Đền thờ tổ nghề Lược Thụy Ứng, thuộc xã Hòa Bình, huyện Thường Tín được khởi dựng nhằm bảo lưu truyền thống uống nước nhớ nguồn đối với vị tổ nghề Nha giác Thánh sư chi thần của nhân dân thôn Thụy Ứng. Trong suốt thời gian tồn tại, đền thờ tổ nghề đã góp phần đáng kể trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và nhân dân địa phương.
Đền thờ tổ nghề Lược tọa lạc gần chùa, lại nhìn ra không gian thoáng đãng và cảnh quan sinh động. Hiện tại, đền có kết cấu kiến trúc Tiền nhất hậu đinh, gồm các hạng mục công trình: nghi môn, đại bái và hậu cung. Ngoài ra còn hệ thống sân, tường bao quanh di tích.
Nghi môn có kết cấu không cầu kỳ gồm bốn trụ biểu đăng đối hai bên với một lối đi chính. Hai trụ biểu lớn, phía trên đắp tứ phượng chầu. Tiếp đến là mặt sập với bốn hổ phù ngậm chữ thọ rồi ô lồng đèn trang trí tứ linh, thân trụ soi gờ kẻ chỉ và đáp đôi câu đối có nội dung:
Nha giác thiết tha tạo thành thủ lang lưu truyền hậu thế
Mộc qua tinh nghiên chế tác hình xã hội điểm trang
Dịch nghĩa:
Đức tổ Nha giác mài cắt tạo thành thủ lang lưu truyền hậu thế
Suy nghiệm tìm tòi chế tác đồ tinh xảo, điểm trang cho xã hội
Câu thứ hai là:
Đình từ sùng kính thâm nghiêm nhật nguyệt hương đăng bất tuyệt
Cung điện nguy nga tráng lệ xuân thu diệu kỷ thường niên
Dịch nghĩa:
Đình đền sùng kính thâm nghiêm, ngày tháng hương đăng không dứt
Cung điện nguy nga tráng lệ, hàng năm xuân thu hai kỳ ứng nghiệm.
Từ hai trụ biểu lớn nối ra hai trụ biểu nhỏ là bức tường lửng, bên trên đắp hoa văn chữ triện, bên dưới đắp nổi hai chữ Phúc và chữ Lộc. Hai trụ biểu nhỏ phía trên đắp búp sen, ô lồng đèn đắp nổi chữ Thọ, thân trụ để trơn, đế trụ thắt cổ bồng tạo sự bề thế vững trãi.
Từ cổng vào qua một khoảng sân lát gạch là tới tiền tế. Tiền tế là một hạng mục công trình gồm 3 gian hồi bít đốc hai mái chảy lợp ngói ri. Nhìn bên ngoài tiền tế đền là bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh. Hai đầu bờ nóc là hai đầu đinh, cuối bờ chảy xây giật cấp để tạo một mặt tiền với ba lối đi chính cuốn vòm. Mặt tiền tòa tiền tế được các nghệ nhân làm theo kiểu nghi môn trụ biểu. Lối đi chính, phía trên đắp kiểu giả hai tầng tám mái, hai đầu bờ nóc là dải hoa dây cách điệu, bốn mái đao trên là lá lật, bốn mái dưới là đầu rồng uốn mềm mại. Tại cổ diêm đắp ba chữ Hán “Dân tiên giác – Biết trước dân”. Từ phần cổ diêm này lối ra hai bên là hai giả trụ biểu với dải băng quả trám và hoa chanh. Phần trên trụ biểu đắp hai con nghê mang tư cách kiểm soát tâm linh của khách hành hương và nhân dân trước khi vào lễ tổ. Thân trụ đắp đôi câu đối:
Cổ tại tích tiền nhân chế tác sơ trang giáo hương kỹ nghệ
Kim dĩ lai hậu thế cải tiến long ngư giao tiếp thị trường
Tạm dịch:
Xưa, cũng bởi tiền nhân chế tác lược điểm trang, dạy dân kỹ nghệ
Nay đến hậu thế, cải tiến long ngư giao tiếp thị trường.
Vào bên trong, tiền tế được chia thành các gian để thông thoáng, các bộ vì được làm thống nhất theo một kiểu thức giá chiêng, kèo kẻ quá giang đơn giản, thiên về bào trơn đóng bén. Nơi đây chính là nơi hội họp của hai giới các cụ, các hội đoàn thể trong thôn và cũng là nơi sửa soạn lễ vật trước khi vào dâng Tổ.
Qua ba lối đi chính là nhà đại bái, là một ngôi nhà ngang cũng giống như tiền tế, nhưng có diện tích lớn hơn vì lối kiến trúc tận dụng hiên. Các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu vì kèo quá giang truyền thống với chất liệu gỗ tứ thiết. Tại gian giữa là nơi bài trí các đồ tế tự, phía trên là bức hoành phi với bốn 4 chữ hán “Sơ hiển thánh nhân”. Bên dưới là hương án phong cách thời Nguyễn, bên trên đặt bát hương, hai cây nến đồng, đôi lọ lục bình và một số đồ thờ tự khác. Tiếp đến là tượng đức tổ nghề. Bên trên có đôi câu đối:
Công vân tự giác do xảo thủ phương viên chế tác
Thành khí lợi sơ trang phi tư tri xuyên di chúng hình
Dịch nghĩa:
Khéo làm từ chất liệu sừng cũng bởi bàn tay khéo léo, vuông tròn chế tác
Thành những sản phẩm tốt đẹp, biết cách xuyên thủng nhiều khuôn hình.
Nối từ gian giữa là tòa hậu cung, tạo cho ngôi đền có kết cấu kiến trúc chữ Đinh. Hậu cung đền thờ tổ nghề được làm hai gian nhà dọc, bên trong các bộ vì được làm theo kiểu vì kèo đơn giản, tại đây đặt một khám thờ có kết cấu như một kiệu long đình. Khám thờ này được trạm khắc nhiều đề tài sinh động. Bốn góc là bốn đầu rồng, phần đô chụm vào để tạo nên bốn ô phần nóc khám. Thân khám được chia làm hai, phần diềm ngoài phía trên chạm tích lưỡng long chầu nguyệt và hoa dây, diềm trong trang trí dải hoa văn chữ triện. Nơi đây đặt bức tranh khảm trai đức tổ nghề, ống đựng sắc phong và nhiều đồ thờ tự khác.
Lễ hội Thụy Ứng tổ chức tổ chức từ ngày 12/11 đến ngày 15/11 âm lịch theo định kỳ hàng năm. Nhưng thời gian diễn ra lễ tổ làng nghề vào xuân thu nhị kỳ là ngày 15 tháng 2 và ngày 15 tháng 8 âm lịch.
Với những giá trị của mình, Đền thờ tổ nghề lược thôn Thụy Ứng được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố năm 2008.
Hits: 341