Ông bà bỗng giật mình và tỉnh mộng. Từ đó, bà thấy trong người chuyển động và có mang. Điềm trời báo mộng ông bà sẽ sinh ra 3 nam tử. Sau khi sinh ba năm, ba người con của ông bà có tướng thần uy lẫm liệt. Ông bà liền đặt tên cho người con thứ nhất là Lê Viết Hồng, người con người con thứ hai là Lê Viết Tuấn và người con thứ 3 là Lê Viết Trân. Năm lên 9 tuổi, 3 anh em tầm sư học đạo. Sau ba bốn năm, học vấn đã tinh thông, văn chương quán triệt, trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Những người đồng liêu vô cùng thán phục. Sau khi cha mẹ qua đời, ba ông tìm nơi phúc địa mai táng và hương hỏa theo đúng lễ nghĩa tại bản trang.
Ngày ấy, giặc Tống đem quân sang xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành triệu tập đình thuần luận bàn kế sách chống giặc và truyền hịch đi bốn phương tìm người hiền tài ra giúp nước. Nghe tin, ba ông lai kinh ứng tuyển và đối đáp thông lầu. Nhà vua cho đây là bậc kỳ tài nên ban cho chức tước và 10 vạn binh mã thống xuất 3 quân. Sau khi toàn thắng, ba ông làm biểu tấu lên nhà vua luận công ban thưởng và cho hồi hương về bản quán khao thưởng dân binh và hương hỏa cho gia tiên. Ba ông ban vàng bạc cho dân thôn sửa sang miếu đường. Đang trong lúc yến ẩm thì trời đất hối minh ba ông liền hóa, đi vào cõi vô thủy vô chung của trời đất. Nhân dân vô cùng thương tiếc liền làm biểu hành tấu lên triều đình ban cấp sắc phong thờ cúng muôn đời, trường tồn cùng với trời đất.
Long ngai bài vị trong đình
Đình được người xưa xây dựng theo hướng Đông – Nam, phía trước là đường bê và giếng cổ (mang ý nghĩa tụ phúc, tụ thủy cho dân làng) cùng một số cây cổ thụ rêu phong như tôn thêm sự linh nghiệm và trầm mặc cho di tích. Đình kết cấu theo kiểu chữ “Đinh”, bao gồm các hạng mục, giếng cổ, cổng, đại bái, hậu cung. Giếng cổ nằm sát đường bê tông của làng, rộng chừng một sào Bắc Bộ. Chiếc Giếng này hiện diện tại di tích đã lâu. Các cụ trong làng cho biết, giếng đình Ngè xưa kia là giếng đất, có mạch ngầm sâu, nước đầy và trong vắt, cả xóm đều dùng. Hiện nay, giếng đã được bó vỉa bằng gạch chỉ ở phía trên, lối dẫn xuống phía dưới xây bậc, bên trên là 2 trụ nhỏ, xung quanh bờ giếng là những cây dương sỉ và cây dại mọc xung quanh. Cổng là hạng mục nhỏ mới được tu tạo trong những năm gần đây, gồm 1 lối đi nhỏ dẫn vào sâu, có hai cổng sắt đóng mở. Cổng được tạo tác khá giản lược gồm 2 trụ nhỏ xây vuông vức theo tiết diện hình học, có 2 bậc dẫn lên. Đỉnh trụ đắp đôi nghê chầu bằng sứ, mang ý nghĩa kiểm soát tâm linh cho khách hành hương.
Mũ, hia được thờ trong đình
Tiếp đến là nhà đại bái, đây là ngôi nhà ngang 3 gian hai dĩ, làm theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai trụ biểu, hai mái chảy lợp ngói ri cổ. Đứng từ ngoài nhìn vào, đỉnh hai đầu bờ nóc là 2 con kìm lá cách điệu, đuôi xoắn theo chiều kim đồng hồ, chầu vào hổ phủ đội lá hỏa. Từ đầu 2 bờ nóc là các bờ dải chạy thoải giật cấp xuống phía dưới theo hình tay ngai. Phía ngoài cùng là 2 trụ biểu tạo tác giống nhau. Đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu ép thân hình trái dành, đuôi chụm lại hướng thiên, đầu ngoảnh ra bốn hướng; phía dưới là ô lồng đèn trang trí những chữ “Thọ” cách điệu; thân trụ soi gờ kẻ chỉ; đế trụ thắt cổ. Từ sân bước lên khoảng 30cm là tới cửa. Tương ứng với 3 gian giữa là 3 bộ cửa bức bàn, 2 gian bên quây kín có trổ của chữ “Thọ” cách điệu hình vuông để tạo sự thông thoáng. Nền đại bái lát gạch Bát Tràng màu đỏ.
Các bộ vì bên trong được làm theo 2 dạng cách: Hai bộ vì giữa được làm theo kiểu “Thượng giá chiêng con nhị, hạ cốn rường” trên 3 hàng chân cột. Từ 2 đầu bờ tường là 1 quá giang chạy ngang luồn qua cột cái. Trên quá giang là 2 cột trốn đứng trên đấu kê hình vuông thót đáy (câu đầu phía trong là phần trên của cột cái) đỡ câu đầu. Trên câu đầu là những trụ chốn nhỏ và con nhị được xếp thành 3 lớp tạo thành hình giá nghiêng đỡ đấu kê hình thuyền và thượng lương. Câu đầu ghi dòng chữ Hán: “Hoàng triều Khả Định” thập niên thu cát vượng/Tam thiên cửu giáp đồng tu lý cát vượng.
Bát hương sành thời Lê
Cũng từ thân trụ trốn là những con rường được kê bằng những dấu kê thoải dần tạo thành hình tam giác. Ở đầu rường phía ngoài là những hoành vuông và rui đỡ mái. Hai bộ vì bên đục làm theo kiểu “kèo kẻ quá giang” trên 3 hàng chân trốn 2 cột. Vào thời khởi dựng, bộ vì này được làm theo kiểu “Thượng đinh hạ kẻ”. Dấu tích của bộ vì thượng hình chữ “đinh” chỉ còn lại trên lỗ mộng. Tại hạng mục đại bái, các cấu kiện không có họa tiết hoa văn, chỉ bào trơn bóng bén thiên về độ bền chắc và bài trí các đồ thờ tự. Gian giữa được bài trí y môn, cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án…
Hai gian bên là 2 ban thờ nhỏ cùng hoành phi, câu đối và những gươm trường bát cửu.
Nghê thời Mạc
Qua nhà đại bái là đến hậu cung, hậu cung là ngôi nhà dọc 2 gian, làm theo kiểu tường hồi bít đốc nối từ gian giữa đại bái về phía sau, tạo thành chữ “Đinh”. Các bộ vì bên trong được làm theo 2 dạng cách: Bộ vì giữa được làm theo kiểu “Thượng đình, hạ cốn rường” trên 4 hàng chân trốn 2 cột gối lên 2 đầu bờ tường. Từ 2 đầu cột cái là 1 câu đầu chạy ngang, trên câu đầu là 1 trụ dọc chạy thẳng đỡ thượng lương. Hai bộ vì nách của bộ vì giữa gồm những thanh rường xếp nếp và lót bằng những đấu kê đỡ hoành xà và mái. Hai bộ vì hồi được làm theo kiểu “chồng rường” trên 4 hàng chân trốn 2 cột. Bộ vì này được tạo bởi các con rường chồng khít không có đấu kê. Tại các cấu kiện này không trang trí hoa văn, chỉ thiên về độ bền chắc. Tại Hậu cung bài trí 3 ban thờ. Ban thờ giữa đặt 3 bộ long ngai bài vị, chân đèn đồng. Hai ban thờ bên đặt giá và những hộp quả. Hiện, trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: cửa võng, long ngai bài vị, bát hương sành, chân đèn đồng, mâm bồng, thống gỗ, giá văn, chiêng đồng, lư hương, nghê sành, ống hương, câu đối gỗ, sập thờ, hạc gỗ…
Về phần lễ hội, lễ chính trong năm diễn ra từ ngày mồng 6 đến ngày 15/8 âm lịch để tưởng nhớ công ơn của thành hoàng làng đã âm phù dương trợ cho nhân dân được ấm no. Để chuẩn bị cho lễ hội, các chức sắc trong làng đã họp bàn và phân công cụ thể cho từng thành viên trong ban khánh tiết như chỉnh trang, vệ sinh đường làng ngõ xóm, sẵm sửa lễ vật, ai vào đội tế, ai khiêng kiệu, ai cầm kiếm lệnh, cờ, biển, tàn tán, trống… đều được niêm yết tại đình, các trưởng họ ra xem nếu có tên con cháu thì về đôn đốc thi hành.
Tiếp đến là làm lễ mộc dục long ngai bài vị của đức thành hoàng làng, lễ này do các cụ cao niên và các cụ cai đám tiến hành. Nước làm lễ mộc dục là nước lấy từ giếng đình, gần đình có thuyền chở tiên chỉ làng ra giữa giếng múc nước vào chóe sứ to, dùng đòn có sơn son thiếp vàng khênh, trên phủ nhiễu điều thêu rồng, các kỳ mục mặc áo tế rước về để trong hậu cung đình làm nước cúng và bao sái các đồ thờ, khăn dùng làm lễ là khăn bằng vải màu đỏ. Khi làm lễ mộc dục xong, nước được đem tưới cây trong khuôn viên của đình, khăn vải được chia nhỏ và phát cho mọi người. Lễ vật gồm mâm xôi được làm từ nếp cái hoa vàng, giã trắng chọn kỹ đồ trong chõ, thổi xong, xôi được cho vào cối giã mịn rồi đóng thành oản cúng cùng với thủ, lòng lợn, trầu rượu, hoa quả… Ban tế gồm 14 người, được lựa chọn là những người có đạo đức tốt, gia đình song toàn. Chủ tế là tiên chỉ làng, đông xướng là thứ chỉ làng, tây xướng là trưởng hoặc phó hội đồng kỳ mục, 8 người khác phụ tế để dâng hương, rượu, chúc đều là những kỳ mục trong làng chúc từ 1 đến 3 hội tế. Nội dung văn tế ca ngợi công đức của Thành hoàng làng đã che chở cho dân làng yên ấm, cầu mong mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh, bách gia trăm họ đều được ấm no.
Sắc phong thời Lê còn bảo lưu tại Đình
Lễ rước, trước khi vào hội rước, kiệu được bao sái cẩn thận, sạch sẽ. Làng có 3 kiệu rước các đức ngài, lựa chọn kỹ càng những người tham gia đội hình rước, đều phải là những người khỏe mạnh, có đạo đức tốt, đội hình rước theo thứ tự: 5 cờ thần đi đầu, tiếp đến 2 trai tráng bồng gậy lậu (gươm vàng), đội bát âm, 2 thủ hiệu đánh trống cái và chiêng; ông tổng cờ, đoàn kéo ngựa với 8 người kéo và 1 người đánh trống khẩu cầm lệnh, 2 người che lọng 2 bên ngựa, đội bát bửu, chấp kính; đội vác tàn tán; đội kiệu với 8 thiếu nữ tuổi từ 16 đến 18, đội hát chèo cuối cùng là dân làng theo đội rước. Ngày 10/8 (âm lịch) rước từ đình Thượng xuống đình 3 thôn; ngày 11/8 (âm lịch) rước từ đình 3 thôn về đình Trung; ngày 12/8 (âm lịch) rước từ đình Trung về đình Thượng.
Trong thời gian diễn ra phần lễ, phần hội cũng được tiến hành song song, đan xen với đủ các trò chơi, hát cửa đình, hát chèo… thu hút đông đảo nhân dân tham gia nên tạo cho không khí của lễ hội thêm phần náo nhiệt. Cũng tại lễ hội, diễn ra nhiều trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, đánh đu, đi cầu treo… đặc biệt nhất là hội đấu võ, tối đến tổ chức các đêm văn nghệ, hát ca trù, diễn chèo…
Bên cạnh đó, thôn Triều Đông còn được ví là làng khoa bảng của huyện Thường Tín, bởi chính mảnh đất này, trong thời ký nhà Hồ có cụ Lý Tử Tấn đỗ Tiến sỹ đồng khoa với Nguyễn Trãi cùng phò Lê Lợi đánh đuổi quân Minh giành độc lập dân tộc. Thời Lê có Đào Duy Hổ đỗ tiến sỹ và làm quan. Thời nhà Nguyễn 3 ông cháu, con họ Bùi gốc Triều Đông trú tại Mẫu quán Trân Cầu (Hà Nam) đều đỗ tiến sỹ là Bùi Phấn, Bùi Quê (con Bùi Phấn) và Bùi Dị (con Bùi Quê) được vua tự Đức khen là “Thiên hạ đỗ đạt có nhiều nhưng chỉ có họ nhà Bùi Trân Cầu là 3 đời đều đỗ tiến sỹ”. Tiếp đến em Bùi Dị là Bùi Kỷ đỗ Phó bảng, cụ Bùi Diệu ở làng đi thi đỗ cử nhân.
Với những giá trị đó, ngày 12/9/2013, đình Nghè được UBND thành phố ra quyết định công nhận là Di tích kiến trúc, nghệ thuật.