn gian, kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, vì kèo kiểu “thượng giá chiêng hạ chồng kẻ”.

Phía sau thượng điện bên phải là điện mẫu gồm bốn gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói sông cầu, nền xây cao hơn sân hai bậc gạch 45cm lát xi măng. Kết cấu vì kèo tại điện mẫu là “kèo cầu quá giang cột trốn” rất đơn giản. Chính giữa xây ban thờ bằng gạch ở vị trí cao nhất là tượng tam tòa thánh mẫu phía dưới là mẫu Liễu Hạnh, hai bên là Chầu Bà. Từ ngoài vào, bên phải là ban thờ đức Thánh Trần, bên trái ban Sơn Trang.

Cuối cùng là nhà tổ của chùa, trước kia chưa tu bổ, tôn tạo tam bảo thì nơi này là khu thờ tự chính của chùa, gồm năm gian, hai dĩ, mái lợp ngói mũi hài cổ, các bộ vì đỡ mái được làm theo hai dạng khác nhau bốn vì gian giữa làm theo kiểu giá chiêng hạ kẻ, hai vì gian hồi làm theo kiểu “kèo cầu quá giang”. Điêu khắc trang trí trên kiến trúc đơn giản, chủ yếu là bào trơn. Bên trong gian giữa xây bệ cao, chính giữa là tượng bồ đề đạt ma, hai bên là pho tượng tổ của chùa.

Bài trí tượng phật tại thượng điện như sau:

Trên cùng là tượng Tam thế thân trụ diệu pháp ngồi trên tòa sen. Lớp thứ hai là tượng A Di Đà hai bên là tượng đại Quan âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát. ở giữa phía trước có tượng A Di Đà có kích thước nhỏ hơn. Lớp thứ ba là tượng Thích Ca liên hoa, hai bên là tượng thổ thần, thổ địa. Lớp thứ tư là tượng vua cha Ngọc Hoàng, hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu. Lớp cuối là tượng Thích Ca sơ sinh, hai bên là Tiên Đồng, Ngọc Nữ tạc ở tư thế đứng.

Sát tường hậu thượng điện hai bên đặt hai tượng Quan Âm tọa sơn và Quan Âm thiên thủ thiên nhãn.

Bộ sưu tập di vật văn hóa hiện còn bảo lưu ở chùa tuy số lượng không nhiều song đa dạng về chất liệu và giá trị nghệ thuật lại đạt ở trình độ khá cao như chuông đồng, bát hương, bia đá, hoành phi, câu đối, hương án…Đặc biệt là chùa còn bảo lưu được bộ sưu tập tượng tròn được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý của nghệ thuật tạc tượng cũng như trang trí tượng nghệ thuật thế kỷ XVIII- XIX – XX. Các pho tượng tiêu biểu như tượng A Di Đà, tượng Quan âm bồ tát, tòa Cửu Long –Thích Ca sơ sinh:

Tượng A Di Đà ngồi trên tòa sen ba lớp cánh, tóc bịt ốc chín lớp, giữa đỉnh nổi khối nhục kháo, mặt trái xoan, trán rộng, mày cong mắt khép hờ, mũi dọc dừa, đôi tai chảy dài ngang cằm, cổ ba ngấn, ngực hở lộ rõ chữ vạn, vẻ mặt hiền từ phúc hậu, tượng ngồi ở thế thiền định, hai chân xếp bằng, hai tay để trên lòng đùi và đan vào nhau, tượng mặc áo cà sa phủ kín thân. Tượng cao 1m16, bệ sen cao 28cm. Toàn bộ tượng và bệ sen phủ sơn thếp vàng lộng lẫy, tượng có niên đại thế kỷ XVIII – XIX.

Tượng Quan âm bồ tát, tượng ngồi trên tòa sen ba lớp cánh, các cánh sen to mập, đầu tượng đội mũ tỳ lư, mắt khép hờ, mùi dọc dừa, mặt trái xoan, đôi tai chảy dài, ngang cằm, cổ ba ngấn, tượng mặc áo cà sa phủ kín thân, tay trái giơ lên cao, tay phải để ở dưới đùi, đỡ dây anh lạc. Tượng cao 1m6, bệ sen cao 28cm.

Tòa Cửu Long và Thích Ca sơ sinh được phủ sơn son thiếp vàng lộng lẫy, xung quanh là chín con rồng phun nước thần tắm cho Đức Phật mới ra đời, điểm xuyết trên các hình rồng là các pho tượng nhỏ được bố trí theo thứ tự như một tòa phật thu nhỏ, tòa Cửu Long và Thích Ca sơ sinh có niên đại thuộc nghệ thuật thế kỷ XIX.

Cùng với hệ thống các di tích trên địa bàn xã như Đình Chử Xá, lăng Chử Cù Vân, Đình Sơn Hô, chùa Trung Quan mãi mãi là tài sản vô cùng quý giá của địa phương đóng góp vào di sản văn hóa nước nhà.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Trung-Quan-Văn-Đức.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua trung quan van duc.docx”]

Hits: 289

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *