ĐÌNH YÊN THÁI

Từ hồ Hoàn Kiếm, khách tham quan đi theo trục đường Hàng Gai, Hàng Bông đến số nhà 40, rẽ phải chừng 100 m nhìn thấy hai cây đa cổ thụ xum xuê là đến đình. Đình Yên Thái thờ bà Ỷ Lan, một nhân vật đã đi vào huyền thoại trong lịch sử của dân tộc ở thế kỷ XI – XII. Có nguồn tài liệu cho biết Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, có tài liệu chép là Lê Thị Mênh, tên thụy là Phù Khánh Linh Nhân Thái Hậu. Người hương Thổ Lỗi, nay là vùng Dương Xá (Gia Lâm) và xung quanh. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Ỷ Lan là một cô gái xinh đẹp và hay lam hay làm, hái dâu chăn tằm, quay tơ dệt lụa.

Bấy giờ Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, nhà vua và triều đình rất buồn phiền, thường đi cầu tự ở các đền chùa. Một hôm, trăm quan rước xe vua Lý Thánh Tông đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Khi vua đi đến Thổ Lỗi, nhân dân các làng bên đường trai gái, già trẻ đều đổ ra xem rước vua, riêng cô Yến hái dâu thì lại khác thường, lòng cô dửng dưng trước đám rước vua. Xa xa, nghe tiếng chiêng trống khua vang, tiếng quân lính hò hét, nhân dân hò reo, cô vẫn không ngừng tay hái dâu. Tới khi kiệu vua tới gần, mọi người chạy ra đường xem rước, cô mới tạm dừng tay chốc lát, chỉ đứng tựa gốc cây, mắt lơ đãng nhìn xa… Thấy bóng cô thôn nữ một mình thấp thoáng trong ngàn dâu xanh, Lý Thánh Tông lấy làm lạ, sai quân lính đòi cô đến trước xe hỏi chuyện. Cô Yến trả lời lưu loát, thông minh và ăn nói dịu dàng. Vua truyền đưa cô về kinh (Thăng Long), sai xây cung điện riêng cho cô ở (tương truyền sau này là chùa Kim Cổ, nay là số nhà 73 Đường Thành – Hà Nội), gọi là cung Ỷ Lan – cái tên “dựa gốc lan” là để ghi nhớ sự tích nhà vua gặp người đẹp tựa gốc cây thủa nào…

Ít lâu sau, Ỷ Lan sinh con trai. Nàng được tôn làm Ỷ Lan Nguyên phi (đứng đầu các phi) chỉ sau Hoàng hậu. Con trai Kiền Đức được lập làm Hoàng Thái tử… đổi hương Thổ Lỗi làm hương Siêu Loại, cải nguyên niên hiệu Chương Thánh – Gia Khánh năm thứ 8 thành niên hiệu Long Chương Thiên Tự năm đầu, đại xá thiên hạ.

Năm 1069, Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt cất quân đi đánh Chiêm Thành, vua giao cho Ỷ Lan trông coi việc triều chính…

Vua tôi Lý Thường Kiệt chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược (1075 – 1077) ngoài chiến trường. Ỷ Lan cùng Lý Đạo Thành dốc sức lo việc hậu phương.

Khi đã về già, trở thành Thái hậu, Ỷ Lan còn có nhiều công đức lớn, với triều đình, đất nước cũng như đối với nhân dân. Bà rất quan tâm đến văn hoá và cả đạo Phật đương thời.

Hiện nay chưa tìm được tư liệu nào ghi rõ chính xác năm xây dựng ngôi đình Yên Thái thờ Ỷ Lan. Song căn cứ vào 7 đạo sắc phong có tại đình, sắc có niên đại sớm nhất là Cảnh Hưng thứ 14 (1753), sắc muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924) thì có thể đoán định đình Yên Thái phải được xây dựng trước đó hàng trăm năm. Theo tương truyền ở địa phương, việc thờ cúng bà Ỷ Lan ở đình Yên Thái có từ sau khi bà mất. Theo bài ký khắc trên tấm bia thôn Kim Cổ, niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1860) ở chùa Kim Cổ: “Đồng Thiên quán là một trong tứ quán ở Thăng Long, quán này do Thái hậu Linh Nhân triều Lý xây dựng để thờ Tam Thanh (tức Ngọc Thanh – nơi ở của Nguyên Thuỷ Thiên Tôn; Thượng Thanh – nơi ở của Thái Thượng đạo quán; Thái Thanh – nơi ở của Thái Thượng lão quân)”. Sau thời Lê Trung Hưng, quán hư hỏng đổ nát, bèn dùng làm cung thờ Linh Nhân Hoàng Thái hậu, hai nách cung thờ phụ các cung phi trong lục cung… Năm Kỷ Dậu (1789), dân dồn quán sang thôn Yên Thái. Cả hai thôn đều được sắc chỉ ban tặng… Do có ông Bùi Thương Hàn làm quan ở đất thôn Kim Cổ, giữ chức Lại bộ Thị lang, đã bỏ ra 100 lạng bạc để tu sửa đình, công việc hoàn thành năm Tự Đức Kỷ Mùi (1859).

Đền mới lớn đẹp, cung thất thăm thẳm, tiếng nhạc viên mãn thoảng bay trong gió, xe rèm châu mờ tỏ đi về trong khoảng hai thôn Kim Cổ, Yên Thái. Quy mô kiến trúc chính của đình được xây dựng kiểu chữ công. Mở đầu kiến trúc là 3 gian tiền đình, một gian ngoại cung (ống muống), kiến trúc mới đơn giản, nối liền với 3 gian hậu cung. Gian chính giữa đặt tượng thờ bà Chúa tức Thánh bà Linh Nhân – Ỷ Lan, bên trái thờ tượng Mẫu, bên phải thờ Phật.

Nghệ thuật kiến trúc đáng quan tâm hơn cả, tập trung ở ba gian tiền tế với bộ khung vì kèo làm kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ truyền”. Bốn bức cốn nách phía trước là tác phẩm chạm khắc độc đáo với thủ pháp chạm nổi, chạm lộng đề tài truyền thống tứ linh (long, ly, phượng, mã), rồng cuốn thuỷ. Hậu cung xây tường bưng kín ba bờ, phía trước tạo ra hai mái giống như tiền đường, bộ khung đỡ đơn giản, kiểu “kèo cầu quá giang vượt”. Đình đã trải qua nhiều lần tu bổ. Bài ký ghi trên bia “Báo ơn công đức” đắp tại đình ghi “Đình được tu bổ năm Tự Đức thứ 10 (1857), đến năm 1926, đình được làm thêm ngoại cung (ống muống)”. Năm 2000, trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội đình lại được tu sửa một số bộ phận kiến trúc khác.

Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, xuân thu nhị kỳ, để kỷ niệm ngày sinh 15/3 đến 17/3 âm lịch, ngày hoá 23/7 đến 25/7 âm lịch của Thái Hậu. Đình đã được Bộ Văn hoá – Thông tin ra Quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hoá ngày 16/01/1995.

 [embeddoc url=”/wp-content/uploads/2017/10/Đình-Yên-Thái.docx” width=”0px” height=”0px” download=”all” viewer=”microsoft” text=”Tải xuống: dinh yen thai.docx”]

Hits: 2728

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *