Đền Và (Sơn Tây)

Từ trung tâm thành phố, theo Quốc lộ 32 đến địa phận thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, du khách đến với Đền Và. Nơi đây thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Và đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1964.

Đền Và thờ vị thần trong Tứ Bất Tử của truyền thuyết nước Nam, đó là Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, vị tổ của bách thần, còn gọi là Nam Thiên Thần Tổ. Theo tấm văn bia dựng vào năm Tự Đức thứ 36 (1883) tại đền thì đền Và được xây dựng từ đời Hùng Vương thứ XVIII. Nguyên xưa kia Tản Viên là người được thần Thái Bạch Kim Tinh ban cho chiếc gậy phép “đầu sinh, đầu tử” để đi cứu dân độ thế. Đức Thánh đã cứu được Tiểu long thần con vua Long Vương ở bể Nam, được Long Vương tặng cuốn “Thần thư bí pháp truyền” (Sách ước). Sau này nhờ có sách ước Sơn Tinh đã lấy được công chúa Mị Nương (là con vua Hùng thứ XVIII). Thủy Tinh thần sông đến sau không lấy được, bèn dâng nước lên đánh, nhưng không nổi đành rút về. Sơn Tinh đại thắng mở tiệc ăn mừng và lập lâu đài để kỷ niệm chiến công oanh liệt đó (Đền Và ngày nay). Về sau Sơn Tinh thường đi khắp nơi cứu giúp mọi người, nơi nào người qua nhân dân đều lập đền thờ, nên xung quanh núi Ba Vì hiện nay có 4 ngôi đền lớn gọi là Tứ cung: Đền Và còn gọi là Đông Cung; Bắc Cung (thuộc thôn Thượng Huyện, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc); Nam Cung (thuộc thôn Yên Quảng, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì); Tây Cung (Đền Hạ, thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội).

Nghi môn sơn son, vẽ rồng phượng

Đền Và được xây dựng trên một khu đồi tĩnh mịch, có diện tích khoảng 17.500m2, xung quanh có nhiều cây lim cổ thụ. Khuôn viên của đền rộng khoảng 2.000m2, được bao quanh bằng tường đá ong cao 2,15m. Kiến trúc của đền theo kiểu “nội công ngoại quốc”, có hai dãy nhà 5 gian, thông gian giữa bằng “ống muống” tạo thành hình chữ “công”. Cho đến nay, nhà tiền tế đã trải qua 3 lần tu sửa lớn: tu tạo năm 1829 (Minh Mạng thứ 10), đại tạo năm 1902 (Thành Thái thứ 14) và lại tu tạo năm 1932 (Bảo Đại thứ 7).

Hình lưỡng long chầu nguyệt trên mái ngói cổ

Đền Và xây theo hướng Bắc – Nam, cửa đền có Tam quan rộng, mái lợp ngói cổ, trên đỉnh đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Nghi môn – cổng chính của đền, hướng về núi Tản Viên (Ba Vì) gồm ba gian dựng trên nền cao, gian giữa cao 4,8m, hai gian bên cao 2,15m. Nghi môn có ba hàng cột gỗ đặt trên tảng kê bằng đá ong (cột cái cao 4,95m, cột quân 3,8m). Liền sát nghi môn, đăng đối hai bên theo chiều dọc là gác chuông và gác trống có kiến trúc tương tự nhau với kiểu chồng diêm 8 mái phỏng theo gác trống, gác chuông chùa Thầy và có dáng dấp của Khuê Văn Các trong Quốc Tử Giám. Mặt hướng vào sân đền được trang trí theo chủ đề ngũ phúc bằng hình năm con dơi xoè cánh ôm lấy cửa sổ tròn. Các cửa của đền Và đều sơn son, vẽ rồng phượng.

Gác chuông có dáng Khuê Văn Các

Tiếp nối với gác chuông và gác trống là tả mạc, hữu mạc xây dựng theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, tường hồi bít đốc, nóc kết cấu “vì kèo quá giang”, mặt trước có cột vuông trên nền tam cấp, mặt trong để trống. Phía sau tả hữu mạc mỗi bên đều có nhà tạo soạn và là nơi nghỉ tạm cho khách hành hương.

Qua cổng đền là một sân rộng lát gạch Bát Tràng. Phía cuối sân, song song với nghi môn là nhà tiền tế (hay tiền bái) rộng năm gian, hai đầu có tháp thiêu hương để hoá vàng mã. Nhà tiền tế hình chữ “nhất”, kiến trúc theo lối 5 gian 2 chái chồng rường, giá chiêng; hệ thống cột cái, cột quân bào nhẵn kiểu “thượng thu hạ thách” đặt lên tảng kê chân cột bằng đá. Trên cột là một hệ thống câu đối cổ được chạm khắc tinh xảo. Bức hoành phi chính giữa, sơn son thiếp vàng có ghi bốn chữ đại tự “Nam Thiên Thánh Tổ”.

Vòm mái hình rồng

Bên trong cùng là hậu cung, được xây dựng vào đời vua Duy Tân năm thứ 9. Hậu cung là nơi thờ Mẹ Đức Thánh Tản Viên, mà dân ta tôn thờ là Đức Quốc Mẫu. Hậu cung hình chữ “công”, tòa ngoài kết cấu 3 gian 2 chái lớn (dài 14m10, rộng 8m90). Hậu cung đặt một khám thờ cao hơn 3m sơn son thếp vàng được chạm trổ cầu kỳ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17. Trước khám thờ có hương án bày long ngai bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản (gồm đức Thánh Tản Viên và hai người em con chú là Thánh Cao Sơn và Thánh Quý Minh), phía trên khám treo bức đại tự “Thượng đẳng tối linh thần” niên đại Tự Đức Quý Mùi (năm 1883).

Tòa ngoài của hậu cung có 4 pho tượng kích thước như người thật đứng nhìn vào nhau, tay cầm vũ khí và khoác áo bào đỏ gọi là “Tứ Thánh” trấn ở bốn cung quanh núi Ba Vì. Ngoài hiên nhà có hai pho tượng quan văn, quan võ ngồi hướng vào nhau.

Đền Và đang lưu giữ 5 bản thần tích “Tản Viên Sơn Thánh”; 18 đạo “sắc phong” của các đời vua, trong đó, có 17 bản chính có dấu ấn; 47 đôi câu đối được chạm khắc, viết trên vách cột, trên gỗ và 18 bức hoành phi viết trên gỗ hoặc đá. Nơi đây còn có 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 tấm biển gỗ.

Hàng năm, Đền Và mở hội mùa Xuân vào ngày rằm tháng Giêng (từ 13 đến 15 âm lịch) và hội mùa Thu vào ngày rằm tháng chín (từ 14 đến 15 âm lịch). Nghi lễ chính của hội mùa Xuân là rước long ngai bài vị “Tam vị Đức Thánh Tản” từ đền Và qua sông Hồng sang tả ngạn ở đền Dội (xã Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) – là nơi theo truyền thuyết Thánh Tản Viên đã tắm để tế lễ – diễn lại sự tích này rồi quay trở lại đền Và. Ở hội mùa Thu, nghi thức chính là đánh bắt cá ở sông Tích để chọn ra 99 con cá trắng to chế biến thành các món tế Thánh. Việc tế cá xuất phát từ truyền thuyết Thánh Tản Viên dạy dân kéo vó và bắt được 100 con cá, sau đó ngài phóng sinh một con cá trê đang có mang, về sau con cá này sinh được 9 con, đều hoá đá, đầu chầu về hướng đền Và.

Hàng năm, du khách trẩy hội về đền Và rất đông, đến đây cảm giác yên bình, thư thái bởi không khí trong lành, linh thiêng, yên bình.

Hits: 8104

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *