Đền Văn Hiến (Đan Phượng)

Đền Văn Hiến, tên chữ là Văn Hiến Đường thuộc làng Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Xưa kia Đền Văn Hiến là văn chỉ thờ Khổng Tử và là nơi biểu dương các danh nhân khoa bảng trong làng. Sau khi Thái úy Tô Hiến Thành, người con ưu tú của quê hương qua đời, nhân dân xây mộ và thờ ông tại đây. Tháng 11/1991, Bộ Văn hóa-Thông tin thể thao và du lịch đã xếp hạng đền Văn Hiến là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.  

Đền là nơi thờ chính hai vị đại hiền của làng Hạ Mỗ là Thái úy Tô Hiến Thành và quan nghề Đỗ Trí Trung. Năm Duy Tân thứ 2 (Mậu Thân – 1908), sau lễ Đồng Giáng bút tại chùa Hải Giác (Đinh Mùi – 1907), các nho sĩ và nhân dân Hạ Mỗ tiến hành sửa sang, quy hoạch lại di tích thành đền Văn Hiến như ngày nay.
Đền Văn Hiến tọa lạc trên khu đât cao đầu làng, nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ cổ. Các kiến trúc chính của đền được xây dựng theo hướng Đông. Sau lần tôn tạo năm 2005, quy hoạch mặt bằng nhà đền và nhà mẫu chuyển sang phía trái. Khu “Tô Vương lăng Thái sư mộ” nhìn thẳng nhà bia “Văn Hiến Đường bi ký” bên hồ bán nguyệt. Gian giữa nhà tiền tế chiếu trực diện tượng danh nhân Tô Hiến Thành nằm ở trung tâm khuôn viên đền Văn Hiến.
Từ đường cái làng bước vào đền qua cổng lớn có bức đại tự “Thánh vực hiền quan” (của người hiền, cõi thần thánh) cùng đôi câu đối:
          “Nhuệ thủy giang biên, Văn Hiến thiện đường kim thành vực.
          Ô Diên thành ngoại, Kim Sơn linh tích cổ hiền quan.”
Nghĩa là:
          “Bên bờ nước sông Nhuệ tại Văn Hiến Đường nay là cõi thánh.
          Phía ngoài thành Ô Diên ở Kim Sơn linh tích trước thuộc cửa hiền.
Khuôn viên đền Văn Hiến nay được mở rộng, phía trước sân lớn là hồ bán nguyệt. Bao quanh tượng danh nhân Tô Hiến Thành là vườn hoa, cây cối xanh tốt.
Tượng danh nhân Tô Hiến Thành được đặt giữa khuôn viên Đền
Văn Hiến Đường bao gồm tiền tế, bái đường và hậu cung. Nhà tiền tế cao hơn mặt sân 0,50m. Gồm 5 gian xây gạch bít dốc, phía trước có hàng hiên tương xứng với 5 khoảng hoành. Các vi mái bào trơn đóng bén, diềm mái chạm hổ phù, hoa giây.
Phần chính của đền hình chữ đinh (chuôi vồ) gồm đại bái và hậu cung. Tất cả đều xây gạch bao quanh tạo không gian khép kín. Đại bái xây bít đốc, lợp ngói cổ mũi hài, phần đỡ gỗ mái kiểu thượng chồng giường hạ kẻ. Mặt trước thông ra tiền tế gian bên xây tường hậu, sát tường là bệ gạch bày long ngai, hương án, bia đá thờ Táo quân bên phải và các vị hậu hiền thờ bên trái.
Hậu cung gồm ba gian dọc nối với gian giữa nhà đại bái, kiến trúc cao hai tầng tám mái, kiểu Phương Đình. Hai góc đao cong lên tạo cảm giác mềm mại, bay bổng, cao thoáng tôn vẻ trang nghiêm của cung cấm.
Trên cùng là long ngai thờ ảnh của vị Thánh trí tối cao của đạo Nho, đức Khổng Tử. Tiếp đến là ba pho tượng Tam thánh gồm Văn Xương đế quân (thần chủ về văn học), Quan thánh đế quân (Quan Công) và Phu Hựu đế quân (Lã Đồng Tân, một trong tám vị tiên quá hải), sau đến bài vị thần hoàng làng. Dưới cùng là tượng danh nhân Tô Hiến Thành và Tiến sĩ Đỗ Trí Trung.
Bên ngoài điện thờ ở nhà đại bái có 5 ban. Chính giữa là ban hợp đồng có thờ tượng Hồ Chủ Tịch. Bên phải ban hợp đồng có thờ tượng Táo quân, tiếp đến là ban thờ hương cống sinh đồ (cử nhân, tú tài). Bên trái ban hợp đồng thờ tượng Thổ thần, tiếp đến là bài vị các đường sinh có công xây dựng lớn thời xưa.
Những năm 40 của thế kỷ XIX, do nhu cầu thờ tự, một nhà sư người trong làng đã xin lập nhà Mẫu để vừa hương khói trên đền vừa để thực hiện phật sự nên Hội đền Văn Hiến cho lập thêm ngôi nhà mẫu bên cạnh. Ban đầu còn nhỏ, nay được xây dựng lớn hơn, đứng song song ở bên trái khu đền.
Nổi bật nhóm tượng thờ là pho tượng Thái úy Tô Hiến Thành. Tượng cao 1m50 tạc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng. Tư thế tượng uy nghi, phong nhã, khuôn mặt trắng hồng, mắt phượng mày ngài trông quắc thước mà lại hiền hậu. Tượng được đặt trên bệ gỗ, ngai vàng. Tay ngai chạm đầu rồng chầu về phía trước, thân uốn lượn về phía sau, hai bên đuôi chụm lại hậu ngai thành một bong sen nở. Tượng Đức Tô mặc áo thụng, mũ mãng cân đai. Hai tay nâng tấm thẻ bài gắn mặt gương tròn chiếu về phía trước, những ngón tay thon thả, mềm mại như tay Phật. Giữa đai in chữ triện “Phúc – Lộc – Thọ”.
Trong khuôn viên kiến trúc đền Văn Hiến còn có một ngôi mộ cổ nằm ở phía sau đền sát với hậu cung. Đây là ngôi mộ thờ Tô Hiến Thành hay còn gọi là “Tô Vương lăng Thái sư mộ”. Để ghi nhớ công ơn của ông nhân dân đã cho xây dựng mộ ông tại đền để thờ cúng.
Ở chính giữa Văn Hiến Đường là tượng đồng Tô Hiến Thành được đúc và đặt trên bệ cao. Tượng đứng sừng sững giữa đất trời với một phong thái uy nghi, dáng vẻ anh hùng cho thấy tầm vóc lớn lao của Thái úy Tô Hiến Thành.
Đặc biệt, tại đền Văn Hiến còn lưu giữ được bộ Bia Khoa Tràng (bia ghi tên các vị đỗ đạt trong các khoa thi thủa trước) và bộ mộc bản in sách “Cổ Kim Truyền lục”. Đền còn bảo lưu được trọn vẹn các bản khắc gỗ in bộ thơ văn “Cổ Kim Truyền lục”. Có trên 500 bài chia làm 4 tập Nguyên – Hanh – Lợi – Trinh do các nho sĩ trong làng sáng tác và xuất bản vào đầu thế kỷ 20. Đây là hai tư liệu quý minh chứng cho truyền thống văn hiến của mảnh đất Ô Diên xưa, Hạ Mỗ ngày nay. Đền còn lưu giữ một khối lượng di vật lớn gồm thần phả, câu đối, hoành phi, long ngai, hương án, đồ tế khí, bia đá, đồ sứ, đồ đồng, tượng gỗ… góp phần tìm hiểu về vùng đất cổ Ô Diên, về Quốc đô của nhà nước Vạn Xuân, một kho báu của văn hóa làng giàu truyền thống hiếu học.
Với tấm lòng biết ơn sâu sắc về những đóng góp, công lao to lớn của Thái úy Tô Hiến Thành, ngày nay, người dân Hạ Mỗ vẫn ra sức bảo vệ, tôn tạo di tích với tấm lòng thành kính với bậc tiên hiền nhất. Mặt khác, người dân Hạ Mỗ còn luôn lưu giữ những nét văn hóa và truyền lại cho con cháu đời sau hiểu rõ hơn về công lao của Thái úy Tô Hiến Thành để con cháu đời sau mãi khắc ghi và tưởng nhớ công lao của ông đúng với câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”.

Hits: 5659

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *