Đền thờ Nguyễn Trãi (Thường Tín)

Đền thờ Nguyễn Trãi, tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín từ lâu đã là địa chỉ đỏ để người dân Thủ đô đến thăm, viếng mỗi độ Xuân đến, Tết về. Nơi đây không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của Người anh hùng, danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp về lịch sử hào hùng của cha ông một thời.

Đền thờ Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín

Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380, tại Thăng Long. Ông ngoại là quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Cha ông là Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh) hiệu Nhụy Khê, một học trò nghèo, học giỏi, quê ở làng Ngọc Ổi (nay là làng Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín). Mẹ ông là Trần Thị Thái. Năm Nguyễn Trãi lên 5 tuổi, mẹ ông mất. Lúc nhỏ, Nguyễn Trãi ở với ông ngoại là quan tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1385, Trần Nguyên Đán về chí sĩ ở Côn Sơn đem theo cả Nguyễn Trãi. Từ năm 1390, sau khi ông ngoại mất, Nguyễn Trãi về làng Ngọc Ổi – Nhị Khê ở với cha.
Năm 1400, khi nhà Hồ lên thay nhà Trần, đã tổ chức khoa thi cử đầu tiên của triều đại mình. Tại khoa thi đó, Nguyễn Trãi thi đậu Thái Học sinh khi mới 20 tuổi và cùng cha ra làm quan. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, chúng bắt Hồ Quý Ly và các cận thần triều Hồ, trong đó, có Nguyễn Phi Khanh, đưa về Trung Quốc. Nguyễn Trãi muốn trọn đạo hiếu bèn đi theo cha, nhưng Nguyễn Phi Khanh khuyên con nên trở về “Tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha thì mới là đạo hiếu”. Trên đường trở về Nguyễn Trãi bị giặc Minh bắt và đem giam lỏng ở thành Đông Quan (Hà Nội). Mặc dù bị đe dọa, mua chuộc, ông quyết không ra làm quan cho nhà Minh. Năm 1417, ông trốn khỏi Đông Quan, sau đó tìm đường vào giúp Lê Lợi. Nguyễn Trãi đã dâng lên Lê Lợi tập “Bình Ngô sách” vạch ra “ba kế sách dẹp giặc Ngô” mà tư tưởng chủ yếu là “tâm công” có nghĩa là đánh vào lòng người. Từ đó, Nguyễn Trãi luôn có mặt bên cạnh Bình Định Vương Lê Lợi.
Trong sự nghiệp bình Ngô, Nguyễn Trãi giữ vai trò quan trọng và có nhiều cống hiến lớn lao trong việc đề ra đường lối cứu nước, phò tá Lê Lợi trong trù hoạch mưu lược đưa cuộc khởi nghĩa phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mang tính nhân dân sâu rộng trên quy mô cả nước. Nguyễn Trãi còn được Lê Lợi giao cho trọng trách tổ chức và chỉ đạo cuộc đấu tranh địch vận “ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất” dịch là (ta đánh bằng mưu nên đánh vào lòng người khiến không đánh mà chúng phải khuất phục). Vào giai đoạn kết thúc chiến tranh, Nguyễn Trãi là người đảm đương cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao. Ông là người soạn thảo Văn ” Hội thề Đông Quan” và viết bài “Bình Ngô đại cáo”. Đây là một bản tuyên ngôn độc lập, áng thiên cổ hùng văn bất hủ, bản tổng kết tuyệt vời về cuộc chiến tranh chống giặc Minh và toàn bộ lịch sử Việt Nam cho đến lúc đó.
Đến triều nhà Lê, Nguyễn Trãi lại đem tài sức ra phò vua, giúp dân, dựng nước. Ông được phong tước Quan phục hầu, giữ chức Nhập nội hành khiển, Thượng thư bộ lại, kiêm coi công việc Viện khu mật, có lúc giữ chức Trung thư, coi việc Môn hạ sảnh và Tam quán. Trong hàng ngũ văn quan, cương vị của ông khá cao, nhưng triều Lê bị các võ quan chi phối: Trần Nguyên Hãn bị bắt và tự sát, Phạm Văn Sảo bị giết hại, Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ và bị hạ ngục. Sau đó, ông được tha và trong bài thơ “Oan thán”, ông đã thổ lộ nỗi u uất của mình “Hư danh thực họa thù kham tiếu, Chúng báng cô trung tuyệt khả liên” dịch là “Danh hư thực họa nên cười quá, Bao kẻ dèm pha xót người trung). Khi Lê Thái Tông (1433 – 1442) lên nối ngôi mới 10 tuổi, Nguyễn Trãi luôn hướng nhà vua vào mục tiêu xây dựng một đất nước cường thịnh, chăm lo đến cuộc sống của muôn dân.
Tượng đài Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê
Nhân bàn về soạn lễ nhạc, Nguyễn Trãi khuyên nhà vua: “Hòa bình là cái gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc…Nguyện xin bệ hạ yêu thương và nuôi dưỡng dân chúng, để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hận sầu than” (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Năm 1435, ông soạn “Dư địa chí” để vua xem nhằm nâng cao sự hiểu biết, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của nhà vua đối với non sông đất nước. Nhưng lợi dụng nhà vua còn ít tuổi, gian thần càng lũng đoạn triều chính, bọn quan lại xu nịnh, tham nhũng ra sức hoành hành. Nguyễn Trãi đã đấu tranh quyết liệt nhưng ông hoàn toàn bị cô lập. Đây là những năm tháng đau buồn nhất của Nguyễn Trãi. Năm 1439, nhà vua mời Nguyễn Trãi trở lại triều chính. Tuy đã 60 tuổi, ông vẫn đem tài sức ra cống hiến cho đất nước với hy vọng “Thương thần như ngựa đến tuổi già, còn kham rong ruổi, Cho thần như qua năm rét, càng dạn tuyết sương. Quần môn mặc kệ dèm pha, Thánh ý cư bền tín nhiệm (Biểu tạ ơn). Nguyễn Trãi lại đảm nhiệm chức vụ cũ, kiêm thêm chức Hàn lâm viện Thừa chỉ và trông coi việc quân dân hai đạo Đông Bắc. Nhưng chỉ 3 năm sau, nhân vua Lê Thái Tông sau khi duyệt binh ở Chí Linh, ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn và trên đường trở về kinh bị từ trần đột ngột ở Lệ Chi Viên, bọn quyền thần dựng lên một vụ án kết tội ông cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ đã ám hại nhà vua. Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ và nhiều người thân thuộc bị hành quyết.
Đến đời vua Lê Nhân Tông (1443 – 1459) đã khẳng định lại công lao sự nghiệp của Nguyễn Trãi: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng” (Nguyễn Trãi toàn tập), nhưng vẫn chưa minh oan được cho ông. Phải đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) mới chính thức minh oan cho Nguyễn Trãi, ca ngợi “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (tấm lòng Ức Trai sáng như sao Khuê), truy tặng tước Tán Trù bá, ban cho con là Anh Vũ chức huyện quan. Năm 1467, vua ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi.
Với những công lao, cống hiến, những giá trị đích thực của ông trong quá trình cứu nước và dựng nước, lịch sử Việt Nam đã tôn vinh Nguyễn Trãi là anh hùng cứu nước vĩ đại, nhà tư tưởng, chính trị, nhà chiến lược quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, nhà địa lý… Ông đã cùng với Lê Lợi lập nên thắng lợi của sự nghiệp Bình Ngô, cứu nước cứu dân khỏi họa đô hộ và đồng hóa của ngoại bang. Trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước, ông cũng có nhiều cống hiến to lớn nhưng gặp rất nhiều gian nan, khó khăn, không thể thực hiện hết hoài bão và lý tưởng cao đẹp của mình. Dù cuối cùng cuộc đời kết thúc bằng một bi kịch đau xót, nhưng Nguyễn Trãi đã để lại cho lịch sử và hậu thế một tấm gương sáng về phẩm giá một người trí thức trọn đời vì nước vì dân, đấu tranh không biết mệt mỏi cho độc lập dân tộc và hòa hiếu với lân bang, cho một đất nước giàu mạnh có vua sáng tôi hiền, có cuộc sống ấm no cho mọi người, và một sự nghiệp văn hóa đồ sộ với biết bao trước tác trên nhiều lĩnh vực phản chiếu lẽ sống, nhân cách và tài năng sáng tạo của ông. Năm 1980, ông được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.
Hiện nay, quần thể di tích Nguễn Trãi gồm nhiều hạng mục như ngôi Mộ Tổ, tương truyền do một vị tiền bối của dòng họ thiên di từ Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương chuyển về, đặt tại nơi đắc địa, huyệt phát tích khoa bảng; Khu Trại Ổi – Ao Huê tương truyền là nơi cụ Nguyễn Phi Khanh mở trường dạy học từ năm 1387 đến 1400. Khu văn chỉ, là nơi đặt bia đá ghi danh các vị khoa bảng của làng trong đó có tên và tước vị của 2 cha con Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh. Ngôi đền thờ do vua Lê Thánh Tông sau khi minh oan đã cho xây dựng để thờ phụng và tưởng niệm Nguyễn Trãi; di tích đã được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Hits: 8048

Leave a Reply

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *