CHÙA BÁT TRÀNG

Nhắc đến các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Gia Lâm, không ai có thể quên được địa danh Bát Tràng – một làng cổ được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Nơi đây làm ra nhiều sản phẩm gốm quý mang sắc thái riêng mà trong nhiều thế kỷ qua được ưa dùng từ làng, xã đến cung đình, từ quà tặng dân gian đến đồ cống phẩm ngoại giao.

Nhân dân địa phương truyền rằng xưa ở đây có 72 gò đất sét trắng, một số thợ gốm ở Bồ Bát đã di cư ra đây cùng họ Nguyễn Ninh Tràng lập lò gốm gọi là Bạch Thổ Phường (Phường đất trắng). Đợt di cư đầu tiên, theo gia phả họ Trần bắt đầu từ triều Lý. Phường gốm Bạch Thổ làm ăn phát đạt lôi cuốn dân cư Bồ Bát trong suốt thế kỷ XIII đến thế kỷ XV. Từ đây Bát Tràng trở thành một trung tâm gốm, nổi tiếng là nơi tụ hội của thuyền buôn và thương gia các nơi đến mua hàng hoá.

Cùng với thời gian, các thiết chế xã hội và truyền thống văn hoá của làng cũng hình thành và được bồi đắp. Hệ thống các di tích kiến trúc tôn giáo ra đời. Chùa Bát Tràng là tên gọi theo địa danh của làng, chùa còn có tên chữ là Kim Trúc tự.

Giữa một làng nghề thủ công truyền thống ven sông Hồng, với những lò gốm, những ngôi nhà cổ, những bờ tường gạch đá ong và những con đường làng nhỏ hẹp, ngôi chùa làng Bát Tràng nằm trên một khu đất rộng, quy mô kiến trúc tương đối bề thế tạo cho ngôi chùa một vẻ đẹp cổ kính.

Đối với lịch sử chùa làng Bát Tràng hiện nay tuy là sự hợp nhất của nhiều ngôi chùa làng nhưng những ngôi chùa ấy đều có lịch sử tạo dựng từ rất lâu đời. Căn cứ vào di vật là phiến đá cổ khắc chữ Hán tại chùa có thể khẳng định năm Vĩnh Hựu thứ nhất triều Lê (1734), chùa Kim Trúc được khởi công xây dựng với những hạng mục công trình căn bản và quan trọng của ngôi chùa cổ truyền. Theo người dân trong làng, xưa làng Bát Tràng có chùa Am (Bách Linh Tụ, chùa Âm Hồn) và chùa Kim Trúc. Năm 1958, công trình đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải xây dựng đã lấy mất một phần chùa Kim Trúc, nên chùa được chuyển về vị trí hiện nay là trên khu đất của chùa Am. Ngôi chùa mới ra đời với quy mô bề thế, cùng với thời gian quy mô kiến trúc của chùa đã có nhiều thay đổi, song ngôi chùa luôn có vai trò quan trọng trong tâm thức của người dân làng Bát Tràng.

Chùa Bát Tràng được xây dựng theo hướng Tây, dàn trải trên một mặt bằng rộng bao gồm các hạng mục chùa chính, nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách, sân vườn và vườn tháp.

Chùa chính hình chữ công gồm toà tiền đường phía trước, thượng điện phía sau, nối giữa tiền đường và thượng điện là thiêu hương. Tiền đường là một nếp nhà ngang xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai gồm năm gian hai dĩ. Mái lợp ngói ta, bờ nóc, bờ dải được đắp gạch hoa trang trí, chính giữa bờ nóc đắp nổi hình mặt trời, hai đầu kìm tạo hình rồng cách điệu, nối liền với hai bờ dải kiểu tay ngai. Hai tường hồi tiền đường được kéo dài 1,5m kết thúc bằng hai trụ biểu lớn cao 4m. Trụ có hai mặt đắp câu đối chữ hán, đỉnh trụ đắp nổi hình bốn con chim phượng bằng sứ xanh tạo hình trái giành. Tiền đường có hàng hiên tương đối rộng đỡ mái là hệ thống kẻ và cột đá với sáu cột đá vuông trên ba mặt cột đá có khắc các câu đối chữ Hán. Trên thân các kẻ được chạm nổi khối thân và đuôi rồng, mặt dưới trang trí hoa văn. Chính giữa hiên là phiến đá lớn tạc ba chữ Hán” Kim Trúc tự”.

Từ hiên vào tiền đường là hệ thống cửa bức bàn lớn, bộ khung toà tiền đường gồm sáu bộ vì gỗ, trong đó năm bộ vì được làm thống nhất kiểu thượng chồng rường, giá chiêng hạ kẻ, riêng một vì được làm kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ cốn. Tại tiền đường đặt hai pho tượng hộ pháp, bên phải đặt bàn thờ Đức Thánh Hiền, bên trái là ban thờ Đức ông. Đặt dọc hai tường hồi nhà tiền đường là bộ tượng Bát bộ Kim cương.

Thiêu hương là một gian nối liền giữa tiền đường và thượng điện tạo thành một lớp nhà dọc ba gian, kết cấu bộ khung gồm ba bộ vì gỗ kiểu thượng chồng rường giá chiêng kẻ nách, trên các vì và thân các con rường đều có trang trí hoa văn thực vật.

Thượng điện chính giữa xây bệ gạch lớn, phía trên treo một bức hoành phi có ba chữ Hán “Bảo Minh điện” tại đây hệ thống tượng thờ được bài trí thành nhiều lớp.

Lớp thứ nhất là ba pho tam thế (thường trụ diệu pháp thân), tượng trưng cho ba thế giới Phật pháp là quá khứ, hiện tại và vị lai.

Lớp thứ hai là tượng A Di Đà ngồi kiết già trên tòa sen hai bên là Quan Thế Âm và Đại thế chí Bồ tát tạo thành bộ tượng Di Đà Tam Tôn.

Lớp thứ ba là tượng Thích Ca Mâu Ni, hai bên là hai vị Bồ Tát tạo thành bộ Hoa Nghiêm.

Lớp thứ tư là tượng Quan Âm chuẩn đề và hai trợ thủ hai bên.

Lớp thứ năm là tượng Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu.

Dưới cùng là tượng Thích Ca sơ sinh và toà Cửu Long.

Sát tường hậu thượng điện bên phải là tượng Quan Âm tọa sơn, bên trái là tượng Quan âm tống tử. Hai bên dọc theo thượng điện là bộ tượng Thập điện Diêm vương.

Tiếp theo chùa chính là nhà tổ được xây dựng phía sau gồm bảy gian, ba gian giữa là nơi thờ tự các vị sư tổ của chùa.

Nối liền mặt sau của hai gian hồi tiền đường và hai gian hồi nhà tổ là hai dãy hành lang rộng. Mỗi dãy năm gian, mái lợp ngói ta với kết cấu sáu bộ vì gỗ kiểu vì kèo đơn giản gác lên tường hậu và hệ thống cột hiên. Mỗi dãy hành lang đều có năm cột đá vuông cùng loại và hình thức giống hàng cột hiên tiền đường. Sát tường hậu đặt hệ thống tượng La Hán.

Được xây dựng phía bên trái chùa chính cách một khoảng sân rộng và hồ nước là hạng mục nhà mẫu. Với bố cục hình chữ đinh gồm ba gian tiền tế và một gian hậu cung, mái lợp ngói ta, bờ nóc bờ dải đều đắp diềm trang trí, bờ nóc đắp đôi rồng cách điệu chầu mặt trời. Các pho tượng được đặt trong khám thờ lớn với một bộ sưu tập phong phú tượng mẫu.

Sau cùng là nhà khách gồm năm gian, mái lợp ngói ta, hiên đổ bê tông, bộ khung với sáu vì gỗ đơn giản, cột chủ yếu là cột gạch.

Bao bọc khu chùa chính bên phải là vườn và vườn tháp, tuy nhỏ song tạo cho chùa một cảnh quan đẹp, thoáng đãng.

Mặc dù các hạng mục có niên đại xây dựng muộn, song từng chi tiết vẫn tuân thủ chặt chẽ những quy tắc của kiến trúc cổ truyền. Trang trí trên kiến trúc với những hoạ tiết hình lá đề, vân mây trên các rường, đấu kê được thể hiện sinh động và bay bổng, các đầu dư tả rồng, các xà đặc tả thân rồng với những nét chạm nổi, chạm lộng tinh tế, mang tính nghệ thuật cao. Đáng chú ý là hệ thống di vật phong phú đa dạng về số lượng, chất liệu và có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Đó là bộ sưu tập hiện vật đá cột đá tại nhà tiền đường và hành lang, phiến đá cổ, lư hương đá, khánh đá…đây không chỉ là những tác phẩm điêu khắc công phu mà còn là những tư liệu lịch sử quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của chùa. Có giá trị không kém là hệ thống những di vật gỗ, nổi bật là bộ tượng gỗ gồm đủ các pho tượng trong phật điện của ngôi chùa Việt với gần 70 pho tượng phật và vị sư tổ của đạo phật, 25 pho tượng mẫu lớn nhỏ đều được tạo tác với tính nghệ thuật cao và mang những đặc trưng riêng của kỹ thuật niên đại tạo tác, trong đó có những pho có niên đại thế kỷ XVIII.

Bên cạnh đó là những hiện vật bằng đá: Hệ thống cột đá tại nhà tiền đường và hành lang vừa đóng vai trò chịu lực trong kết cấu kiến trúc nhưng đây cũng chính là hiện vật quý giá. Từ những phiến đá nguyên khối người xưa đã tạo tác thành những cột đá vững chắc hình vuông, trên mỗi cạnh đều được đục các gờ nổi và chạm các câu đối chữ Hán.

Phiến đá cổ một mặt khắc nổi ba chữ Hán là tên chùa, một mặt khắc dòng đề niên đại. Diềm của phiến đá được trang trí hoa lá cách điệu, chữ được chạm chân phương. Đây là di vật đặc trưng, riêng có của chùa Bát Tràng.

Tại chùa Bát Tràng hiện còn hai quả chuông đồng, trong đó một quả chuông “Bảo Minh Tự chung” có niên đại thời Tây Sơn (1795).

Tất cả những di vật quý này đã và đang là nguồn sử liệu quý giá trong việc nghiên cứu tìm hiểu về chùa Bát Tràng, làng Bát Tràng và sự phát triển Phật giáo ở Việt Nam.

Riêng đối với người dân làng Bát Tràng, ngôi chùa đã trở thành một phần gắn bó máu thịt, nơi thiết lập củng cố mối quan hệ đoàn kết xóm giềng, nơi nuôi dưỡng và vun đắp những truyền thống văn hoá dân tộc. Chùa Bát Tràng cùng với hệ thống các di tích ở Bát Tràng đã tôn thêm vẻ đẹp cho làng quê vốn đã nổi tiếng với nghề gốm truyền thống.

Năm 2002, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định xếp hạng Chùa Kim Trúc thôn Bát Tràng xã Bát Tràng là di tích lịch sử nghệ thuật.

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/09/Chùa-Bát-Tràng-Bát-Tràng.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chua bat trang.docx”]

Hits: 693

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *