Di tích Miếu Mèn
Từ hơn 4.000 năm về trước, khu vực này đã là địa bàn sinh tụ chính của cư dân Việt cổ thời Hùng Vương. Chứng tích vật chất của giai đoạn lịch sử này là các di chỉ khảo cổ học Đồi Cúc, Gò Hện ở Vạn Thắng, gò Mão Sơn được phát hiện vào năm 1962 và khai quật vào năm 1970 với bộ sưu tập các công cụ phong phú gồm: rìu đá mài hình tứ giác, bàn mài, mảnh gốm thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá mới ở nước ta. Văn bia, câu đối, thần phả, sắc phong… đều cho biết, di tích Miếu Mèn thờ Đức Quốc Mẫu – Man Hoàng Hậu, mẹ của Hai Bà Trưng. Sự tích nhân vật lịch sử này được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân và được ghi lại trong nhiều tài liệu trong đó điển hình là cuốn Ngọc phả do quan Hàn Lâm Đông Các Đại học sỹ Nguyễn Bính soạn vào ngày lành tháng ba năm Hồng Phúc Nguyên niên (1572). Man Hoàng hậu tên thật là Trần Thị Đoan hay còn gọi là Đoan Thị, quê ở làng Nam Nguyễn, tổng Cam Giá, trấn Sơn Tây. Theo truyền thuyết và thần tích thì bà thuộc dòng dõi các vua Hùng. Lúc sinh thời, bà là một người con gái xinh đẹp nhất vùng, lại có tài ứng biến, võ nghệ tinh thông. Lớn lên bà lấy ông Trưng Định làm Lạc tướng ở đất Mê Linh, cũng thuộc dòng dõi Hùng Vương. Hùng Định là một người khảng khái và có tinh thần yêu nước, thương dân. Uy tín của ông lan rộng khắp vùng và được tất cả mọi người kính phục.
Sau khi lấy chồng, Bà Man Thiện sinh hạ được ba người con, một người con trai mất sớm và ngày 01/8 năm Giáp Tuất (tức là năm 14 công lịch) bà sinh hai cô con gái, người chị tên là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Về cái tên của Hai Bà Trưng có nhiều giả thuyết. Một giả thuyết cho rằng, Trưng là lấy theo tên họ của cha là ông Trưng Định. Một thời gian sau, ông Hùng Định mất, bà Man Thiện phải một mình lo toan cày cấy, tằm tang, nuôi dạy hai cô con gái. Bà dậy hai con gái theo truyền thống Lạc Hồng. Lúc này, đất nước ta đang bị giặc Phương bắc đánh chiếm. Bà cùng với các con tích trữ lương thực, chiêu mộ anh tài chờ ngày khởi nghĩa. Khi lực lượng đủ mạnh, bà mới giao quyền lãnh đạo lại cho con rể và con gái. Như vậy, chính bà là người gây dựng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lịch sử ngay từ buổi ban đầu. Giữa lúc nghĩa quân Hai Bà Trưng đang chuẩn bị mọi lực lượng khởi nghĩa giành lại độc lập thì Thi Sách bị Thái thú Tô Định sát hại.
Trước hành động kiên quyết và ý chí phục thù của con gái, bà Man Thiện càng tin tưởng và gấp rút chuẩn bị để ủng hộ sự nghiệp cứu nước của con gái. Dựa vào lòng tôn kính và hoài vọng của nhân dân đối với các vua Hùng và uy tín của vị Lạc tướng đất Mê Linh, bà Man Thiện đã đi khắp nơi, từ vùng núi Ba Vì, Hưng Hoá, Tam Đảo, Tiên Du đến vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng để liên kết với các quan lang, thủ lĩnh địa phương chiêu mộ anh hùng hào kiệt, tuyển chọn dân binh thêm dày lực lượng.
Mặt khác, bà còn quan tâm đến việc đẩy mạnh canh nông, tích tụ lương thảo, bí mật luyện tập binh mã chờ ngày khởi nghĩa. Mùa xuân năm Canh Tý (tức là năm 40 công lịch), Bà và hai con gái gióng tiếng trống Mê Linh khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa kéo về bãi Trường Sa, cửa sông Hát (nay thuộc huyện Phúc Thọ) lập đàn thề, truyền hịch khởi nghĩa. Anh hùng hào kiệt khắp nơi kéo về tụ nghĩa, điển hình như: Lê Chân, Thánh Thiên, Xuân Nương, Phương Dung…Nghĩa quân tiến đánh thành Luy Lâu, thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở nước ta. Hai Bà Trưng đi đến đâu, đều được nhân dân hết lòng ủng hộ, nhanh chóng đánh tan quân Tô Định, thu phục 65 huyện, thành, giành lại độc lập trên toàn lãnh thổ. Cũng theo Thần tích kể lại, trong cuộc khởi nghĩa này, bà Man Thiện đã chỉ huy 7 vạn quân bản bộ cùng với lực lượng của hai con tiến đánh quân giặc. Từ sông Hát, quân khởi nghĩa vượt sông Hồng, tiến về Luy Lâu thủ phủ của Tô Định (vùng Thuận Thành – Bắc Ninh ngày nay). Quân ta đi đến đâu, quân giặc hốt hoảng, chạy tan tác. Tô Định phải cắt tóc, cạo râu bỏ trốn về Phương bắc.
Đất nước được hoàn toàn độc lập, Trưng Trắc được nhân dân suy tôn lên làm vua (Trưng Nữ Vương), đóng đô ở Mê Linh, phong cho em Trưng Nhị làm Bình Khôi Công chúa và tôn mẹ làm Man Hoàng Hậu. Không chỉ ở Kinh đô Mê Linh, bà Man Thiện đem quân về xây dựng căn cứ ở làng Nam Nguyễn nay thuộc Cam Thượng, Ba Vì để làm chỗ dựa cho hai con. Chưa kịp xây dựng phòng tuyến thì Mã Viện đuổi đến bao vây nghĩa quân. Trước sức mạnh hùng hồn của quân giặc, Hai Bà Trưng phải dựa vào núi Hy Sơn (một ngọn núi thuộc dãy núi Vua Bà ở Hoà Bình ngày nay) để quyết chiến. Song, vì thế cùng lực kiệt, hai chị em đã bị vây hãm. Trên đường rút chạy, đến khu vực bãi Sông ở Hát Môn, nơi mà năm xưa Hai bà cùng với mẹ và nghĩa quân lập đàn thề xuất quân, để không bị sa vào tay giặc, hai chị em đã gieo mình xuống sông tuẫn tiết vào ngày 6/3/43 (có tài liệu cho rằng hai bà hoá tại núi Hy Sơn, còn theo Hậu Hán Thư, một loại sách cổ của Trung Quốc cho rằng hai bà bị Mã Viện bắt và xử tử).
Trong khi đó, tại đồn Nam Nguyễn, Man Hoàng Hậu được tin hai con bị vây hãm đã hết sức căn phẫn bèn thu thập quân mã trong các huyện Phúc Lộc (Phúc Thọ ngày nay) và huyện Bạch Hạc (Vĩnh Phúc ngày nay) để cùng với đoàn chiến thuyền vượt sông Hồng lên sông Đà, qua vùng chân núi Ba Vì vòng về núi Hy Sơn tiến đánh quân giặc nhằm giải vây cho Hai con. Nhưng mới đi đến nửa đường thì quân Hán đuổi kịp và đánh gấp. Trước cảnh người mệt, ngựa mỏi, bà Man Thiện biết mình không sao thoát khỏi liền lên ngựa tả xung hữu đột phá vòng vây trong suốt nửa ngày trời, bà bị thương nặng. Cuối cùng, biết không thể chống chọi được, bà Man Thiện đã gieo mình xuống sông Hồng tuẫn tiết để không phải rơi vào tay giặc. Hôm ấy là ngày mùng mười tháng Chạp âm lịch. Xác của bà trôi về đến bến đồn Nam Nguyễn, diện mạo hồng hào như vẫn còn sống. Nhân dân địa phương và quân sỹ vô cùng thương tiếc vớt lên an táng tại khu đất cao trong đồn Nam Nguyễn, đặt tên là Gò Mả Dạ và lập miếu thờ để tưởng nhớ công lao của bà, Miếu đó gọi là Miếu Mèn (Miếu của Mẹ).
Đến thời Lý, do bị đại hạn, triều đình sai quân Cẩm Tĩnh Thiền Sư đến Miếu Mèn cầu đảo và rất linh ứng. Cảm ân đức của thần, vua Lý Anh Tông cho tu tạo lại toà Miếu cổ và ban sắc phong thần là: “Linh trinh phu nhân mẫu hậu vị đại vương thượng đẳng thần”. Các triều đại sau này đều phong tặng để ca ngợi công đức của Nữ thần Man Hoàng Hậu. Được người đời sau truy tôn là Đức Quốc Mẫu.
Miếu Mèn được xây dựng trên gò đất cao giữa cánh đồng, nhìn theo hướng Nam trông ra sông Hồng. Miếu Mèn là một công trình kiến trúc hình chữ Đinh gồm Tiền tế và Hậu cung. Vật liệu dùng trong di tích là những vật liệu bền vững có mặt phổ biến trong các kiến trúc tôn giáo truyền thống ở nước ta, gạch xây tường, mái lợp ngói ta, toàn bộ khung nhà làm bằng gỗ lim. Quy hoạch mặt bằng gồm khoảng sân hẹp ở trước Tiền tế, qua nhà Tiền tế là Hậu cung.
Hoa văn trang trí trong Miếu Mèn
Nhà Tiền tế gồm ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, phía trước xây thêm khoảng tường rộng hơn 2m, phần trên tường trang trí lồng đèn trụ biểu. Bốn bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu Thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ và bẩy hiên trên bốn hàng chân cột. Nhà Tiền tế được xây cao 40cm so với mặt sân, lát gạch hình vuông màu đỏ nhạt, kích thước 20 x 20cm. Lòng nhà Tiến tế để trống tạo không gian thoáng đãng mỗi khi có việc làng. Sát tường hồi phải làm sàn gỗ cao 1m20 để đặt long ngai, đồ tế tự cho trợ thủ của Man Hoàng hậu. Nhà Hậu cung gồm ba gian nhà dọc, nối liền với gian giữa của Tiền tế tạo thành hình chữ Đinh. Các bộ vì được làm theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ bẩy trên trên hai hàng cột chính.
Trong nhà Hậu cung, hai gian ngoài đặt hương án, kiệu thờ, gian trong cùng làm Mả Dạ (mộ của bà Man Thiện) nằm về phía Bắc cách Miếu khoảng 200m. Đây là một khu đất cao nằm giữa cánh đồng, giữa gò là ngôi mộ đất có kích thước lớn (3m x 3m x1m20).
Ngày 18/7/2010, UBND huyện Ba Vì đã khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích Miếu Mèn và mở rộng khuôn viên di tích với quy mô khá lớn gồm các công trình: Tiền Bái, Đại bái, Hậu cung, Nghi môn, Tả – Hữu vu, tường bao xung quanh di tích, lăng mộ Man Hoàng hậu, đường bê tông dẫn vào di tích và từ di tích sang mộ. Miếu Mèn và gò Mả Dạ là di tích về một nhân vật lịch sử lớn trong thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc ta. Trong quần thể di tích này, gò Mả Dạ gắn bó trực tiếp với nhân vật được thờ, Miếu là một công trình tưởng niệm vị anh hùng đã quên mình vì nước.
Ngoài miếu Mèn, đình làng Nam An cũng thờ Man Hoàng hậu. Hiện tượng Man Hoàng Hậu có mặt tại đình và được tôn làm Thành hoàng làng đã khẳng định vị trí to lớn của vị thần đối với dân làng và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc ta. Trước đây, nhiều người cho rằng ngôi đình làng là nơi độc chiếm của những người đàn ông, những nam thần, nên sự có mặt của bà Man Thiện trong tín ngưỡng Thành hoàng làng ở Nam An là cứ liệu quý cho việc tìm hiểu về lịch sử của ngôi đình, về văn hoá truyền thống ở nước ta. Nằm trong vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, di tích Miếu Mèn đã góp mặt để tạo ra một trung tâm văn hoá di tích lâu đời của dân tộc. Làm thành một trọng điểm của tuyến tham quan du lịch phía Tây Thủ đô Hà Nội. Trong đó Miếu Mèn, Lăng Phùng Hưng, Ngô Quyền là những di tích lịch sử lớn: Chùa Mía, đình Chu Quyến, Tây Đằng là những di tích kiến trúc nghệ thuật nổi danh trong cả nước.
Với những giá trị to lớn về khoa học, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Miếu Mèn đã được Bộ VH-TT nay là Bộ VH,TT&DL xếp hạng là di tích lịch sử – văn hoá theo Quyết định số 1539/QĐ-UBND ngày 27/12/1990.
Hits: 918