CHÙA TRUNG TỰ

Phúc Long Tự nằm cạnh lối rẽ vào cuối ngõ chợ Khâm Thiên, chỉ cách đình Trung Tự và đình Kim Liên khoảng hai trăm bước. Địa chỉ: số 46 phố Đê La Thành, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.

Mặt chùa nhìn về hướng tây-nam, cổng chùa giáp mặt con phố Đê La Thành chạy song song với phố Xã Đàn vừa mới được mở mang nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Chùa Phúc Long đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1992. Khuôn viên chùa không lớn nhưng bên trong lưu giữ một nguồn tư liệu phong phú về vùng Trung Tự từ thời Lê trung hưng đến nay. Văn bia còn lại cho biết đây vốn là ngôi chùa cổ của thôn Trung Tự do các vị ni cô trụ trì và được mở mang với công sức của nhiều Phật tử ở phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long.

Từ Cách mạng Tháng 8-1945 đến những ngày đầu năm 1947, chùa từng là một địa điểm của những người tham gia kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội. Sau đợt máy bay Mỹ ném bom tàn sát khu Khâm Thiên vào cuối năm 1972, chùa trở thành nơi tạm trú của một số gia đình bị mất hết nhà cửa.

Ngày 11 và 12-8-2010, Đại lễ “Uống nước nhớ nguồn” đã diễn ra tại đây với hàng ngàn Phật tử, người dân cùng nhiều đại diện các cơ quan tham dự rước về Trung Tự giới hương từ các chùa Quán Sứ, Vĩnh Nghiêm, Phật Tích, đền Gióng, đền Trần, đền Vua Lê, đền Hồ Chí Minh và từ các nghĩa trang liệt sỹ lớn trên đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức trướng với dòng chữ: “Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ”.

Chùa Phúc Long trước kia đã trùng tu nhiều lần vào các năm 1892, 1894, 1925, cho nên mang nặng dấu ấn của phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn và không ai còn biết được diện mạo ban đầu. Đến năm 1947 chùa bị quân Pháp phá trụi. Năm 1951, sư trụ trì Thích Đàm Châm cho xây lại chùa, bao gồm 3 toà nhà chính.

Du khách bước vào cổng chùa sẽ thấy giữa hai gốc nhãn cổ thụ là một sân rộng với đầu hồi tòa tây đường ở bên trái. Đi qua đó mới đến sân giữa trước bậc thềm lên Phật điện. Tam bảo quay mặt ra cổng nhìn về hướng tây-nam, nơi xưa kia có đến một nửa dân làng Trung Tự sống bên ngoài đê. Toà tam bảo xây kiểu 2 tầng 8 mái, bao gồm nhà tiền đường 3 gian 2 chái được kết cấu với hậu cung 3 gian theo hình chữ “Đinh”. Góc sân giữa tây đường và tam bảo có nhà bia và một ban Sơn Trang nhỏ.

Tây đường gồm 3 gian 2 dĩ, gian bên phải thờ sư Tổ, gian bên trái thờ quận chúa Trịnh Thị Thuần. Đông đường cũng xây hình chữ “Đinh”, to hơn tây đường và nằm ở bên phải tam bảo. Nhà trai đường ở phía sau, gần vườn tháp mộ của các vị nữ sư Tổ. Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy sân trước khá rộng nhưng bị chiếm dụng một phần. Đầu năm 2014 chùa vẫn đang được trùng tu và tôn tạo cao to hơn, các tượng đều còn để mộc, chưa sơn son thếp vàng.

Có một tấm bia cổ dựng cạnh cửa vào góc sân giữa, sau bia là bệ thờ lộ thiên cao 1,7m với dòng chữ Hán “Duy nhạc giáng thần”. Văn bia ghi rõ lý do dựng chùa và bài văn ước về ruộng và các tiết cúng lễ của làng Trung Tự, soạn vào năm 1741 (Cảnh Hưng 2). Mặt trước bia nhắc đến công lao của quận chúa Trịnh Thị Thuần, bên phải là bài ước của bà, bên trái là bài ước của dân làng ghi năm 1836 (Minh Mệnh 17). Trong vườn có 3 tháp mộ, tháp thấp nhất 2m, tháp cao nhất 3,5m.

Giữa thượng và hạ điện có một ban thờ, nơi đặt pho tượng Cửu Long bằng đồng, hai bên bày đôi bình sứ, đèn nến đồng, bát hương cũng bằng đồng… Phía trên có treo bức đại tự “Thiên nam hiến thụy”, thượng lương ghi 4 chữ “Tuế thứ Tân Mão” tức năm Tân Mão xây lại chùa (1951).

Bệ thờ gồm ba bậc. Bậc thứ nhất có 6 pho tượng tạc bằng gỗ, chính giữa là Thích Ca, phía sau đặt 3 pho tượng lớn hơn ngồi cùng hàng, đội mũ, mặc áo cà sa, một tay để lên gối, tay kia cầm quạt chống trên đùi. Bậc thứ hai đặt một tượng Phật ngồi trên tòa sen, bên trái là một pho tượng Phật, tóc xoắn ốc, phía trước bày bát hương và đỉnh đồng nhỏ. Bậc thứ ba cao nhất có 6 pho tượng, chính giữa là Quán Thế Âm Bồ Tát, hai bên đặt 2 pho tượng đứng giống nhau, mặc áo cà sa, tay cầm Kinh Phật để trước ngực. Sau tượng Quán Thế Âm có một pho tượng ngồi trên tòa sen, tóc xoắn ốc, bên phải thấp hơn đặt một tượng ngồi, bên trái là một tượng đứng. Phía trên tượng Phật treo bức đại tự “Kim tân độ sinh”.

Gian bên phải tây đường có ban thờ một pho tượng sư Tổ mặc áo cà sa, cao 60cm. Gian bên trái trên án gỗ đặt tượng quận chúa Trịnh Thị Thuần, cao 40cm, hai bên phía thấp hơn đặt tượng thị nữ theo hầu. Lại có một quả chuông đề “Phúc Long tự chung” đúc năm 1902 (niên hiệu Thành Thái 14) được treo ngay trước cửa điện.

Phía đầu tường bên phải tòa tây đường có gắn 3 tấm bia đá: Bia thứ nhất ghi công đức bà Lê Thị Hương, thôn Trung Tự, phường Đông Tác, đã cúng 3 sào ruộng được 20 nguyên tiền gửi hậu cho chùa vào năm 1916 (Khải Định 1). Bia thứ hai được dựng vào năm 1925, do Chánh Lãnh binh Nguyễn Văn Đắc cung soạn. Bia thứ ba lập năm 1925 (Khải Định 10) ghi tên những người gửi hậu vào chùa.

Phía đầu tường bên trái có 4 tấm bia cũng của những người gửi hậu, tấm thứ nhất dựng năm Tân Tỵ 1941, tấm thứ hai dựng năm 1894 (Thành Thái 6); bia thứ ba chỉ có dòng chữ “Thành Thái Giáp Thìn niên, mạnh hạ nguyệt cát nhật” tức ngày lành tháng tư âm lịch mùa hè năm 1904; bia thứ tư ghi ngày lập vào năm 1894, trên bia ghi rõ người cúng tiến 60 quan tiền và 3 sào tư điền v.v..

[embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Chùa-Trung-Tự.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: chu trung tu.docx”]

Hits: 1236

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *