GIỚI THIỆU

Trong trường phổ thông, ngoài các tiết học chính khoá theo phân phối chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi môn học vào cuối kỳ đều có 2 tiết chương trình địa phương. Chương trình sử địa phương không có một bài dạy cụ thể nào, phần lớn đều do các thầy cô chủ động biên soạn và thực hiện. Vì không có giáo án thống nhất, lại bố trí ở cuối kỳ nên thường bị bỏ qua hoặc cho học sinh tự tìm hiểu lấy. Điều này dẫn đến nhiều bất cập khi thực hiện triển khai tiết dạy chương trình địa phương.

Mỗi địa phương có một truyền thống lịch sử khác nhau. Thầy cô giáo muốn dạy tốt tiết chương trình địa phương thường phải bỏ ra rất nhiều công sức tìm tòi, sưu tầm tài liệu. Việc sưu tầm tư liệu phục vụ cho tiết dạy chương trình địa phương rất mất thời gian (chỉ ở những địa phương có di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia hoặc các nơi có danh nhân nổi tiếng mới có sẵn tư liệu để dạy).

Bên cạnh đó, nguồn tư liệu về thần phả địa phương không có căn cứ nào, chủ yếu dựa vào các câu chuyện truyền lại trong dân gian, vì thế những kiến thức chương trình địa phương có khi chính những người trông coi di tích cũng không nắm vững nên việc cung cấp kiến thức địa phương cho các thầy cô giáo quả là điều khó.

Mặt khác, tiết dạy chương trình địa phương không có nội dung cụ thể trong chương trình, nên phòng giáo dục không có cơ sở để kiểm tra đánh giá. Giáo viên có thể “mạnh ai nấy làm”.

Vì những nguyên nhân trên, tiết dạy chương trình địa phương đã bị nhiều giáo viên xem nhẹ, thậm chí là bỏ qua.

Trong thực tế, học sinh lại rất có vẻ hào hứng với 2 tiết ít ỏi của chương trình này. Bởi qua đó, các em được biết thêm về những truyền thống văn hóa của địa phương. Các em cũng được đi tham quan những di tích lịch sử văn hoá của nơi mình sinh sống, để hiểu thêm về quê hương với những truyền thống tốt đẹp và công trạng của các bậc tiền nhân.

Để dạy tốt chương trình địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo đều có biên soạn cuốn “chương trình địa phương” trong phạm vi một tỉnh, thành phố, nhưng cũng chỉ cung cấp chủ yếu các di tích lớn đã được xếp hạng. Tại những địa phương không có di tích lớn, việc tìm hiểu gặp rất nhiều khó khăn.

Sẽ thật xấu hổ khi người nước ngoài đến Việt Nam lại rành rọt những di tích lịch sử hơn người địa phương đang sinh sống tại đó. Chúng ta mất nhiều tiền bạc để đi tham quan những nơi xa xôi, nhưng ngay tại địa phương ta có những thần tích gì thì chúng ta lại để các em học sinh hiểu “lơ mơ”. Như vậy là có tội với lịch sử mà cha ông đã dày công vun đắp.

Để khắc phục thực trạng trên, chúng tôi đã thực hiện sản phẩm DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HÓA HÀ NỘI, để giới thiệu các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của 14 quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội (tính trước năm 2008). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cung cấp những tư liệu uy tín về văn hóa Việt Nam, ẩm thực, đường phố Hà Nội. Chúng tôi mong muốn rằng sản phẩm DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HÓA HÀ NỘI sẽ là nguồn học liệu có ích, để các thầy giáo, cô giáo không chỉ giảng dạy Chương trình địa phương, mà còn giảng dạy Chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh được sâu sắc và hiệu quả hơn./.

Hits: 6648