Đình An Lãng (Thường Tín)

Đình An Lãng thuộc xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội (xưa thôn An Lãng được gọi là thôn Yên Lãng, tổng Vạn Điểm, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng). Với những kiến trúc độc đáo, ngày 28/6/1996, đình An Lãng được xếp hạng di tích quốc gia.

Theo thần phả và các cụ cao niên, đình An Lãng thờ tam vị hoàng đế thời Tiền Lê: gồm Lê Hoàn (941-1005), sinh năm Tân Sửu 941, quê ở Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Thân sinh là Lê Mịch, thân mẫu là bà Đặng Thị Sen. Năm 979, vua Đinh Bộ Lĩnh bị sát hại, các tướng lập Đinh Toàn mới 6 tuổi lên nối ngôi, các đại thần vốn là anh em kết nghĩa với Đinh Bộ Lĩnh như Đinh Điền và Nguyễn Bặc làm phụ chính, còn Lê Hoàn thì lại được phong làm Nhiếp phó vương.

Nhà Tống ở Trung Quốc nhân cơ hội đó đem quân xâm lấn Đại Cồ Việt, lực lượng của quân Tống rất mạnh với 30 vạn quân từ Ung Châu, Quảng Châu chia làm hai đường thủy bộ tiến đánh nước ta. Vua nhà Đinh thì còn nhỏ, mà đất nước thì đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vì vậy, Thái hậu Dương Vân Nga đã khoác áo “long cổn” trao ngôi vua cho Lê Hoàn. Lê Hoàn lên làm vua, lấy hiệu là Lê Đại Hành, đặt niên hiệu là Thiên Phúc, vẫn lấy tên nước là Đại Cồ Việt và vẫn đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình). Sau khi lên làm vua, Lê Hoàn gấp rút chuẩn bị cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, Lê Hoàn đã cho quân đi trấn thủ các nơi hiểm yếu.

Thời vua Lê Hoàn rất chú trọng đến việc xây dựng quân đội, những người nắm quyền chủ yếu là các võ tướng đã từng tham gia cuộc đánh dẹp các sứ quân, hoặc là các Hoàng tử. Về sau một số văn thần cũng được cất nhắc lên giữ những chức vụ quan trọng thay dần các vị sư giỏi. Nhà nước thời Tiền Lê cũng bắt đầu phong cấp “hộ nông dân” cho các tướng làm bổng lộc suốt đời. Nhìn chung, nhà nước thời Lê Hoàn tuy đã tiến một bước quan trọng trên con đường khẳng định nền độc lập  dân tộc, nhưng vẫn còn rất đơn giản, thể hiện sự quá độ sang thời kỳ phát triển ổn định theo hướng phong kiến hóa ngày càng vững chắc và mang ý thức dân tộc.

Thứ hai là vua Lê Trung Tông (983-1005); vua Lê Trung Tông tên húy là Lê Long Việt, sinh năm Quý Mùi 983, Lê Long Việt là con trai thứ ba của vua Lê Đại Hành, tương truyền Hoàng hậu thứ ba của vua Lê Đại Hành làm lễ cầu tự ở núi Bằng Trinh, nằm mơ thấy hai con rồng từ trên trời rơi xuống hóa thành hai đứa trẻ, tranh nhau ôm mặt trời. Một đứa nói: “Tao là anh, mày là em, sao mày tranh nhau với tao”. Đứa trẻ kia liền giao mặt trời cho đứa trẻ vừa xưng là anh, nó đi mấy bước rồi rút dao ra nói: “Mặt trời là của báu, anh thì anh, tao cũng giết”, nói xong bèn đâm một nhát dao, đứa trẻ vừa xưng làm anh chết ngay tại chỗ, đứa trẻ kia cướp lấy mặt trời chạy đi. Tỉnh mộng Hoàng hậu thứ ba có thai và ngày 10/1 năm Quý Mùi 983, sinh được một người con trai, đặt tên là Lê Long Việt. Hai năm sau, Hoàng hậu lại sinh thêm một người con trai nữa, đặt tên là Long Đỉnh. Khi đến tuổi trưởng thành, lúc bấy giờ có giặc Chiêm Thành sang xâm lấn bờ cõi, vua Lê Đại Hành muốn thử tài các con, nhà vua giao cho Lê Long Việt và Lê Long Đỉnh ba vạn tinh binh cùng mười mấy viên tỳ tướng đi đánh giặc Chiêm Thành. Long Đỉnh cầm quân xin đi đánh giặc Hoan Châu và đem quân đi trước, còn Long Việt ở lại sau một ngày. Trước lúc lên đường, vua Lê Đại Hành có dặn Long Việt rằng: “Ý của em con muốn thắng con, xong mệnh trời đang tựa vào con, con chớ có lo”. Long Việt lạy tạ vua cha, đem quân đi đánh giặc và chém được hơn nghìn đầu giặc, thu được nhiều chiến lợi phẩm đem về kinh đô, thắng trận trở về, Lê Long Việt được lập lên làm Thái tử. Năm Ất Tỵ 1005, vua Lê Đại Hành mất. 3 là vua Lê Long Đĩnh, vua Lê Long Đĩnh sinh năm Ất Dậu 985, còn có tên húy khác nữa là Chí Trung, là con trai thứ 5 của vua Lê Đại Hành. Sau khi lên làm vua, Lê Long Đĩnh lấy hiệu là Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế, vẫn sử dụng niên hiệu là Ứng Thiên, vẫn đóng đô ở Hoa Lư.

Khu di tích đình An Lãng tọa lạc trên một thế đất đẹp ở phía đông bắc của làng An Lãng, bao gồm cổng ngũ môn, ngôi nhà đại bái, trung cung và hậu cung. Cổng đình kiến trúc xây tường đồ sộ áp liền với nhà đại bái. Cổng mở năm cửa gọi là ngũ môn, mỗi cửa ứng với từng gian của nhà đại bái. Cửa làm theo kiểu thức vòm mai cua lối gôtích của kiến trúc Pháp. Phía trên cửa vòm, mái xây theo kiểu chồng diêm hai tầng mái lợp giả ngói ông hoặc đắp cuốn thư. Ngăn giữa các cửa là cột trụ biểu được tạo tác cầu kỳ, trang trí đắp nổi hoa văn truyền thông tứ linh long, lý, quy, phượng, tứ quý gồm tùng, cúc, trúc, mai.

Ngôi đình chính gồm nhà đại bái, nhà trung cung và nhà hậu cung. Hai ngôi nhà đại bái và hậu cung được xây hình chữ Nhất chạy song song, nối kết ống muống bằng ngôi nhà trung cung để tạo thành chữ Công.

Ngôi nhà đại bái là công trình kiến trúc to lớn, gồm năm gian có chiều dài 19,4m, được xây kiểu dáng tường hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói mũi; phía trước áp gần cổng ngũ môn, ứng với năm cửa ra vào. Những bộ cửa làm theo kiểu bức bàn khuôn đố chắc khỏe. Bộ khung nhà làm bằng gỗ tứ thiết. Bốn hàng cột gỗ lớn có chu vi 1,45m, phía trên xẻ đầu để lắp câu đầu. Các bộ vì được kiến trúc theo kiểu thức thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên. Hệ thống xà ngang, xà dọc, câu đầu liên kết hệ thống bốn hàng cột tạo thành bộ khung nhà chắc khỏe Kiểu thức kiến trúc của ngôi nhà này rõ ràng được làm vào thời Nguyễn muộn. Trên các kiến trúc gỗ có tám bức cốn được chạm khắc cả hai mặt những cảnh “ngư long hý thủy”, cúc, trúc, thông, mai, ứng với thông tin đình được tu bổ năm 1929, đời vua Bảo Đại.

Ngôi trung cung là kiểu nhà cầu ống muống. Lối kiến trúc này có trọng tâm là hai hàng cột cái với bốn chiếc cao 6,50m tạo nên một kiến trúc khá độc đáo theo kiểu thức hai tầng tám mái chảy lợp ngói mũi và bốn đao cong. Trên các lớp kiến trúc gỗ ở phần cổ diềm vẽ tranh tứ quý, ở hai đầu đốc chạm nổi hổ phù làm tăng thêm vẻ uy nghiêm của đình thờ thành hoàng làng.

Ngôi hậu cung có cấu trúc mặt bằng hình chữ Nhất nằm song song với nhà đại bái, nối với nhà trung cung để tạo thành chữ Công. Đây là ngôi nhà ba gian, xây tường hồi bít đốc, có hai mái lợp ngói mũi. Kiến trúc các bộ vì làm theo kiểu thức “chồng rường” thiên về bào trơn đóng bén. Gian giữa hậu cung đặt ban thờ có long ngai, bài vị thờ thần thành hoàng và nhiều đồ thờ. Đình An Lãng còn bảo lưu được nhiều hiện vật có giá trị của thời Nguyễn như hoành phi, câu đối, hương án, bát hương, ngai thờ, bài vị; đặc biệt là cuốn thần phả và các đạo sắc phong của các thời Lê – Nguyễn phong mỹ tự cho thành hoàng làng An Lãng.

Lễ Hội đình Làng An Lãng được diễn ra từ ngày 11, 12 ,13 tháng 8 âm lịch hàng năm. Cũng như các lễ hội khác trong vùng, Lễ hội đình An Lãng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của đông đảo nhân dân trong vùng. Lễ hội còn là dịp để người dân ngày nay bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ về tiên tổ, cội nguồn, người có công với dân, với nước và sáng lập ra làng, đồng thời nguyện cùng nhau giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa làng quê, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hits: 880

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *