Đình Nhân Hiền tọa lạc trên một thế đất đẹp, trung tâm của làng, thuận tiện cho mọi người đến chiêm bái. Đình Nhân Hiền là một công trình văn hóa nghệ thuật vừa đẹp, vừa linh thiêng lại hết sức gần gũi với quần chúng nhân dân. Sự xuất hiện của đình cùng với câu chuyện về vị Thành hoàng là một dấu mốc cho một thời kỳ lịch sử đã qua. Cùng với hệ thống đình, chùa, miếu của Thủ đô, đình Nhân Hiền góp phần tạo nên nét đẹp riêng trong bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Nghi môn đình làng Nhân Hiền, xã Hiền Giang
Theo thần phả còn lưu giữ lại cho biết, vào giữa thời Lý Cao Tông, ở xã Yên Phúc, huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên (Ninh Bình ngày nay), châu Ái nước Việt ta có nhà ông Lý Các truyền đời giàu sang, lấy nếp Thi – Thư mà xử thế, lấy hiếu đễ để trị gia, đọc sách thì thiên kinh vạn quyển, tường thiên văn, tinh thông địa lý. Ông Lý thường thường du chơi khắp chốn, trải xem sông núi… Một hôm tới xã Nhân Hiền, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam, ông Lý vào tránh nắng tại một ngôi chùa ven sông. Đương lúc đó, ông chợt nhìn thấy một cô gái tuổi chừng đôi tám, dáng vẻ tươi tắn, dịu hiền bước xuống sông tắm. Vừa trông thấy cô gái, ông Lý đã đem lòng yêu mến và muốn lấy nàng làm vợ. Tắm xong, cô gái lên bờ rồi vào làng, ông Lý dõi theo, hỏi thăm và được biết cô gái họ Trần, đã mất cả cha lẫn mẹ, hiện đang ở với chú ruột là Trần Huy. Ông tìm đến nhà, gặp người chú và ướm hỏi cô gái làm vợ. Chú ruột cô gái thấy ông Lý là người đường hoàng, tuấn tú nên đã cho vời cháu gái ra và hỏi: “Nay có người khách từ phương xa đến hỏi cháu, cháu có ưng lòng lấy anh ta không?”. Cô gái liền ưng thuận. Lý Các về quê lo sính lễ mang tới xã Nhân Hiền, hôn lễ được cử hành. Ba bốn ngày sau, hai vợ chồng đưa nhau về xã Yên Phúc. Họ tu nhân, tích đức, không làm điều gì hại đến người, chuyên tâm tạo phúc dài lâu.
Đến một ngày, khí trời trong mát, cảnh sắc chan hòa, hai vợ chồng đang nhàn nằm trước án thư, bỗng thấy vọng xuống từ không trung giọi sấm:
Lý gia, Lý gia
Ta cho một gái ả
Lúc sống làm Hoàng Hậu
Chết rồi hóa thần mà
Tỉnh giấc, hai người biết ngay là điềm báo mộng. Sau một thời gian bà có mang, qua mười một tháng, đến mùa xuân (ngày 13 tháng 3) sinh ra một cô con gái. Một trăm ngày sau, nhớ lại giấc mộng mà đặt tên con là Ả Nương. Đến tuổi trưởng thành, Ả nương tuy là gái nhưng chí khí lại chẳng khác nam nhi. Cha mẹ thấy rõ tính khí của con bèn cho theo học thầy Hiên Đường. Được vài năm, văn chương đã quán triệt, võ nghệ tinh thông. Đến năm Ả Nương 16 tuổi, hai mẹ con xin ông Lý cho về quê thăm ngoại ở Nhân Hiền. Về đến quê ngoại được mấy tháng thì ông chú của bà Lý không bệnh mà đột nhiên qua đời, hai mẹ con lo ma chay, chôn cất chu đáo. Công việc xong xuôi thì trở về Yên Phúc.
Nhà Đại bái
Quan lại ở Nhân Hiền lúc mẹ con nhà Lý về chơi thấy Ả Nương xinh đẹp tuyệt trần, liền tấu trình lên vua rằng: “có người con gái ở xã Nhân Hiền, tuổi chừng đôi tám, dung nhan tuyệt sắc, chim sa cá lặn, dáng mạo trăng thẹn hoa hờn…”. Hoàng đế nghe tin liền sai xứ thần về Nhân Hiền triệu mẹ con họ nhưng họ đã trở lại Yên Phúc. Vua lại cho chiếu về Yên Phúc vời cha con Lý Các vào cung. Trông thấy Lý Các là người đường hoàng, dung mạo khác thường, người con gái thì thật hoàn hảo cả về tứ đức, vua bèn hỏi lấy làm Hoàng hậu thứ 8 (đệ bát Hoàng Hậu), suy tôn ông Lý làm Lý Tào Phán Quan, ở lại triều làm việc. Ông Lý từ chối không nhận chức, xin trở về quê. Lý Ả làm hoàng hậu được mấy năm rồi xin vua cho về quê thăm cha mẹ, vua chuẩn tấu. Bà về quê cha ở Yên Phúc, được một tháng thì Lý công mắc bệnh rồi qua đời. Hai mẹ con chôn cất, tang phục ba năm thì Hoàng Hậu quay về triều.
Bấy giờ ở xã Nhân Hiền, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín đang bị thiên tai, dịch bệnh hoành hành, dân làng lập đàn cầu đảo, qua nhiều phen mà vẫn không yên. Một đêm, các phụ lão dân làng đều mơ thấy một ông lão mặc áo xanh, tay cầm cờ vàng tự xưng là sứ giả nhà trời đến bảo: “Sáng mai có nữ quan trở về làng, dân làng các người hãy cử dân binh ra tận ngoài đường đón rước. Thiên đình đã định rồi, nếu không sẽ mang tội lớn, trời trách phạt, chớ có xem thường”. Trời sáng, mọi người hội họp và nói về giấc mơ lạ, tất cả đều mơ giống nhau, liền tụ tập ra nghênh đón vị nữ quan. Nhưng dân làng chờ suốt ngày, mãi định quay về thì chợt thấy bóng Hoàng Hậu về tới quán sở, nhân dân thỉnh mời bà vào quán sở chúc mừng, sau đó nghênh đón Hoàng Hậu vào trong ấp. Bà an cư ở quê ngoại một thời gian dài. Dân thôn lo sợ về dịch bệnh, đã trông cậy vào Hoàng Hậu, tất cả đều xin làm thần tử của bà, lại lập đàn kể về giấc mộng cho Hoàng Hậu nghe. Nghe xong, Hoàng Hậu triệu dân làng đến làm lễ, nhập đàn rồi phán: “Ta nay phụng mệnh Thiên đình làm phúc thần cai quản một ấp. Nay xin Thiên ôn chớ có nhiễu sách nhân dân của ta. Ta làm lễ khao tống Thiên ôn ra khỏi địa hạt của ta”. Xong Hoàng Hậu còn ngâm một bài thơ:
Trời đất sinh trên cõi nhân gian
Phụng mệnh Thiên đình bảo hộ dân
Ôn binh nếu biết theo ta khiến
Gấp rút xa rồi chớ nhiễu nhương
Ngâm xong còn truyền cho nhân dân làm lễ ba bốn ngày, bệnh dịch liền được dập tắt. Sau khi bà chết, vua sai quan quân về xã Nhân Hiền xây miếu cho nhân dân phụng thờ bà, các quan về xây miếu đã chọn một khu đất đẹp, vua ban cho 500 quan tiền và 10 hốt vàng, qua ba tháng hoàn thành, nhà vua cũng phong cho bà là Lý Ả hoàng hậu thứ tám, sắc chỉ cho dân làng Nhân Hiền phụng thờ.
Bàn thờ chính giữa Đại bái của đình
Cũng theo các cụ cao niên ở đây kể lại, đình Nhân Hiền trước đây rất to, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã bị giặc Pháp phá hủy bởi vì treo cờ tổ quốc và nhiều khẩu hiệu cách mạng. Hiện nay, đình được nhân dân đóng góp xây dựng lại với nghi môn, sân đình, đại bái, trung cung, hậu cung và vườn cây xung quanh. Nghi môn đình được dựng công phu với hai cột trụ lớn, đỉnh đắp tứ phượng chầu, tiếp đến là các ô lồng đèn đắp tứ quý, thân trụ đắp nổi các đôi câu đối chữ Hán rất đẹp, ca ngợi công đức của Thành hoàng làng và ca ngợi cảnh đẹp của di tích; qua nghi môn là một khoảng sân đình, trồng nhiều cây xung quanh tiếp đến là nhà Đại bái, tòa nhà được phục dựng khá lớn với 5 gian 2 dĩ, đây là nơi tập trung nghệ thuật kiến trúc của ngôi đình, nơi để các nghệ nhân điêu khắc của làng, vì là nơi hành lễ nên tòa Đại bái có diện tích lớn, trang trọng và bề thế, kết hợp với hậu cung tạo thành bố cục hình chữ Đinh. Gian chính giữa Đại bái đặt một bàn thờ với nhiều đồ tế khí đẹp như đỉnh đồng, chân nến, chóe sứ… Nối từ gian giữa Đại bái vào là Trung cung rồi đến Hậu cung, là điểm nối nên kiến trúc trung cung không có gì đặc biệt, tào hậu cung có 3 gian, bộ vì làm theo kiểu giá chiêng, kẻ chuyền, ở hậu cung đặt khán thờ Bát vị Lý Ả và long ngai bài vị hai vị Đại vương Lôi Công và Tây Công.
Các bộ vì nóc đều được người dân làng nghề Nhân Hiền chạm trổ tài tình
Trong đình hiện nay còn giữ lại một số di vật quý như đỉnh đồng chạm tứ quý, chân nến đồng; hoành phi (Hàm hoằng quang địa – Nhân Hiền Vạn đại – Mỹ tục khả phong – Hinh đạt đằng phương); 5 đôi cấu đối gỗ phẳng; 1 đôi nghê gỗ chạm khắc công phu trong thế đứng dũng mãnh, đuôi nghê hình vân mây, mũi hình sư tử, niên đại thế kỷ XIX; 2 bộ kiệu’ 2 long ngai bài vị, long ngai có số đo bằng nhau, cao 90cm, rộng 47cm; 9 đài nước; 2 trống cái; 3 đôi cây nến đồng; 4 đỉnh đồng, trong đó có một đỉnh hình vuông; đôi hạc đồng thời Nguyễn cao 1m45. Thần sắc, 03 sắc ban cho Bát vị Lý Ả và 03 sắc ban cho thần Bản thổ vào các năm Cảnh Hưng thứ 44, Quang Trung thứ 5, Cảnh Thịnh thứ 4. Đặc biệt, đôi nghê chạm bằng gỗ rất đẹp. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, đôi nghê này vốn trước đây gắn ở tay ngai trụ biểu, sau khi bị giặc tàn phá đình, đôi nghê còn sót lại và được nhân dân cất giữ cẩn thận, khi phục dựng lại đình đã đưa vào trong trung cung, gắn trên lối cửa thông vào hậu cung. Trải qua mất mát nên nhân dân nơi đây rất có ý thức giữ gìn những di vật của đình, vì vậy chúng đều trong tình trạng được bảo quản tốt.
Đôi nghê gỗ chạm khắc tinh xảo, đôi nghê còn sót lại của ngôi đình cũ bị giặc Pháp đốt
Lễ hội làng Nhân Hiền diễn ra từ ngày mồng 10 đến hết ngày 13 tháng 3 âm lịch, đây là lễ hội thuần túy của cư dân nông nghiệp lúa nước, liên quan đến ngày sinh, ngày hóa của thành hoàng làng. Công tác chuẩn bị lễ hội tiến hành trước đó hàng tháng, các bô lão trong làng họp phân công công việc cụ thể từ người chỉ đạo đoàn rước đến tế lễ, rước ra làng Vân Trai, sau đó trai làng sẽ được chọn lựa phục vụ lễ hội. Đến ngày mồng 9, buổi sáng dân làng quét dọn vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, các thành viên trong ban khánh thiết chuẩn bị các nghi thức và chương trình cụ thể, tối mồng 9 làm lễ mộc dục, bao sái khám thờ, long ngai, bài vị thành hoàng, kiệu rước và các đồ tế khí, Lễ mộc dục được tiến hành rất trang trọng, làm lễ trước rồi xin Thành hoàng xin kiệu rước ra giếng nước giữa cánh đồng cạnh đình lấy nước về bao sái. Kiệu rước nước 4 người khiêng, khi ra giếng, cụ tiên chỉ sẽ dùng gáo cán đồng múc nước vào chóe sứ, rước về làng đổ nước ra thau đồng, dùng khăn lụa đỏ báo sái tượng thánh. Mọi thao tác làm lễ mộc dục đều rất tỉ mỉ, để mọi thứ được chạy tịnh, sạch sẽ.
Ngày mùng 10, làng Nhân Hiền rước sang làng Vân Trai xã Văn Phú gồm 2 kiệu, kiệu hoa rước lễ, kiệu bát cống rước Thành hoàng, đội kiệu theo quy định của làng là những thiếu nữ chưa chồng, đi đầu đoàn rước là đội bát âm, cờ, trống và cỗ kiệu rước thánh sau kiệu là đội tụng kinh, hàng bát bửu, kiệu thứ hai rước các lễ vật gồm hoa quả, đồ lễ, có đội múa rồng biểu diễn quanh kiệu. Đến ngày 13, kiệu lại được rước từ Vân Trai về đình Nhân Hiền. Các ngày tuần tiết và lễ lớn và cũng có lễ tại đình làng và được quy định cụ thể trong thần phả.
Lễ rước Thánh
Với những giá trị về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, ngày 05/02/2007, đình Nhân Hiền được UBND tỉnh Hà Tây (nay Hà Nội) công nhận là di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.
Hits: 1470